Tham nhũng làm hại môi trường đầu tư Việt Nam
“Tham nhũng làm ô danh môi trường đầu tư Việt Nam” là tựa đề một bài viết của tác giả Clifford Coonan trên trang web của báo The National, ra ngày 20/02 tại United Arab Emirates, một trong những quốc gia giàu có về dầu hỏa tại Vùng Vịnh và có đầu tư rất nhiều vào Việt Nam.
Tác giả bài viết nói cách đây 5 năm, Việt Nam là đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc, thu hút giới đầu tư nước ngoài như một trung tâm sản xuất giá rẻ trong khu vực. Nhưng giờ đây, Việt Nam đang dần thua các nước như Indonesia về mặt hiệu quả đầu tư và giá trị tiền tệ. Kinh tế Việt Nam trong năm rồi chỉ tăng trưởng hơn 5%, tức mức thấp nhất kể từ năm 1999 tới nay.
Bài viết trích dẫn một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam cho thấy phân nửa các doanh nghiệp thừa nhận có hối lộ cho quan chức nhà nước để giành được các hợp đồng kinh doanh. Trong thời gian qua, ai cũng thấy những vụ tham nhũng, quản trị kém, lừa đảo, thông đồng để thu lợi cho phe nhóm, mà trong nước thường gọi là “nhóm lợi ích,” đã làm giảm uy tín của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới và làm nhiều người dân trong nước phẫn nộ.
Phúc trình của Ngân hàng Thế giới về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam công bố hồi cuối năm ngoái nói rằng đã tới lúc Việt Nam cần xét lại bản chất và nguyên nhân của tham nhũng, đưa ra thống kê cập nhật về tình trạng này, và quyết liệt chống tham nhũng. Báo cáo của WB nói ít nhất 1/3 dân số Việt Nam xác định tham nhũng là một trong những vấn nạn nhức nhối của Việt Nam.
Ngoài tình trạng tham nhũng tràn lan, lạm phát tăng cao, giá trị tiền tệ giảm, và nợ xấu của các công ty nhà nước làm ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng là những yếu tố gây quan ngại cho giới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đồng Bằng sông Cửu Long : lúa chất đống, giá bán thấp
Tại tỉnh Sóc Trăng, những ngày sau Tết Quý Tỵ, nông dân ở các xã Thạnh Thới Thuận, Viên An, Viên Bình, Tài Văn đã thu hoạch xong lúa đông xuân, nhưng phải đành chất đống nằm chờ. Riêng Hiệp hội Lương thực Việt Nam thì đến ngày 20/02 mới bắt đầu mua tạm trữ khoảng 2 triệu tấn lúa theo quyết định của nhà nước.
Một nông dân ở xã Viên An cho biết năm nay nông dân ở địa phương chủ yếu xuống giống lúa thơm ST5 vì vụ trước, giống lúa này cho năng suất cao và bán được giá.
Thế nhưng vụ này năng suất thấp, giá bán cũng thấp nên nhà nông trong tâm trạng ăn Tết rất buồn. Giá bán lúa ST5 hiện tại chỉ được 5550 đồng mỗi ký, thấp hơn rất nhiều so với vụ đông xuân năm trước là thấp nhất cũng 6300 đồng mỗi ký và có lúc lên đến 7200 đồng. Với mức giá hiện nay, những nông dân có vốn và tự sản xuất còn có thể lời đôi chút, còn nông dân không có vốn phải vay mượn và thuê người làm thì lỗ thê thảm. Giá lúa đã thấp nhưng không dễ bán nên thu hoạch xong, nhiều nhà nông đang phải chất đống lúa bên đường hoặc ở nhà để chờ người mua. Tại Cần Thơ, giá lúa nông dân cắt tay, phơi một nắng rồi mới suốt, thương lái mua tại ruộng 4,000 đồng mỗi ký, phơi hai nắng ngoài ruộng mua giá 4200 đồng mỗi ký.
Còn lúa tươi bán tại ruộng giá 4100 đồng mỗi ký. Một nông dân cho biết giá lúa thấp trong khi chi phí thuê nhân công, vật tư quá cao nên không có lời. Gia đình gặt xong đang phơi khô tạm trữ để chờ giá. Ở tỉnh Vĩnh Long, thương lái tại huyện Tam Bình cho biết giá lúa tươi loại hạt dài 5,000 đồng mỗi ký, hạt tròn 4500 đồng mỗi ký, giảm 400 đến 500 đồng so với trước Tết.
Người dân ở miền đồng bằng sông Cửu Long đang méo mặt vì giá lúa quá thấp báo hiệu một năm kinh tế còn thê thảm hơn.
Học phí, lệ phí thi sẽ tăng trong năm 2013
Tin từ báo chí trong nước thì giáo dục Việt Nam qua năm 2013 sẽ có nhiều thay đổi. Theo lời ông Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì vào mùa thi năm 2013 dự kiến có một số thay đổi về lệ phí, học phí. Những điểm mới này đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính hoàn tất về mặt văn bản và thủ tục. Nếu được thông qua thì mức lệ phí trên mỗi bộ hồ sơ sẽ là 100,000 thay vì mức 80,000 đồng như hiện nay.
Trước đó, các trường đại học, cao đẳng đã đồng loạt đề nghị Bộ cho tăng mức lệ phí dự thi vì với mức lệ phí hiện tại các trường phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng sau mỗi kỳ thi, như vậy có chiều hướng là học phí cũng sẽ tăng.
Thứ Trưởng Giáo Dục Cộng sản Việt Nam tiết lộ Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính sớm tiến hành xây dựng đề án thí điểm tự chủ học phí. Theo đó học phí sẽ được tính toán lại trên cơ sở chi phí đào tạo và nhu cầu xã hội và sẽ phân thành ba nhóm ngành: nhóm được Nhà nước hỗ trợ học phí hoàn toàn, nhóm được hỗ trợ một phần và nhóm ngành tính đủ học phí cho người học.
Xã hội rõ ràng ưu đãi giai cấp nhà giàu kể cả học phí, một rào cản chắc chắn sẽ làm ngăn cản nhiều tài năng trẻ.