Liên Hiệp Âu Châu (EU) hậu thuẫn Philippines kiện TQ
Nghị viện Âu châu đã ra nghị quyết hôm 14/3 theo đó thông qua một bản phúc trình có nội dung ủng hộ sáng kiến trọng tài của Philippines theo Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc 1982 (UNCLOS), nhằm làm rõ các quyền trên biển của nước này tại Biển Đông.
Bản phúc trình cũng kêu gọi Trung Quốc “tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế trong việc theo đuổi các mục tiêu ở nước ngoài”.
Bộ Ngoại giao của Philippines trong một tuyên bố đã hoan nghênh nghị quyết này là một “cột mốc” trong các nỗ lực của Philippines trong việc thu hút chú ý tới chuyện xử lý bất đồng về chủ quyền ở các vùng đang có tranh cãi trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình như đưa ra trọng tài.
Năm ngoái, Thượng viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua một nghị quyết về việc giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình.
Tuy nhiên, các nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp trên Biển Đông vẫn đang trong thế bế tắc.
Các lãnh đạo ASEAN tới dự họp ở Brunei đã hy vọng là Trung Quốc sẽ sớm đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán về một thỏa thuận kiềm chế nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra đụng độ lớn tại các vùng lãnh thổ có tranh chấp, điều có thể gây tổn hại cho các nền kinh tế trong khu vực.
Thế nhưng Trung Quốc đến nay vẫn không hề ra một chỉ dấu rõ rệt về việc khi nào Bắc Kinh sẽ đồng ý thương thuyết về Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông này.
Việt-Trung ‘thúc đẩy hợp tác’
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam đang có chuyến thăm Bắc Kinh bắt đầu từ ngày 23/4/2013 do ông Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng CSVN dẫn đầu theo lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung quốc. Mục đích được nói là “nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước”.
Báo chí Việt Nam cho hay trong hai ngày 23/4 và 24/4, phái đoàn Việt Nam đã gặp và hội đàm với ông Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và ông Triệu Hồng Chúc, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng CS Trung Quốc.
Ông Ngô Văn Dụ được dẫn lời nhấn mạnh: “Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước sau như một coi trọng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, mong muốn cùng với phía Trung Quốc nỗ lực đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực.”
Đáp lại, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Vương Kỳ Sơn nói Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam “thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt phát triển ổn định và lành mạnh”.
Ông Vương cũng khuyến cáo phía Việt Nam “kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì bất di bất dịch đi con đường chủ nghĩa xã hội”.
Theo tin ngày 25.4 của BNG/ CSVN, để thực hiện nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” ký ngày 11 tháng 10 năm 2011, hai bên tiến hành đàm phán vòng III về hợp tác trong các lĩnh vực được xem là ít nhạy cảm trên biển.
3 dự án ưu tiên hợp tác là:
– Phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc;
– Hợp tác trao đổi, nghiên cứu về quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam – Trung Quốc;
– Nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang.
Hiện còn chưa rõ ngoài những gì BNG/CSVN loan báo, đoàn đại biểu Đảng CSVN còn bàn thêm những gì với phía Trung Quốc.
Tướng Trung cộng Hứa Kỳ Lượng căn dặn binh lính ‘sẵn sàng chiến đấu’
Nhật báo Giải phóng quân Trung Quốc hôm 25/4/2013 đăng bản tin dài nói về chuyến thăm của ông Hứa Kỳ Lượng, người mới lên chức Phó Quân ủy Trung ương Trung Quốc sau Đại hội 18, tới Vân Nam.
Đặc biệt đến thăm trung đoàn biên phòng đóng ở Lão Sơn, ông Hứa Kỳ Lượng căn dặn quân lính cần nâng cao tinh thần huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Tướng Hứa Kỳ Lượng còn nói về tầm quan trọng của biên giới Tây Nam của Trung Quốc. Đả thông tư tưởng binh sỹ Trung Quốc theo tinh thần Đại hội 18 vừa qua ở Bắc Kinh, Tướng Hứa Kỳ Lượng cũng nêu cao chủ đề sẵn sàng chiến đấu ở vùng biên giới nhằm “khắc chế địch quân” mà ông không nêu ra là ai.
Lão Sơn (Núi Đất) cùng với một cao điểm khác là Giả Âm Sơn (Việt Nam gọi là Núi Bạc) là cao điểm thuộc về Việt Nam.
Tháng Tư năm 1984, quân đội Trung Quốc lên kế hoạch đánh chiếm hai cao điểm này và tới tháng Bảy thì thành công. Quân đội Việt Nam buộc phải rút quân vì thương vong quá lớn.
Trận Lão Sơn (Núi Đất) ngày 12/07/1984 được cho là một trong các trận đánh đẫm máu và khốc liệt nhất ở Á châu thời kỳ sau này, và có thông tin nói còn nhiều hài cốt của liệt sỹ Việt Nam bên đó chưa được hồi hương.
Hiệp định ngưng chiến 1990, lãnh đạo CS Việt Nam đã phải ký nhượng 600 km² phần đất Tổ Quốc phiá Bắc Việt Nam, trong đó có phần núi Bạc, núi Lão Sơn cho Trung Quốc .
Blogger Điếu Cày tiếp tục bị biệt giam và ngăn cấm thăm nuôi
Ngày 21 tháng 4 vừa qua là tròn 5 năm ngày blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải chính thức bị khởi tố và bắt giam. Thế nhưng cho đến nay người đàn ông dũng cảm, một trong những tù nhân lương tâm nổi tiếng tại Việt Nam vẫn bị công an trại giam cố tình cản trở việc thăm gặp gia đình. Vợ cũ của blogger Điếu Cày là bà Dương Thị Tân đã bị công an trại giam hành xử một cách hết sức thô bạo sau khi đấu tranh đòi thăm nuôi người nhà.
Trước đó nguồn tin của gia đình cho biết Blogger Điếu Cày hiện đang bị biệt giam suốt 80 ngày qua tại trại giam Xuyên Mộc, kể từ ngày 1 tháng 2 cho đến nay.
Sáng ngày 21 tháng 4, bà Dương Thị Tân cùng con trai Nguyễn Trí Dũng đã đến trại giam Xuyên Mộc để làm thủ tục thăm nuôi định kỳ đối với Blogger Điếu Cày. Tuy nhiên sau khi đã vượt cả trăm cây số đến nơi thì cả hai mẹ con bất ngờ nhận được thông báo không cho thăm gặp.
Hai viên công an được gọi là cán bộ trực thăm nuôi thông báo Blogger Điếu Cày không được thăm gặp, kể cả gởi quà. Lý do được họ đưa ra là còn 3 ngày nữa mới đúng 30 ngày được phép thăm gặp. Hai mẹ con hết sức ngỡ ngàng, nhưng cán bộ khẳng định đây là thông lệ của các trại giam khi có án. Rõ ràng đây là một hình thức gây khó khăn mà cán bộ trại giam đã nhận lệnh từ thượng cấp, mục đích để cản trở việc thăm gặp gia đình đối với những người tù lương tâm.
Không chấp nhận với hành vi gây khó dễ như trên. Bà Dương Thị Tân đã mạnh mẽ phản đối việc cản trở thăm nuôi, yêu cầu được thăm gặp người nhà. Hai viên công an cũng là hai cán bộ trực thăm nuôi đã lớn lối quát nạt mẹ con bà Tân, nhưng sau khi tranh cãi một hồi, hai viên công an tỏ ra đuối lý bèn ra lệnh cho bảy công an khác, trong đó có một công an nữ lao đến trấn áp rồi ném bà Dương Thị Tân ra ngoài đường một cách hết sức thô bạo.