Nếu tôi được quyền phỏng vấn ngài tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng…

- Quảng Cáo -

Lynn Huỳnh – (VNTB) – Nếu được quyền phỏng vấn, tôi sẽ hỏi:  “Ngài nhận xét ra sao về cử tri của nước Mỹ?”

Trong không khí sôi động và cực kỳ dễ bị đau tim trong cuộc bầu cử ai sẽ đăng quang làm Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, một ký giả ngoại quốc chuyên trách về Việt Nam đã tâm sự với trang Việt Nam Thời Báo, rằng ông rất muốn được gặp gỡ để phỏng vấn ngài Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam.

Dưới đây là bộ câu hỏi mà ông dự tính sẽ đặt ra với ngài Nguyễn Phú Trọng:

Một,

- Quảng Cáo -

Bầu cử Mỹ là chỉ dấu cho cạnh tranh về quản trị quốc gia. Trên cương vị là người đứng đầu đảng chính trị, nếu được trọn quyền trong vị trí kiến trúc sư trưởng thiết kế nền quản trị chung của đất nước, ngài sẽ đưa ra những quyết sách nào cho đảng cộng sản ở nhiệm kỳ thứ 13?

Hai,

Ở Mỹ có hai đảng chính trị lớn là cộng hòa và dân chủ. Với người Mỹ thì đảng cộng sản vẫn có, và được một số ít người yêu thích.

Là một người đeo đuổi trung thành thế chế chính trị cộng sản, giả dụ như ngài được đảng cộng sản Mỹ tín nhiệm và đề cử ra ứng tuyển Tổng thống Hoa Kỳ, và trường hợp đặc biệt này được một tu chính luật nào đó đặc cách, thì ngài Nguyễn Phú Trọng có chấp nhận làm đại diện của đảng cộng sản Hoa Kỳ?

Ba,

Rõ ràng trong việc mà ở Việt Nam gọi là ‘làm nhân sự’, với người Mỹ, mọi chuyện đơn giản hơn nhiều, hễ ai có tài, muốn tham gia vào chính trường thì cứ việc dự tranh.

Việt Nam hoàn toàn không như vậy, mặc dù Điều 28.1 của Hiến pháp 2013, ghi rằng, “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội”.

Liệu ngài có đề xuất từ nhiệm kỳ thứ 13 của đảng cộng sản Việt Nam, là học tập chủ tịch Hồ Chí Minh, cần ‘trải lòng’ để mở rộng cửa Quốc hội cho mọi thành phần, miễn đáp ứng được các quy định của luật pháp – tôi xin nhấn mạnh, là của luật pháp trong hệ thống quy phạm pháp luật nhà nước, chứ không phải từ các quyết định đơn lẻ của tổ chức đảng.

Nếu tôi nhớ không lầm, trong nội các của chính phủ Hồ Chí Minh lúc mới thành lập, từng chấp nhận nhiều chính khách khác đảng phái.

Nếu là học trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh, liệu ngài sẽ có được sự dũng cảm trong chọn lựa nội các như chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời?

Bốn,

Người Mỹ dù đang ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, họ đều có quyền bỏ lá phiếu dân chủ để bầu chọn vị Tổng thống Hoa Kỳ mà họ đặt niềm tin.

Việt Nam sau đại hội đảng lần thứ 13 sẽ tiến hành các cuộc bầu cử cho nhiệm kỳ mới của Quốc hội. Hiến pháp 2013, ở Điều 17 và Điều 18 đều đưa ra quyền hiến định, “Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ” – “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” – “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.

Như vậy liệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, họ có được quyền bỏ lá phiếu để bầu chọn những ai sẽ là chính khách đủ tài năng, bản lĩnh trong quản trị nơi quê nhà ‘chôn nhau – cắt rốn’ của họ?

Năm,

Người Việt có câu xấu che – tốt khoe.

Thưa ngài, vì sao các ứng viên cho đại hội đảng lần thứ 13 của đảng cộng sản Việt Nam, lại không có những phiên giải trình trước quốc dân về các quyết sách mà họ sẽ thực hiện lúc đắc cử vào vị trí tương ứng nào đó trong đảng chính trị?

Tôi nghĩ rằng người dân đã đóng thuế tử tế, họ phải được quyền biết những người sẽ xài tiền thuế của họ có các ẩn giấu dã tâm gì hay không?

Hơn nữa, nói như lời huấn thị của chủ tịch Hồ Chí Minh, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Sáu,

Một câu hỏi rất riêng tư, tôi được biết ở Việt Nam, ngài tổng bí thư được gắn thêm đàng sau tên gọi danh từ ‘confusion’ theo nghĩa ‘duds – failure’.

Ngài có suy nghĩ gì về ‘hỗn danh’ ít nhiều ‘trịch thượng’ ấy?

Bảy,

Vẫn là câu hỏi riêng tư. Tôi đã có dịp đến thắp nhang tưởng nhớ công đức tiền nhân ở lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt ở gần chợ Bà Chiểu, Sài Gòn. Tại đây, tôi được biết con người ấy là một vị anh hùng trong lòng dân.

Cứ đi khắp miền Nam mà xem, đâu đâu cũng thấy nghi ngút miếu thờ ngài Đức Thượng Công. Mà một khi dân đã thờ, đã tôn như thánh suốt bao nhiêu năm, thì con người ấy nhất quyết không thể là người sai trái!

Xin được hỏi ngài tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, liệu người dân Việt Nam có lòng tin hết mực vào đảng của ông, giống như niềm tin mà họ đã dành trọn vẹn cho Đức Tả quân Lê Văn Duyệt?

Tám,

Ngài có nhận xét gì về cử tri Mỹ?

Cảm ơn ngài tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, và mong được sự đồng ý về một cuộc tiếp nhận phỏng vấn với các vấn đề nêu trên.

#nguyenphutrong

- Quảng Cáo -