Về truyền thống giáo dục

- Quảng Cáo -

Ngày nay, chúng ta cùng nhau vinh danh một trong những nghề cao qúy, rất cao quý, cao qúy bậc nhất : dạy học. Nghề này cao qúy bởi lẻ sản phẩm đầu ra của nó rất đặc biệt: con người. Tại sao vậy ? Bởi, trong vũ trụ này không có thứ gì trên con người, không có sinh vật nào cao qúy hơn con người. Cho nên, rất hẳn nhiên, nghề giáo dục con người phải được xem như quan trọng nhất, cao qúy nhất.

Nhưng thử nhìn lại kết qủa đầu ra của những sản phẩm hiện nay: lừa dối, gian lận, hiếp dâm, cướp của, giết người, tham nhũng, hối lộ…không có tội lỗi nào mà loài người có thể nghĩ ra lại không có ở đất nước này. Nghèo nàn, lạc hậu, văn hóa bệ rạc, đạo đức xuống cấp thảm hại…không thứ gì không thể nhìn thấy ở thời đại này. Rất rõ ràng, vinh quang thuộc về ngành giáo dục thì trách nhiệm cũng phải thuộc về ngành giáo dục. Xã hội hiện nay, cái đầu ra tệ hại hiện nay tất yếu phải có nguồn gốc của nhiều chục năm trước khi người ta cố tình làm méo mó quy trình tạo ra sản phẩm rất đặc biệt ấy: con người. Một nền giáo dục đúng đắn không có liên quan đến bất kỳ một hệ tư tưởng nào cả, dù hệ tư tưởng ấy hứa hẹn một tương lai tốt đẹp đến thế nào chăng nữa.

Vì vậy, phương pháp giáo dục con người cũng không nên liên quan, tuyệt đối không nên liên quan đến một hệ tư tưởng nào dù phương pháp ấy có được xem xét cẩn trọng đến đâu chăng nữa. Con người không phải máy móc, tuyệt đối không được xem con người như những công cụ hay phương tiện để từ đó ép buộc giáo dục con người phải theo một phương cách nào đó, nghĩa là, tuyệt đối không được “thiết kế” con người theo một phương pháp rập khuôn. Bởi cuộc sống không phải những cái khuôn đúc để có thể rập mẫu, nhào nặn con người theo ý muốn chủ quan của một số người nhằm phục vụ cho một xã hội tương lai viễn vông nào đó. Tuân thủ, vâng lời, làm theo, khuôn phép…không phải giáo dục chân chính. Giáo dục đúng nghĩa phải giúp con người trưởng thành, trưởng thành trong tự do: tự do đặt câu hỏi đối với mọi loại vấn đề, tự do đặt câu hỏi đối với mọi con người, tự do tra xét mọi truyền thống, tự do nghi ngờ ngay cả chân lý…

Và tự do nghi ngờ ngay cả tính đúng đắn của cái truyền thống mà hôm nay chúng ta đang vinh danh: truyền thống tôn sư trọng đạo. Phải nói rằng, chúng ta có rất nhiều truyền thống. Uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, vâng lời thầy cô, kính lão đắc thọ, kính yêu cha mẹ, đùm bọc lẫn nhau…Những truyền thống này được xem như những bộ chuẩn tắc trong ứng xử giữa cá nhân con người và con người, giữa con người và cộng đồng, giữa con người và xã hội mà mọi người phải theo. Nói cách khác, truyền thống được xem như một thứ “lệ” chứ không phải “luật” có giá trị như một khế ước, một thứ quy định ngầm, một con “đê” được đắp lên trong suy nghĩ, trong tư tưởng con người.

- Quảng Cáo -

Nhưng đôi lúc, truyền thống lại giống như một qủa núi lớn chắn ngang đường đi, không ai dám nghĩ đến việc phá quả núi đấy mà lấy đường đi. Bởi truyền thống, theo một nghĩa nào đấy, lại chính là những giáo điều, tín điều khô cứng bó hẹp suy nghĩ con người ta. Những quan điểm, ý kiến của các thế hệ đi trước, truyền thống ngàn đời đôi lúc đã đúc khuôn suy nghĩ và tư tưởng của các thế hệ đi sau. Những điều này, phải thật tinh ý mới thấy, đã tác động lên thế hệ sau cực kỳ mạnh mẽ và bền vững, ấn định toàn bộ cuộc sống vô thức và cả cuộc sống có ý thức. Sẽ chẳng có lấy nổi sáng tạo nếu ngay từ thời thơ ấu con người ta đã bị ấn định bởi những truyền thống theo kiểu rập khuôn, tuân thủ những truyền thống như thế. Truyền thống khi đi vào vô thức sẽ khống chế tư tưởng con người ta một cách khủng khiếp, hủy diệt sức sáng tạo bởi những tư tưởng theo truyền thống sẽ chẳng thể nào khám phá ra điều mới lạ. Truyền thống đôi khi gây ra sự sợ hãi, đe dọa những ai dám đi ngược lại truyền thống.

Và sự sợ hãi làm cho tâm trí con người chìm trong tăm tối, không còn dám truy xét, không còn nhận ra ý nghĩa thực của cuộc sống. Bởi vậy, chúng ta đang chứng kiến rất nhiều người trẻ sống như những ông già ngay ở tuổi đôi mươi: mong muốn an thân, vô tâm với mọi điều đang xảy ra…mà không hề truy xét, đặt câu hỏi…như thể họ đã bị cuộc đời này vùi dập cho kiệt quệ trong tận suy nghĩ vậy. Truyền thống cũng làm cho những người lớn của chúng ta non nớt và ấu trĩ đến thảm hại dù chính họ đã góp phần tạo nên tình trạng khốn cùng như hiện nay. Nhưng thay vì tìm cách cải tạo nó bằng nhận thức và kinh nghiệm của mình thì họ chờ đợi, chời đợi thế hệ trẻ thực hiện cái công việc mà đáng ra họ phải gánh vác đấy.

Truyền thống giáo dục của chúng ta gần như không có gì thay đổi. Những thay đổi, nếu có, chỉ là những thay đổi mang tính chất bề mặt chứ xét về bản chất thì hầu như bất động, một thứ triết lý giáo dục quá đổi lạc hậu. Ngày trước ông bà chúng ta đã học như thế, ngày nay con cháu vẫn cứ tiếp tục một cách học không có gì hay hơn: thầy cô luôn đúng, người lớn luôn đúng và lãnh đạo luôn đúng. Giáo dục, theo cách hiểu của tôi là một quá trình tương tác hai chiều, giữa hai thực thể bình đẳng với nhau: người dạy và người học (two way communication). Tôn sư trọng đạo không có nghĩa người dạy đứng trên người học, không có nghĩa người học chỉ thu nhận kiến thức từ người dạy. Đã đến lúc người học, dù người học đấy chỉ là một em bé tiểu học cũng phải được đối xử như một con người tự do theo đúng nghĩa của nó, nghĩa là, được tự do trong việc quyết định cái mình muốn tiếp nhận, nghĩa là được tự do phát biểu những suy nghĩ của mình. Có như thế, giáo dục mới có khả năng đánh thức trí thông minh vốn đang tiềm ẩn, làm thức dậy khả năng tự tri cần thiết nơi mỗi cá nhân. Nếu có thứ gì nhất thiết phải làm, phải nghĩ đến đầu tiên trong việc chấn hưng đất nước thì đấy chính là: chấn hưng nền giáo dục. Cần thiết phải làm một cuộc cách mạng trong suy nghĩ về triết lý giáo dục. Và cuộc cách mạng đó phải khởi đầu bằng việc: giáo dục lại những người làm công tác giáo dục.

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here