Khai thác bauxite tại Việt Nam: Lỗ thấy rõ.
Theo tin của báo Người Lao Ðộng hôm Thứ Tư, “Cuối tháng 12, 2012, nhà máy Bauxite Tân Rai đã cho ra lò mẻ alumin đầu tiên và dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2013, nhà máy sẽ đi vào vận hành ổn định.”
Nguồn tin thuật lời ông Trần Văn Chiều, phó chủ tịch Tập Ðoàn Than Khoáng Sản Việt Nam (TKV hay Vinacomin) thì cả năm 2013, nhà máy Tân Rai sẽ sản xuất được khoảng 300.000 tấn alumin, “trong đó dành phần lớn để xuất khẩu và khách hàng chủ yếu là Trung Quốc, Malaysia.” Nhưng với cái giá đàm phán để bán là 340 USD/tấn thì “Vinacomin vẫn chưa có lãi.”
Trong khi đó ông Nguyễn Thành Sơn, giám đốc công ty năng lượng Sông Hồng (thuộc Vinacomin), chuyên gia kỳ cựu của Vinacomin, cho rằng, “với giá bán 340 USD/tấn alumin thì không đạt mục tiêu ban đầu đề ra và giá này thì Vinacomin nắm chắc lỗ lớn. Trung Quốc là khách hàng lớn mua alumin, còn Malaysia thì sức mua có hạn.”
Nếu giá bán 340 USD/tấn là ở cửa nhà máy thì còn lỗ ít nhưng nếu ở cảng thì lỗ rất nhiều vì chi phí vận chuyển quãng đường 260 km là không nhỏ, chưa kể nhà máy hoạt động dưới công suất 600.000/tấn năm thì thua lỗ là cái chắc. Nếu dành phần lớn để xuất khẩu trong năm nay mà tập đoàn tuyên bố cũng khó khả thi”. Đặc biệt, ở nhà máy Tân Rai, ông Nguyễn Thành Sơn nói, theo giá xuất hiện nay, mỗi tấn alumin lỗ trên dưới 40 USD.”
Tưởng cũng cần nhắc lại hai dự án khai thác bauxite tại Việt Nam tại Tân Rai (Lâm Ðồng) và Nhân Cơ (Ðắc Nông) đã bị giới chuyên viên tại Việt Nam khuyến cáo hủy bỏ vì vừa lỗ vốn vừa tàn hại môi trường ảnh hưởng đến mạng sống hàng triệu người không những gần khu vực khai thác, mà còn cả ở hạ du các con sông, cũng như hàng ngàn người ký kiến nghị kêu gọi chính phủ CSVN hủy bỏ dự án lợi bất cập hại này. Nhưng trong cuộc họp báo ngày 04.02.2009, ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cả quyết rằng: “khai thác bauxite là chủ trương lớn của đảng và nhà nước” CSVN.
Philippines tiếp tục theo đuổi vụ kiện tranh chấp Biển Đông bất kể thái độ của Trung Quốc
Ngày 20/2, Chính phủ Philippines tuyên bố quyết định của Trung Quốc từ chối tham gia vụ Manila khởi kiện tranh chấp Biển Đông ra tòa án trọng tài quốc tế là cơ hội có thể mang lại một phán quyết có lợi cho Philippines từ tòa án Liên hiệp quốc.
Phụ tá của Tổng thống Philippines, ông Rene Almendras, cho biết Philippines dứt khoát theo đuổi vụ kiện bất kể thái độ của Trung Quốc như thế nào đi chăng nữa. Ông cũng đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng tòa án quốc tế sẽ có quyết định và hành động ủng hộ Manila.
Ông Almendras nhấn mạnh đưa vụ kiện ra tòa quốc tế là biện pháp ôn hòa nhất, chứ không phải là một hành động thách thức Bắc Kinh.
Hành động pháp lý của Philippines được tiến hành giữa lúc Manila cho biết không còn giải pháp ngoại giao và chính trị nào khác để giải quyết tranh chấp Biển Đông trước sự lấn lướt dồn dập của Trung Quốc.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Philippines, Raul Hernandez, cho biết trong suốt 18 năm qua, nước ông đã giao tiếp với Trung Quốc trong rất nhiều cuộc đối thoại chính trị và ngoại giao, nhưng vẫn không thuyết phục được Bắc Kinh giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa vì Bắc Kinh khăng khăng đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông.
Theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển mà Trung Quốc, Philippines, và Việt Nam có ký kết, Manila giờ đây có 2 tuần để yêu cầu tòa quốc tế về Luật biển chỉ định một người đại diện cho Trung Quốc trong hội đồng phân xử.
Một khi hội đồng triệu tập, phán quyết đầu tiên của họ sẽ là ra quyết định xem có thụ lý vụ kiện hay không.
Kinh tế VN đang tăng trưởng âm.
Nền kinh tế quốc doanh CSVN ngập nợ vì cán bộ phần thì rủ nhau rút ruột để rồi báo cáo thua lỗ, và phần thì quản trị quá dở.
Bản tin BBC ghi lời tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết kinh tế VN ngập nợ tệ hại thêm, và kinh tế VN đang tăng trưởng âm.
Theo số liệu từ chính phủ Việt Nam, hiện nợ của khối doanh nghiệp Nhà nước đã lên đến hơn 60 tỷ đôla, bằng một nửa Tổng sản phẩm quốc nội năm 2012.
Điều nguy hiểm hơn ở đây, đó là nhiều công ty có nợ cao gấp nhiều lần vốn sở hữu, khiến nguy cơ nợ xấu tiềm tàng ở khu vực quốc doanh vẫn rất cao.
Báo cáo của Bộ Tài chính năm 2011 cho thấy có tới 30 doanh nghiệp Nhà nước có tỷ lệ nợ gấp ba lần vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, có ít nhất tám tập đoàn kinh tế tổng công ty nhà nước tỷ lệ nợ phải trả/vốn sở hữu gấp 10 lần, 10 doanh nghiệp gấp 5-10 lần và 12 doanh nghiệp gấp 3-5 lần.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Một với BBC, tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh từ Hà Nội nói: “Rõ ràng là tình hình tài chính của các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục xấu đi chứ không được cải thiện”.
Ngày 20/2 trong bài báo trên tờ The National với nhan đề “Tham nhũng làm ô danh môi trường đầu tư Việt Nam”, tác giả bài báo viết cách đây 5 năm, Việt Nam là đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc, thu hút giới đầu tư nước ngoài như một trung tâm sản xuất giá rẻ trong khu vực. Nhưng giờ đây, Việt Nam đang dần thua các nước như Indonesia về mặt hiệu quả đầu tư và giá trị tiền tệ…
Bài viết trích dẫn một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam cho thấy phân nửa các doanh nghiệp thừa nhận có hối lộ cho quan chức nhà nước để giành được các hợp đồng kinh doanh. Điều này khiến cho Việt Nam đang bị hoen ố vì các vụ tham nhũng cấp cao, các công ty nhà nước làm ăn không hiệu quả, và sự liên hệ mật thiết giữa các ngân hàng với nhà nước.