Hải quân Trung quốc tiếp tục gây căng thẳng ở biển Đông
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, sáng ngày 26/3 biên đội gồm 04 tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải đã đến bãi ngầm James (phía Trung Quốc gọi là Bãi ngầm Tăng Mẫu) và ngang nhiên cử hành lễ chào cờ tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc tại đây.
Bãi ngầm James là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan và Malaysia. Bãi ngầm James nằm trên thềm lục địa của đảo Borneo, cách Bintulu của Malaysia 80 km về phía Tây Bắc,và cách đất liền trung Quốc 1.800km về phía Nam.
Mặc dù đây là bãi ngầm hoàn toàn nằm trong vùng lãnh hải của Malaysia song Trung Quốc và Đài Loan luôn tuyên bố đây là điểm cực nam đường lưỡi bò, đồng thời còn ngấm ngầm thả bia “chủ quyền” trái phép tại đây.
Theo kế hoạch, sau khi kết thúc cái gọi là “đợt huấn luyện dài ngày trên biển”, lực lượng tàu chiến trên của Hải quân Trung Quốc sẽ di chuyển dọc theo đường lưỡi bò tiến ra Thái Bình Dương tiếp tục “hành trình huấn luyện dài ngày” về căn cứ.
Hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp nhưng không có việc
Sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm là tình trạng phổ biến tại việt nam hiện nay.
Một phúc trình của nhà cầm quyền tỉnh Đồng Tháp công bố hôm 26.3 cho biết, hiện có trên 2.000 sinh viên ngành sư phạm và tin học tốt nghiệp trường đại học tỉnh này chưa tìm được việc làm.
Giải thích về nguyên nhân đáng tiếc trên, ông Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp – Phan Văn Tiếu đổ trách nhiệm cho ngành giáo dục bậc đại học.
Theo ông, mặc dù đã tốt nghiệp trường đại học nhưng hàng ngàn sinh viên Đồng Tháp lại không đạt được trình độ theo yêu cầu. Nhận định của ông dựa vào kết quả từ đợt tuyển mộ một cán bộ cho ngành tin học tỉnh nhà hồi đầu năm nay.
Ông cũng cho rằng tỉnh Đồng Tháp đang đỏ mắt tìm người thạo việc thuộc các ngành y, dược, luật và quản trị kinh doanh, mặc dù tỉnh ông hiện có hơn 2,000 sinh viên tốt nghiệp đại học còn đang thất nghiệp.
Trước đây một tháng, tỉnh Thanh Hóa cũng công bố tin có 25.000 sinh viên Thanh Hóa tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm.
Thực tế nêu trên cho thấy ngành giáo dục Việt Nam ngày càng xa rời cuộc sống. Hàng vạn con người tốt nghiệp các trường đại học ở Việt Nam không đáp ứng được đòi hỏi của nhà tuyển dụng.
Trước đó, dư luận đã từng chỉ trích chủ trương “tiến sĩ hóa” của nhà cầm quyền Hà Nội khi đề ra chiến lược ấn định rằng bộ máy chính quyền thành phố này sẽ có 50% công chức có bằng tiến sĩ, rồi 8 năm sau tất cả công chức ở Hà Nội đều phải có bằng tiến sĩ.
Dư luận còn mỉa mai cho rằng gắn nhãn tiến sĩ trước những cái tên của ông này, bà nọ đang là „mốt“ tại VN hiện nay.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong 3 tháng đầu năm 2013
Theo sô liệu Tổng cục thống kê công bố hôm thứ Ba ,ngày 27/3, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam 3 tháng đầu năm nay chỉ tăng được 4,89%, so với 3 tháng cuối năm 2012, thì tỷ lệ tăng trưởng còn được 5,44%.
Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động khó khăn của các tập đoàn, lãi suất ngân hàng cao là những nguyên nhân góp phần làm suy yếu đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cơ quan này còn dự báo rất nhiều thử thách cho quý hai tới đây và cho cả năm 2013.
Cách đây hai ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo cắt giảm lãi suất lần thứ 7 trong hơn một năm, nhằm tìm cách thúc đẩy hoạt động các công ty.
Nợ xấu của các công ty và hàng tồn kho bị ứ đọng rất nhiều đã tác động đến nỗ lực phục hồi kinh tế Việt Nam. Các vấn đề này không thể được giải quyết trong một sớm một chiều.
Tăng trưởng kinh của Việt Nam trong năm 2012 đã bị sụt xuống mức 5,03%, một tỷ lệ thấp nhất từ 13 năm nay. Trong năm 2013, chỉ tiêu của giới chức cộng sản Việt Nam đưa ra là 5,5. Tuy nhiên họ đang phải đối phó với các mối lo ngại liên quan đến các khoản nợ ngân hàng, đến tình trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài bị suy giảm và một loạt các vụ bê bối tài chính trong các doanh nghiệp nhà nước như tập đoàn đóng tàu Vinashin.
Trong người dân đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất mãn về hiện trạng của nền kinh tế, ngày càng có nhiều tiếng nói phê phán trên mạng internet. Tháng Mười năm ngoái, đảng Cộng sản cũng như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải công khai thừa nhận những sai lầm trong quản lý kinh tế.