Người Việt trong và ngoài nước có lẻ ít ai còn nhớ đến tên nhà thơ Văn Thế Bảo, kể từ sau biến cố 1975 đến nay không thấy ai nhắc đến nữa. Ông cùng thời với Vương Đàn, Hiệp Nhân, Nhất Diệp… Lớp sau của Nguyễn Minh Lan, Nguyễn Thiệu Giang, Thanh Nam. Vừa qua Bích Huyền nghe lại những ca khúc của Y Vân, trong đó có bài hát Về Miền Tây, gợi cho trí tưởng của Bích Huyền những âm thanh quen thuộc, những kỷ niệm của một thời tuổi nhỏ. Trên 10 tuổi di cư vào Nam nghe bài này từ chiếc radio nhỏ bé của gia đình. Trong những giây phút của Một Thoáng Hương Xưa hôm nay, Bích Huyền xin nhắc nhớ đến tên ông như một nén hương tưởng niệm muộn màng.
Thưa quý vị và các bạn trong bài Về Miền Tây có đoạn thơ :
Lối về thoai thoải chân đồi
Thước tha nhành liễu chân tha lối mòn,
Nhìn trời nhìn nước nhìn non,
Nhớ chồng thì ít, nhớ con thì nhiều
Thơ Văn Thế Bảo rất gần với ca dao (gần thôi chứ không giống), nó cũng khác cái gần ca dao của thơ Nguyễn Bính :
Hoa chanh nở ở vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
Thưa quý vị có một chút gì đó có vẻ chân quê trong thơ Nguyễn Bính, nhưng mà đấy cũng là cái duyên, cái đẹp của thơ Nguyễn Bính, được tạo thành bằng thứ ngôn ngữ thắm đẫm hương đồng gió nội, mà chỉ mình Nguyễn Bính nắm vững và biết cách xử dụng mà thôi. Còn thơ Văn Thế Bảo gần với ca dao, vì chính tâm hồn ông mộc mạc giản dị…