Nỗi buồn của ông Hữu Thọ (phần 2)

- Quảng Cáo -

Nhưng phải cảm ơn ông Hữu Thọ đã nhắc đến hiện tượng 20 triệu đảng viên cộng sản Liên Xô hoàn toàn thờ ơ khi chế độ Xô Viết tan rã. Ðó là một sự kiện lịch sử không thể nào nhắm mắt, bịt tai không biết tới được. Và những người biết cái đầu cũng không thể nào làm ngơ không suy nghĩ nguyên nhân vì sao có hiện tượng đó. Nhờ ông, các đảng viên cộng sản Việt Nam sẽ suy nghĩ và phải thấy đảng của họ không thể nào sống mãi được.

Vì chúng ta không thể giả thiết là 20 triệu đảng viên cộng sản Liên Xô đều là những người kém thông minh. Cũng không thể giả thiết là họ đều hèn nhát, ích kỷ. Ít nhất, phải coi họ là những người bình thường, như chúng ta. Họ lãnh đạm, bỏ rơi đảng cộng sản bởi vì trong lòng họ đã sẵn sàng từ mấy chục năm rồi. Chỉ cần dùng lương tri bình thường, họ cũng biết đảng Cộng sản phải tan rã. Họ còn lo là chế độ mà kéo dài thì đời con, đời cháu họ sẽ phải tiếp tục sống trong dối trá và chịu cảnh thiếu thốn như chính họ.

Nhưng vấn đề chính không phải là con người các đảng viên cộng sản đã thay đổi, không còn tin tưởng vào đảng của họ nữa. Họ không thể giữ được niềm tin sau khi đã thể nghiệm ngay trong cuộc sống của họ để thấy tất cả chủ nghĩa, chế độ chỉ là một tấn tuồng dối trá. Người có lương tâm không thể sống trong dối trá suốt đời mà không tự cảm thấy hổ thẹn. Chính cơ cấu tổ chức xã hội của đảng cộng sản gây ra tình trạng niềm tin tan rã.

Như chính ông Hữu Thọ cũng nhận ra; vấn đề chính là cơ cấu: “Chúng ta là đảng viên,… có khi là đại biểu dự mấy kỳ đại hội Ðảng,… nhưng sau đó không còn có cơ chế thực tế có hiệu lực nào để tiếp tục đóng góp, kiểm tra ngay cơ quan lãnh đạo do mình bầu ra.”

- Quảng Cáo -

Ðảng Cộng sản ở Liên Xô, Trung Quốc hay Việt Nam đều được tổ chức theo lối đó. Trong cơ cấu đảng, và trong cơ cấu xã hội, không có một “cơ chế thực tế có hiệu lực” nào để những người bên dưới có khả năng kiểm soát những người nắm quyền. Ðiều này đã được Robert Michels, một nhà xã hội học Ðức, nhận thấy từ năm 1911. Ông nhận thấy những đảng chính trị tập trung quyền vào trong tay một nhóm “quả đầu” thì không thể nào sống theo các quy tắc dân chủ được. Vì những người ngồi trên cùng kiểm soát tất cả nhân lực và tài nguyên của đảng, tự nhiên họ muốn bảo vệ quyền lợi đó tới cùng. Phân tích một cách khách quan ai cũng phải công nhận điều đó là sự thật. Tình trạng đó khiến các đảng Cộng sản không thể nào tự thay đổi từ bên trong được.

Người phỏng vấn ông Hữu Thọ nhận xét: “thực ra nguy cơ suy thoái đạo đức, nguy cơ đánh mất dần phẩm chất cách mạng… không phải tới bây giờ mới xuất hiện mà đã ‘song hành’ cùng với sự phát triển của chúng ta từ lâu lắm rồi…” Ðiều này đã diễn ra trong đảng Cộng sản Liên Xô, còn đang diễn ra ở Trung Quốc, Bắc Hàn, cũng như Việt Nam. Tất cả chỉ vì cơ cấu tổ chức của đảng, và các đảng tổ chức xã hội, ngay từ đầu đã giết chết khả năng tự cải thiện.

Các xã hội tự do dân chủ có khả năng tự cải thiện vì áp dụng quy tắc tạo thế cân bằng trong cơ cấu quyền lực để những cơ quan nắm quyền tự động kiểm soát lẫn nhau. Ðảng Cộng sản không tổ chức theo lối đó. Ông Hữu Thọ mơ ước đảng ông sẽ có cơ chế khác, “để mỗi đảng viên trở thành thành viên tích cực, chủ động chứ không thụ động khoanh tay nhìn mất Ðảng” như ở Liên Xô. Nhưng chính ông cũng không biết cái cơ chế đó như thế nào? Liệu có thực hiện được không? Một đảng chủ trương chuyên chế độc tài thì chính nó không thể nào sống theo lối dân chủ tự do được; đó là một sự thật. Chỉ những đảng bằng lòng cai trị dân theo lối dân chủ mới có thể tự dân chủ hóa được mà thôi.

Chúng tôi cũng nghĩ như ông Hữu Thọ, là các đảng viên cộng sản Việt Nam cần “chủ động chứ không thụ động khoanh tay nhìn mất Ðảng.” Họ nên đóng vai “chủ động” giúp cho đảng của họ rút lui một cách hòa bình. Thế giới luôn luôn thay đổi. Diễn biến hòa bình chắc chắn tốt hơn là diễn biến không hòa bình! Nếu được như vậy thì chắc ông Hữu Thọ sẽ hết buồn. Bởi vì chắc ông cũng thấy cứ tham lam nắm lấy quyền lực để làm gì khi không ai còn hãnh diện về chính đảng mình nữa? Khi nhìn lại ai cũng thấy “nguy cơ suy thoái đạo đức, đã ‘song hành’ cùng với sự phát triển của chúng ta từ lâu lắm rồi.” Có thể nói, trong suốt lịch sử đảng! Càng phát triển, càng nắm quyền lâu ngày, thì lại càng suy đồi! Một cái đảng như vậy thì tiếc làm gì nữa? Cho nên các đảng viên cộng sản giờ phải lo giúp đảng giải thể một cách nhẹ nhàng, êm đẹp; hơn là “thụ động khoanh tay” nhìn nó chết bất đắc kỳ tử như ở Liên Xô. Ðược như vậy thì may mắn cho chính họ, cũng như cho người dân Việt Nam.

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absoluten…

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here