Nguyễn Khanh và Nam Phương xin kính chào quý thính giả của đài Chân Trời Mới, để mở đầu cho tiết mục Từ Á Sang Âu tuần này là đề tài nói đến nhóm chữ ‘’Phục hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa’’ mà ông Tập Cận Bình sử dụng chứa đựng cả một âm mưu xâm lược các nước trong vùng.
Ngay sau khi lên nhậm chức Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung quốc đã tuyên bố ngay rằng phải quyết tâm phục hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Mới đây khi được Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung quốc) bầu vào chức Chủ tịch nhà nước, ông Bình lại trịnh trọng nhắc lại câu này. Ngũ cường xâu xé Trung quốc trong cuộc chiến tranh nha phiến cách đây 170 năm có lẽ là một vết nhơ trong lịch sử của nước này mà thế hệ con cháu người Hoa khó mà quên được. Năm 1949, sau khi cướp được chính quyền, đảng Cộng sản Trung quốc tuyên bố rằng giấc mộng của đảng CS Trung quốc là phục hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Giấc mộng là như vậy nhưng đã không thực hiện được vì dưới sự cai trị bằng bạo lực, đảng cộng sản Trung quốc chỉ làm cho đất nước của họ nghèo nàn thêm. Phải đến năm 1979 khi ông Đặng Tiểu Bình đưa ra thuyết ‘’Mèo đen mèo trắng’’, mở cửa giao thương với các nước thì Trung quốc mới bắt đầu vươn lên để trở thành một quốc gia mạnh về kinh tế đứng hàng thứ nhì thế giới căn cứ theo chỉ số GDP.
Chính phủ có tiền, nhưng người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vẫn nghèo đói vì chính sách cai trị độc tài, chạy ăn từng bữa vã mồ hôi nói gì đến chuyện phục hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Chỉ một số người có quyền, có tiền mới nói đến giấc mộng này.
Nói đến sự vĩ đại của quốc gia, người Trung Hoa không liên tưởng đến những triều đại xa xưa mà nghĩ đến đời vua Kiền Long, đây là thời mà người Trung quốc cho là cực thịnh nhất vì lúc đó ba nước Mông Cổ, Tây Tạng và Ngô Duy Nhĩ (Uyghur) bị cưỡng chiếm nên lãnh thổ của Trung quốc có thể nói rộng gấp 3 lần so với đời nhà Thanh. Cái câu Phục hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa mà ông Tập Cận Bình nói ra đó không phải ám chỉ chuyện ngũ cường xâu xé Trung quốc mà mơ ước được mở rộng thêm bờ cõi bằng sức mạnh như thời vua Kiền Long đã làm, và cho đó là sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Việc Bắc Kinh xâm lược Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, muốn chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines, muốn khống chế biển Đông, biển Hoa Đông bằng cách muốn xâm lăng quần đảo Senkaku của Nhật mà lãnh đạo đảng CS Trung quốc đã làm, nay ông Tập Cận Bình muốn vinh danh sự xâm lược đó bằng câu nói trên.
Theo giáo sư Watanabe, Viện trưởng viện đại học Takushoku ở Tokyo, thì hiện nay Trung quốc đang phải đương đầu với nhiều vấn nạn như khoảng cách giàu nghèo quá lớn, nạn tham nhũng hối lộ, ô nhiễm môi trường, vấn đề dân tộc thiểu số….. Nếu giải quyết sai một trong những nan đề này là cũng đủ xảy ra bạo động rất nguy hiểm. Ngoài những vấn nạn đó ra, hiện nay nền kinh tế của Trung quốc đã có dấu hiệu khựng lại bởi việc xuất khẩu không còn nhiều như trước đây, thiếu nhiên liệu để sản xuất, thị trường bất động sản của họ đang nổ bóng…. Đây là những nan đề khó mà giải quyết được nên Bắc Kinh phải nghĩ đến chuyện xâm lược các nước láng giềng để dồn sức dân vào đó cho khỏi xảy ra sự chống đối. Ngày nay quan niệm sự vĩ đại của một quốc gia là những giá trị nhân bản, văn học mà nước đó có chứ không phải là sự xâm lược bằng bất cứ hình thức nào.
Theo các chuyên gia về Trung quốc thì tình hình ở Hoa lục đang như lò thuốc súng không biết nổ lúc nào. Lãnh đạo Bắc Kinh biết rất rõ về việc này nhưng phải lao đầu vào một cuộc chiến tranh xâm lược nên các nước nằm trong mục tiêu xâm lấn của Bắc Kinh không được mất cảnh giác, cương quyết không nghe những gì Bắc Kinh nói về chuyện đàm phán song phương, phải nỗ lực phòng thủ bằng nhiều cách từ quân sự cho đến ngoại giao và hiệp tác với nhau. Nhưng cách nào thì cách, phải lấy sức mạnh dân tộc làm cơ bản để chống xâm lược.
Một nước mà tình hình đang rối loạn bởi sự bất mãn cực độ của người dân mà tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược thì sớm muộn gì rồi cũng phải gánh lấy thảm bại. Mạnh như Đức, như Nhật và sự bất mãn của người dân hai nước này không như Trung quốc hiện nay thế mà cả Đức lẫn Nhật đều chuốt lấy thảm bại nặng nề bởi những cuộc chiến xâm lược mà họ gây ra và đã phải trả bằng với một cái giá tương xứng thế mà đến bây giờ vẫn còn mang tiếng. Nói điều này ra không phải chỉ dành cho người dân các nước đang bị Trung quốc xâm lược nghe mà còn nói cho cả người dân Trung quốc biết để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược phi lý mà Bắc Kinh đang tiến hành, chứ không thì trong một ngày không xa người dân Hoa lục phải trả một cái giá không chừng cao hơn cả Đức và Nhật.
Những điều trên đây chẳng phải là lãnh đạo đảng CSVN không biết, nhưng họ vẫn ngăn cấm người dân không được xuống đường biểu tình chống Trung quốc xâm lược, ngồi tọa kháng ở nhà với vài biểu ngữ như cô Phạm Thanh Nghiên cũng bị bắt. Hà Nội luôn nói sẽ giải quyết vấn đề bằng đàm phán song phương chứ không đặt nặng biện pháp phòng thủ. Phải chăng họ mất cảnh giác trước quân xâm lược. Xin thưa, không phải mất cảnh giác đâu mà đó là thái độ khấu đầu Bắc Kinh để mong nắm giữ quyền lực là được. Chuyện đất nước trường tồn vĩnh cửu là của dân tộc, chứ kẻ tham thì chỉ biết mình mà thôi vã lại họ nghĩ một đời người đâu có bao nhiêu năm hơi đâu mà giữ cho đời sau cho mệt.
Đại diện Đài Loan tại buổi lễ truy điệu nạn nhân động đất ở Nhật
Trung quốc cố chấp đến độ không cử Đại sứ của mình tại Tokyo đến tham dự buổi lễ tưởng niệm nạn nhân thiên tai động đất & sóng thần do chính phủ Nhật tổ chức vì biết Đại diện của Đài Loan được mời lên dâng hoa trong buổi lễ này.
Ngày 11 tháng 3 vừa qua là đúng hai năm xảy ra trận động đất & sóng thần ở vùng Đông Bắc Nhật Bản gây thiệt mạng cho khoảng 18.800 người. Trong ngày này chính phủ Nhật đã đứng ra tổ chức một buổi lễ truy điệu dưới sự chủ tọa của Thiên hoàng và Hoàng hậu Nhật. Cũng như năm ngoái, năm nay chính phủ Nhật cũng gởi thiệp đến tất cả Đại sứ quán các nước và Đại diện các cơ quan quốc tế tại Nhật để mời tham dự. Vì là buổi lễ chỉ thuần truy điệu cho các nạn nhân nên chẳng Đại sứ nào từ chối, nếu bận công vụ thì cử Đại diện đi thay, nhưng Đại sứ quán Trung quốc trả lời rằng không tham dự vì được biết trong buổi lễ có Đại diện của Đài Loan được xướng tên khi lên dâng hoa tưởng niệm. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung quốc còn chỉ trích Nhật về việc mời Đại diện của Đài Loan lên dâng hoa là một hành động trái với hiệp định mà hai nước đã ký là chỉ có một Trung quốc mà thôi.
Theo các bình luận gia thì Trung quốc quyết định không gởi Đại sứ đến tham dự buổi lễ truy điệu này cho thấy họ đặt nặng vấn đề chính trị lên trên chuyện tưởng niệm nhằm thương tiếc các nạn nhân thiên tai động đất & sóng thần. Trong khi Đài Loan là nước cứu trợ nhiều nhất (hơn 170 triệu mỹ kim) cho các nạn nhân thế mà vào năm ngoái chỉ được mời đến dự chứ không được lên dâng hoa như Đại sứ các nước khác nhưng họ chẳng có một lời trách móc vì theo văn phòng Đại diện của Đài Loan tại Tokyo đến là để tưởng niệm chứ không có một mục đích gì khác. Rõ ràng Đài Loan đã hành động khôn khéo, đã làm cho người dân Nhật cảm thấy chính phủ của họ đã có hành động thất lễ với người dân Đài Loan, ngoài ra còn được cả thế giới kính nể. Rõ ràng là Đài Loan rất khôn ngoan, trong khi Trung quốc lộ hẵn bộ mặt xấu xí, chỉ cần thỏa mãn chủ trương của mình là được chứ chuyện truy điệu, tưởng niệm chỉ là thứ yếu.
Tại sao năm ngoái không mời Đại diện Đài Loan lên dâng hoa mà năm nay lại mời, có phải tân Thủ tướng Abe là người muốn gây thêm căng thẳng với Trung quốc không?, câu trả lời chắc chắn là không. vì chẳng một ông Thủ tướng Nhật nào muốn như vậy. Phải mời Đại diện Đài Loan đến tham dự buổi lễ truy điệu và xướng tên khi lên dâng hoa tưởng niệm là vì đa số người dân Nhật muốn như vậy. Giữa hai việc phải chọn là Bắc Kinh sẽ phật lòng và ý muốn của người dân Nhật, Thủ tướng Abe đã không ngần ngừ đứng về phía dư luận Nhật, chứ chẳng như lãnh đạo đảng CSVN sợ Bắc Kinh phật lòng nên ngăn cấm không cho người dân phản đối Trung quốc xâm lược Việt Nam.
Đến đây đã chấm dứt tiết mục Từ Á Sang Âu, Nguyễn Khanh và Nam Phương xin kính chào tạm biệt và kính mời quý thính giả nhớ đón nghe chương trình này vào tuần sau cũng vào giờ này trên làn sóng trung bình 1503 kí lô chu kỳ của đài Chân Trời Mới.