Sau 3 ngày xử án công khai nhưng chỉ cho công an và báo lề Đảng vào dự khán, ngày 5-4 tòa án TP Hải Phòng đã tuyên án ông Đoàn Văn Vươn và người thân. Ông Vươn bị tuyên phạt 5 năm tù; ông Đoàn Văn Quý: 5 năm tù; Đoàn Văn Sịnh: 3 năm 6 tháng tù; và ông Đoàn Văn Vệ bị 2 năm tù về tội giết người theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ Luật Hình Sự CSVN.
Vợ ông Quý là bà Phạm Thị Báu bị 18 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 36 tháng; và vợ ông Vươn, bà Nguyễn Thị Thương bị 15 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 30 tháng; về tội chống người thi hành công vụ quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 Bộ Luật Hình sự.
Nhiều phản ứng bất bình về cách tiến hành phiên xử, thái độ của công an đối với những người dân muốn tham dự phiên tòa, kết luận tuyên án, bênh vực các bị cáo v.v.. đã được truyền thông lề dân ghi nhận và phổ biến, xin không lập lại ở đây.
Đặc biệt trên một diễn đàn giao lưu trong và ngoài nước trên mạng, có một câu hỏi rất đơn giản mà từ đầu sự việc này đến nay chưa thấy ai đặt vấn đề. Nguyên văn câu hỏi là: “Cho tới giờ tôi vẫn chưa hiểu tại sao lại tội giết người khi không có người nào bị giết? Luật sư cãi cũng không thấy thắc mắc”.
Ngay sau đó, người ta đọc được câu trả lời từ các “dư luận viên nhà nước”, tức phía luôn bênh vực chế độ và lập lại quan điểm của Ban Tuyên Giáo Cộng Sản Việt Nam:
“Nói cho đúng đây là tội mưu sát (attempted murder). Tội mưu sát không cần phải có người chết hoặc bị thương. Nếu nạn nhân bị thương thì tội nặng hơn, còn nếu chết thì thành tội giết người. Tại Mỹ, tội mưu sát bị phạt:
– Nếu có chuẩn bị trước (như trường hợp ông Vươn): tối thiểu 10 năm đến chung thân. Tại CA, nếu bắn nhân viên công lực tối thiểu là 15 năm.
– Nếu không chuẩn bị trước: 5 đến 15 năm tùy theo có gây thương tích cho nạn nhân không.
Ông Vươn quá hên nhờ sống tại VN, luật pháp lỏng lẻo, lại thêm thủ tướng can thiệp nên toà nể, chỉ bị 5 năm, còn không bị bồi thường cho nạn nhân. Tại Mỹ, cả gia đình có thể bị bắn chết lúc chống cự. Nếu an toàn, cũng bị chung thân vì cố ý cho nổ bình gaz, bắn súng, gây thương tích nặng (mù một mắt, bị thương) cho công an.”
Lối giải thích trên thoạt nghe không thấy gì sai. Nhưng ở đây ta thấy tội danh giết người và mưu sát khác nhau bằng một mạng người chết. Luật pháp công chính đòi hỏi từ ngữ chính xác, ta thường thấy các công tố viên và luật sư của 2 bên hay tranh cãi nhau từng định nghĩa từ ngữ.
Ngay cả đến tội giết người, luật các nước cũng phân định sự khác biệt giữa tội ngộ sát và tội cố sát. Khi tội danh mù mờ nhập nhằng, luật pháp sẽ mù mờ nhập nhằng tùy tiện. Khi luật pháp mù mờ tùy tiện, người dân sẽ mù mờ về luật pháp, và từ không biết đâu mà mò để tuân thủ pháp luật sẽ từ từ tiến đến khinh lờn pháp quyền và chỉ còn sợ bạo quyền. Điều lạ ở đây là ngay cả luật sư và báo chí cũng không ai đặt vấn đề tội danh từ ngữ chính xác. Giả sử trong phần tội danh giết người trong bộ luật hình sự CHXHCNVN đi vào chi tiết có những điều khoản phân định nhiều mức độ khác nhau trong đó có tội mưu sát, thì việc quy tội giết người chung chung cho một bị cáo trong một vụ án không có ai bị giết chết vẫn tạo một ấn tượng bôi nhọ tuyên truyền dư luận để gây ác cảm cho bị cáo trước phiên tòa. Phải chăng vì quá quen với sự mù mờ nhập nhằng rồi nên các luật sư, nhà báo và đa số dân chúng thấy là chuyện bình thường không có gì phải nói.
Chính tiếng nói thường bênh vực chế độ Cộng Sản Việt Nam ở trên cũng phải công nhận sự nhập nhằng tùy tiện của luật pháp CHXHCNVN: bị kết tội giết người rồi mà hình phạt lại chỉ có 5 năm, nhờ sự can thiệp của Thủ Tướng. Chưa kể nhiều câu hỏi khác cũng bật lên: Thủ tướng được phép can dự vào khâu nào trong tiến trình điều tra hay tố tụng? Nếu Thủ tướng đã kết luận phía các quan chức sai hoàn toàn và hàm ý gia đình anh Vươn vừa là nạn nhân vừa chỉ tự vệ thì tại sao còn bị tội giết người?
Khi một xã hội mà dân coi thường luật pháp, chỉ sợ luật rừng của những kẻ nắm trong tay bộ máy bạo lực; khi mà thành phần có nhiệm vụ bảo vệ luật pháp vừa mạnh miệng nói “luật pháp là tao” vừa hợp tác với xã hội đen, thuê mướn “dân tự phát” làm cả những chuyện hạ cấp nhất như ném phân và đồ hôi thối vào nhà những người bất đồng chính kiến như ông Hoàng Minh Chính, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, và mới đây blogger Huỳnh Ngọc Tuấn…, thì lâu ngày sự khinh lờn luật pháp trở thành nếp văn hóa ăn sâu vào tiềm thức cả nước là hệ quả đương nhiên.
Đây là điều đáng quan ngại và sẽ là nan đề cho việc canh tân trong thời kỳ hậu cộng sản. Để gỡ bỏ nếp văn hóa tiêu cực này, việc ưu tiên sẽ phải là làm sao cho người dân lấy lại được sự tin tưởng vào hệ thống cơ chế luật pháp quốc gia, tìn rằng luật pháp công minh là để bảo vệ mình và cộng đồng xã hội, chứ không chỉ nhằm bảo vệ một nhóm lợi ích đang ngồi trên đầu mình.