http://boxitvn.blogspot.ca/2013/06/hay-thich-nghi-voi-xu-thoi-ai.html#more
Lực lượng bất đồng chính kiến dưới thể chế độc tài luôn được quảng đại dân chúng công khai hay ngầm ủng hộ, bởi vì hành động của họ thích hợp với thời đại, họ chống lại cường bạo, bất minh, bất chính của thiểu số, bảo vệ đa số.
Thời đại ngày nay, độc tài dưới bất cứ hình thức nào đều lỗi thời, không còn lý do tồn tại, bởi vì lãnh đạo thể chế độc tài chỉ là đại diện cho nhóm người ích kỷ, bè phái, cục bộ, không chính danh, không chính nghĩa, là “hồn ma” của thể chế phong kiến đã bị chôn vùi qua hàng thế kỷ.
Dầu biết đã lỗi thời, vì lợi quyền, thể chế độc tài cố dùng quyền lực để duy trì chế độ được đến đâu hay đến đó. Càng sắp đến ngày tàn, họ càng tôn chủ nghĩa thực dụng, thờ triết lý hiện sinh, lộ rõ bộ mặt sâu dân mọt nước. Họ say máu vì tiền: Tiền là Tiên là Phật / Là sức bật tuổi trẻ / Là sức khỏe ông già / Là cái đà danh vọng / Là cái lọng che thân / Là cán cân công lý / Là tình đồng chí / Là hết ý cuộc đời.
Độc tài là tàn dư ý thức hệ phong kiến. Đã là ý thức thì nó đã ăn sâu vào não trạng, từ bỏ nó không phải dễ, nó được duy trì một cách ngoan cố. Theo tôi, trên thế giới, độc tài có 3 dạng thức:
Độc tài ngu muội : Họ không thức thời, cố dùng bạo lực để giữ thể chế, từng bước bị cô lập, bị triệt tiêu như Bắc Hàn và một số nước Châu Phi, Trung Đông chẳng hạn.
Độc tài ranh mãnh: Họ thừa biết thể chế độc tài đã lỗi thời, sớm muộn gì cũng phải nhường chỗ cho thể chế Dân chủ Đa nguyên. Vì lợi quyền, “còn nước còn tát” họ ra sức ngu và mị dân nhằm “đánh lận con đen”. Về chính trị, để cho thích nghi với thời đại, họ dùng chiêu bài Dân chủ giả hiệu, với toa cơ bản: “Lấy dân làm gốc”, tuôn ra xã hội nào là “Của dân, do dân, vì dân”, “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Rõ ràng, họ lấy chữ “Dân” ra “đỡ đạn” cho mình, ngoài Ngân hàng Nhà nước, họ trương ra những nhãn hiệu: Hội đồng Nhân dân, Ủy Ban Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Quân dội Nhân dân, Công an Nhân dân, v.v. Về kinh tế: “Đầu gà đít vịt”, pha trộn kinh tế tập trung với kinh tế thị trường thành đứa con lai rồi đảo ngữ, định hình “Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa” cho nó mang màu sắc, đặc trưng, đặc thù… để người ta không biết nó là đứa con lai.. Xưng hô như thế, nhưng tập trung là chính, theo kiểu Tư bản Nhà nước, tư liệu sản xuất và những ngành kinh tế then chốt đều do Nhà nước quản lý – Nhà nước của thể chế độc tài đồng nghĩa với băng nhóm lợi ích. Dưới thể chế độc tài, khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng nới rộng, một thực trạng chán chường “…cán bộ đầy tay, dân trắng tay” – như một bài vần vè của sĩ phu Bắc Hà mấy năm trước.
Độc tài thức thời: Sớm nhận ra ý thức hệ lỗi thời, kinh tế trì trệ và sự nguy hiểm đối với bản thân, họ chấp nhận cải tổ (Pérestroika) thể chế chính trị và kinh tế cho phù hợp với xu thế thời đại như ở Châu Âu, Miến Điện, Cuba chẳng hạn.
Ở Châu Âu, ngoại trừ nước Romania, đầu lĩnh là ông Ceausescu ngoan cố bị nhân dân lật lật đổ và giết chết, 25 nước độc tài Đảng cộng sản trị còn lại đều chấp nhận cải tổ theo thể chế chính trị Dân chủ Đa nguyên, chỉ trong vòng 3 năm (1989 – 1991) họ hoàn tất việc chuyển đổi thể chế độc tài Đảng trị thành thể chế Dân chủ Đa nguyên trước sự hoan hỉ của người dân, lực lượng vũ trang làm ngơ và vẫn đường hoàng trong bộ quân phục với thể chế chính trị mới – Tuyệt: êm ái, gọn gàng, không có mùi tanh của máu và mùi thuốc súng.
Ở Miến Điện: Từ thể chế độc tài quân phiệt, họ tự nguyện hòa giải với phái bất đồng chính kiến chuyển sang chế độ Dân chủ Đa nguyên một cách êm thắm, loại bỏ được yếu tố nội chiến, được thế giới ngợi khen về mặt tinh thần, ủng hộ về mặt vật chất – chỉ có được chớ không mất.
Ở Cuba: Lão tổ Cộng sản Fidel Castro của nước này nói với báo giới một câu chán nản, đại ý: Mô hình XHCN của Cuba ngay cả Cuba cũng không thể tiếp tục áp dụng. Thế rồi ông giao quyền cho người em Raul Castro toan tính tìm đường. Ông Tổng Bí thư Đảng CS VN Nguyễn Phú Trọng sang đấy thuyết giáo về CNXH, nhưng xem mòi không ăn khách.
Nếu thập niên 40 là thời điểm cáo chung của chế độ thuộc địa, thập niên 90 là thời điểm tan rã của chủ nghĩa cộng sản, thì thập niên 2010 chắc cũng sẽ là thời điểm cáo chung của những thể chế độc tài toàn trị còn rơi rớt lại.
Những người cầm quyền các thể chế độc tài còn lại hiện nay, có lẽ họ cũng nhận ra điều ấy, họ đang tranh thủ thu vén để “thắng làm vua, thua chạy”. Họ gởi tiền của, tạo dựng cơ ngơi ở nước ngoài, khi “nước đến trôn” nhiều lắm họ cùng gia đình cuốn gói vọt, bỏ lại phía sau những người vì họ “tay lỡ nhúng chàm” đành sống dở chết dở, nếu không bị hành xử như những tên tội phạm thì cũng phải chấp nhận cái nhìn không thiện cảm của người dân? Không phải giả định đâu, chuyện đời đã vậy, đang vậy và sẽ vậy. Nếu không tin sang các nước độc tài thua cuộc ở Châu Phi, Trung Đông hay xẹt qua Campuchia xem thì khắc biết.
Theo bài dịch của Phạm Nguyên Trường đăng trên Bauxite VN ngày 31/5/2013, “Giới quân nhân Cuba chuẩn bị cho giai đoạn chuyển tiếp”, tôi xin trích vài đoạn trong bài này để mọi người Việt Nam ta, nhất là giới quân nhân, tham khảo:
<<Giới quân nhân Cuba nghiên cứu một cách kỹ lưỡng kinh nghiệm giai đoạn chuyển tiếp của nước Nga, các nhơn viên An ninh đã tỏ ra niềm nở hơn với những người bất đồng chính kiến. Đang diễn ra quá trình chuẩn bị cho giai đoạn chuyển tiếp…>> – Ông Guillermo Farinas, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng ở Cuba tuyên bố như thế.
Ông Farinas nói : <<Ông vẫn thường xuyên nói chuyện với các sĩ quan cao cấp, hàm thượng tá hay đại tá, những người từng học với ông trong các học viện quân sự… và đã từng chiến đấu ở Angola. Từ những cuộc nói chuyện với họ, tôi biết rằng hàng tuần các sĩ quan cao cấp vẫn tổ chức những buổi hội thảo về giai đoạn chuyển tiếp ở Nga, về thời điểm và biện pháp tiến hành những cuộc cải cách kinh tế và chính trị. Trong đó có giai đoạn cai trị độc đoán của Putin, gọi là “chủ nghĩa Putin” >>.
Ông Farinas cho biết thêm:<<Theo lời những người cố vấn của Raul Castro thì ông ta sẵn sàng cho từ 15 đến 25 người bất đồng chính kiến được bầu vào Quốc hội Cuba….Một số nhân viên cơ quan An ninh không muốn bị mang tiếng trong những vụ đàn áp những người bất đồng chính kiến, vì sợ rằng khi chế độ sụp đổ họ sẽ gặp rắc rối >>.
v.v…
Trước áp lực trong nước và thế giới, trước hiện tình khó khăn của đất nước, dầu muốn dầu không, sớm muộn gì Việt Nam ta cũng phải thay đổi thể chế chính trị cho phù hợp với xu thế thời đại. Đã đến lúc Quân đội và Công an Nhân dân Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng những suy nghĩ và hành động của quân nhân Châu Âu và Mỹ Latin để nếu có chuyển được êm thắm, trong tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc, sẽ có lợi cho tất cả.
Người ta giành độc lập không tốn máu, còn Việt Nam ta giành được độc lập phải núi xương sông máu?!
Vì lợi ích cộng đồng, người ta chuyển thể chế chính trị êm thắm, chẳng lẽ Việt
Nam ta lại chọn đầu rơi máu chảy khi chuyển đổi thể chế chính trị?!
Giời lãnh đạo Việt Nam đã từng dõng dạc với thế giới : “Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình”. Xử lý chuyện nội bộ mà cắn xé nhau thì chính mình vả miệng mình – nội bộ còn không tin nhau làm sao người ta tin nổi?!
Tạo hóa đã ban trí khôn cho mọi người ở cả 5 Châu chớ đâu không phải chỉ riêng cho Châu Âu và Châu Mỹ ?.