Trong những ngày này, bài phát biểu kêu gọi xây dựng lòng tin của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn đối thoại thường niên Shangri-la (Singapore) được công luận thế giới cũng như trong nước rất quan tâm. Nhân dân, nhất là những người lạc quan tin tưởng vào Thủ tướng, có quyền kỳ vọng và mong muốn Thủ tướng có bài phát biểu về vấn đề xây dựng lòng tin của dân chúng đối với Chính phủ mà Thủ tướng là người điều hành và chịu trách nhiệm chính, đối với Đảng Cộng sản mà Thủ tướng là một Ủy viên Bộ Chính trị, đối với Quốc hội mà Thủ tướng là một đại biểu được nhân dân bầu ra và đích thân Thủ tướng đứng đầu cơ quan chấp hành chịu trách nhiệm thừa hành những quốc sách của Quốc hội.
Ngược lại, số người hoài nghi vào bài phát biểu của Thủ tướng cũng không phải là ít bởi ít nhất người ta cũng quá hiểu về tài năng của Thủ tướng qua những nhiệm kỳ làm Phó Thủ tướng, rồi Thủ tướng những năm vừa qua.
Lời hứa… và cách điều hành đất nước
Người dân cả nước vẫn chưa quên lời hứa của Thủ tướng ở nhiệm kỳ đầu khi mới được bầu: “Nếu không thanh toán được nạn tham nhũng thì tôi sẽ từ chức”. Đã qua hai nhiệm kỳ của Thủ tướng, nhân dân đang hỏi Thủ tướng đã thanh toán được bao nhiêu vụ tham nhũng mà hậu quả chỉ thấy người chống tham nhũng, nhà báo viết về tham nhũng bị bắt, bị chịu cảnh tù đày.
Cũng tương tự như vậy với hai nhiệm kỳ đứng đầu Chính phủ với tầm quan trọng là Thủ tướng trực tiếp bổ nhiệm các tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước thì có bao nhiêu tập đoàn vỡ nợ phá sản đã rõ vào bao nhiêu tập đoàn, tổng công ty đang bên bờ vực phá sản. Nợ công, nợ xấu vì sao lại cao ngất ngưởng chưa bao giờ có trong các nhiệm kỳ của Thủ tướng.
Xin lỗi… rồi đổ lỗi
Đồng bào cả nước vẫn chưa quên khi Thủ tướng đã nhiều lần tại diễn đàn Hội nghị Trung ương và Quốc hội đã phải thành khẩn nhận lỗi trong điều hành đất nước nhưng cũng quá hiểu câu nói hàm ý của Thủ tướng ngay sau đó, đại ý là năm 51 năm theo Đảng Thủ tướng không từ chối việc gì khi mà Đảng phân công, tức là để xảy ra những khuyết điểm của Thủ tướng như thế thì khuyết điểm đầu tiên phải là khuyết điểm của Đảng (vì Đảng đã phân công thì không thể chối từ mặc dù năng lực kinh nghiệm điều hành có hạn?!).
Cái gương… và sự nói một đằng làm một nẻo
Myanmar, một quốc gia láng giềng cùng nằm trong khối ASEAN có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, trong vài năm gần đây đã có những bước cải cách hết sức ngoạn mục. Thủ tướng và các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam sang thăm và hết lời ca ngợi Myanmar, khiến cho người dân Việt mong mỏi Đảng Cộng sản Việt Nam hãy noi theo Myanmar mà tiến hành cải cách dân chủ, thực hiện hòa hợp hòa giải và xây dựng cho được bản Hiến pháp dân chủ tiến bộ văn minh.
Myanmar đang được cộng đồng thế giới kỳ vọng và đổ tiền đổ của để giúp sự nghiệp cải cách của bạn được mau chóng thành công. Thế thì tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam chưa chịu xóa đi những vết “nhọ” đang đeo bám trên cơ thể dân tộc quốc gia mình?
Chỉ cách một ngày sau khi Thủ tướng phát biểu tại Shangri-la về xây dựng lòng tin, trong đó dẫn đủ hiến chương Liên Hợp Quốc, tuyên ngôn về nhân quyền Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, các nguyên tắc chuẩn mực ứng xử đã trở thành giá trị chung của toàn nhân loại,… thì người dân biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam lại bị chính lực lượng chức năng của Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu bắt nhốt giam cầm, cản trở quyền yêu nước?!
Rồi một lý do nữa để hoài nghi là cách đây không lâu báo chí đưa tin Chính phủ đưa ra một phương án đổi tên nước, nay tại diễn đàn Quốc hội người ta lại đang viện dẫn sự tốn kém kinh phí nếu đổi tên nước từ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để bác bỏ phương án đó. Sau nửa năm vận động toàn dân tập trung trí tuệ để sửa đổi Hiến pháp, biết bao tiền của đổ vào cũng như biết bao tiếng nói công sức nặng lòng với dân tộc nói lên tiếng nói từ con tim khối óc đã bị vứt vào sọt rác để rồi Quốc hội đang độc diễn thảo luận bản hiến pháp gần như trùng với bản dự thảo ban đầu.
Người dân nhận ra rằng sau khi lấy cớ sửa đổi hiến pháp hòng khỏa lấp những vấn dề gây bức xúc trong dân như tham nhũng, đấu đá nội bộ, kinh tế trì trệ èo uột nhu nhược với giặc bành trướng, Đảng và Nhà nước mà Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ lại quay trở về phương án “vẫn y nguyên” so với hiến pháp cũ.
Vậy phải chăng là sự hoài nghi về bài phát biểu của Thủ tướng là không có cơ sở?!
http://boxitvn.blogspot.ca/2013/06/tu-long-tin-en-ky-vong-long-tin.html