Việt Nam không có tự do về quyền chính trị, dân sự
Theo phúc trình “Tự do Thế giới 2013” của tổ chức Freedom House vừa công bố, Việt Nam tiếp tục bị đánh giá là quốc gia không có tự do trong lĩnh vực quyền tự do chính trị và các quyền tự do dân sự của công dân. Báo cáo thường niên của tổ chức bảo vệ nhân quyền có trụ sở tại Mỹ cho thấy Việt Nam bị liệt kê trong số 47 nước không có tự do dù nằm ngoài danh sách 9 nước bị xem là thiếu tự do tệ hại nhất trên thế giới trong đó có Bắc Triều Tiên và Syria.
Về lĩnh vực quyền tự do chính trị, Việt Nam bị đánh giá mức điểm thấp nhất trong thang từ 1 tới 7. Về các quyền tự do dân sự, số điểm của Việt Nam là 5/7.
Bà Sarah Cook, chuyên gia phân tích cao cấp về lĩnh vực tự do internet và Đông Á trong tổ chức Freedom House, nhận định :
“Điểm số của Việt Nam nhìn chung vẫn y như nhiều năm trước đây, và chúng tôi cảm nhận Việt Nam đang gia tăng xu hướng đàn áp các quyền căn bản của công dân, với nghị định tăng cường quản lý internet của chính quyền, với các blogger bị bắt và bị tuyên án nặng nề chỉ trích nhà nước hay phản ánh tình trạng tham nhũng. Quyền tự do tôn giáo của người dân cũng tiếp tục bị hạn chế với nghị định 92 quy định chi tiết về tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ đầu năm nay. Phúc trình của Freedom House quan trọng vì nó hằng năm đánh giá rõ ràng, khách quan mức tự do về quyền chính trị và dân sự của công dân tại tất cả các nước trên thế giới và điểm số xếp hạng có thể giúp người ta so sánh tình hình giữa các nước. Chúng tôi hy vọng bản báo cáo thường niên này đề ra áp lực cho các chính phủ phải thay đổi để tiến bộ khi nhìn vào điểm số của mình so với các nước khác.”
Việt Nam bị xem là nước không có tự do trong tất cả các bảng xếp hạng 2012 của tổ chức này bao gồm “Tự do Trên thế giới”, “Tự do Báo chí ”, và “Tự do trên mạng Internet ”.
Freedom House nói chiến dịch đàn áp các nhà hoạt động trên mạng, những tiếng nói chỉ trích nhà nước, các blogger, và các trang mạng xã hội tại Việt Nam đặc biệt gia tăng kể từ năm 2008 tới nay.
Phúc trình Tự do thế giới của Freedom House công bố thường niên kể từ năm 1972 khảo sát và xếp hạng 195 quốc gia và 14 lãnh thổ trên thế giới. Báo cáo này thường được các nhà làm chính sách, giới truyền thông, các tập đoàn quốc tế, các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền tham khảo để theo dõi xu hướng dân chủ, ghi nhận những tiến bộ hay thụt lùi của các nước về quyền tự do chính trị và dân sự của công dân.
Công an Hà Nội vi phạm pháp luật : Ghép tội trốn thuế, bắt giam thai phụ
Tin từ Dòng Chúa Cứu Thế, hôm 16/01, ông Trần Đình Huy đã gởi một lời Kêu cứu khẩn cấp đến các tổ chức Uỷ ban bảo vệ bà mẹ trẻ em Trung Ương, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Các tổ chức bảo vệ bà mẹ, trẻ em Việt Nam và Quốc Tế, Các bà mẹ đang mang thai trên toàn thế giới, Các cơ quan truyền thông Việt Nam và Quốc Tế, để xin mọi người lên tiếng cứu vợ ông là bà Nguyễn Thị Oanh đã bị bắt và tạm giam một tháng qua, vì là trợ lý cho một giám đốc bị gán ghép cho tội trốn thuế.
Trong thư, ông Huy viết: “Theo điều 2 khoản 8 Bộ luật tố tụng hình sự ban hành năm 2003 có quy định như sau “Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, bệnh nặng mà có nơi cư trú rõ ràng thì không được tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác”.
Ông Huy cho biết xưa nay chưa ai bị bắt khẩn cấp vị tội trốn thuế, trong khi vợ ông là một công dân tốt, chưa có tiền án tiền sự, đang mang bầu bước sang tháng thứ 3 mà lại bị bắt khẩn cấp trong đêm với tội danh tòng phạm trốn thuế. Cùng với những hành vi giam giữ hà khắc đối với vợ ông hiện nay là điều hết sức vô nhân đạo đối với một phụ nữ mang thai”.
Một lần nữa công an Hà Nội đã vi phạm pháp luật về tố tụng. Tình trạng vi phạm pháp luật của ngành công an càng ngày càng nhiều và càng công khai, kể từ năm 2008 đến nay. Liệu đất nước này đang được điều hành bằng pháp luật hay chỉ đơn giản là hành động tùy tiện của công an?
Blogger Điếu Cày bị cấm thăm nuôi trong dịp Tết
Gia đình blogger Blogger Điếu Cày vừa cho biết là ông bị cấm thăm nuôi cho đến sau Tết Nguyên Đán.
Theo quy định, người thân được phép thăm gặp Điếu Cày vào mỗi thứ tư đầu tiên trong tháng, nhưng chính quyền đã gửi thông báo chính thức cho con trai anh, cấm thăm gặp Điếu Cày trong hai kỳ kể từ ngày 7/1 đến 6/2, viện dẫn lý do ‘không tuân thủ mệnh lệnh của cán bộ tổ chức thăm gặp’.
Còn theo anh Nguyễn Trí Dũng, con trai của blogger Điếu Cày, thì nhà cầm quyền VN lập ra sẵn một kế hoạch để ngăn chặn anh Dũng thăm gặp bố trong dịp Tết này vì mỗi lần thăm gặp dịp Tết, blogger Điếu Cày đều có một bài viết, gửi lời chúc Tết cho bạn bè và sẽ được đăng tải lên mạng, cho nên họ lần này họ quyết tâm ngăn chặn.”
Anh Dũng còn cho biết trong lần thăm gặp Điếu Cày gần đây nhất sau phiên phúc thẩm vào ngày 2/1/2013, cuộc trò chuyện của hai cha con đã bị cản trở rất nhiều và cán bộ trại giam đã dùng bạo lực khi nội dung thăm hỏi có liên quan đến phiên xử và vụ án. Người nhà Điếu Cày cho biết sẽ có đơn khiếu nại về việc này.
Xin nhắc lại, Điếu Cày và Tạ Phong Tần bị giữ y án lần lượt là 12 và 10 năm tù trong phiên phúc thẩm hôm 28/12 về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ vì các bài viết thể hiện quan điểm cá nhân kêu gọi dân chủ, chỉ trích các chính sách của nhà nước, phản ánh bất công xã hội, và chống Trung Quốc xâm lấn Biển Đông.
Kết quả phiên xử ba blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG đã gây bất bình và thất vọng cho công luận quan tâm, với những lời lên án mạnh mẽ từ giới bảo vệ nhân quyền trên thế giới và cộng đồng quốc tế trong đó có Hoa Kỳ, Châu Âu, và cả Liên hiệp quốc về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
LHQ đòi điều tra quá trình nhân quyền của Bắc Triều Tiên
Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đòi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về thành tích nhân quyền của Bắc Triều Tiên. Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Navi Pillay đã ra một thông cáo hôm 17/01, miêu tả tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên là “không thể chấp nhận được”, và nói rằng một năm sau khi ông Kim Jong Un trở thành lãnh tụ tối cao của Bắc Triều Tiên, không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình nhân quyền đã được cải thiện.
Bà Pillay nói không nên để việc thế giới tập trung vào chương trình hạt nhân và các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên khỏa lấp tình hình nhân quyền tại nước này, mà bằng cách này hay cách khác có ảnh hưởng tới toàn thể dân chúng của đất nước bị cô lập này, một tình hình nhân quyền mà theo Cao Ủy nhân quyền Pillay, “tệ hại có một không hai trên thế giới.”
Bắc Triều Tiên vẫn duy trì một hệ thống nhà tù dành cho tù chính trị, được cho là nhốt hơn 200,000 tù nhân.
Những người đào tỵ nói các trại tù này đầy dẫy những vụ vi phạm nhân quyền, kể cả các vụ hãm hiếp, tra tấn, hành quyết và buộc tù nhân lao động như những kẻ nô lệ.