J.B Nguyễn Hữu Vinh – rfavietnam
Nước Mỹ đang vào giai đoạn cao trào vận động cho cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 3/11 năm nay.
Phía Đảng Dân Chủ, sau khi tiến hành đại hội đảng, đã cử ông Joe Biden, 78 tuổi, từng là Phó Tổng thống Hoa Kỳ trước đây làm ứng cử viên. Phía Đảng Cộng Hòa, cũng đã đề cử ông Donlad Trump, 74 tuổi, đương kim Tổng thống Hoa Kỳ, làm ứng cử viên của đảng này trong cuộc bầu cử sắp tới.
Hoa Kỳ với những cuộc vận động bầu cử
Người ta thấy, những cuộc vận động công khai của mỗi đảng, mỗi ứng cử viên chức vụ Tổng thống diễn ra hàng mấy tháng trời trước khi cuộc bầu cử được tiến hành.
Để có những cuộc vận động đó, người ta hô hào, gây quỹ ủng hộ ứng cử viên với số tiền cả trăm triệu đola.
Những cuộc đại hội đảng của đảng Dân Chủ hoặc Cộng Hòa, chỉ là những cuộc họp hành riêng tư của đảng, nhưng được công chiếu rộng rãi cho mọi người dân có thể theo dõi. Kể cả những chuyện riêng của đảng này về đề cử, ứng cử và mọi chương trình, những lời phát biểu của từng cá nhân đảng viên trong đảng.
Điều đặc biệt, là những cuộc đại hội này, không phải muốn tiến hành ở đâu thì được ở đó, mà thậm chí còn không thể tiến hành khi ông thống đốc chỉ một bang của nước Mỹ không đồng ý cho mượn chỗ. Dù đó là đảng của đương kim Tổng thống cầm quyền đi nữa cũng phải đi mà mượn chỗ khác. Và hẳn nhiên, đảng nào đại hội hay họp hành, thì cứ kiếm tiền mà chi dùng cho đảng đó chứ không được lấy tiền dân.
Đến mức, ngay cả Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Mike Pompeo, dù là đảng viên đảng Cộng Hòa, nhưng khi tham gia họp đại hội đảng online, vẫn bị Bộ Ngoại giao khẳng định là không chi cho ông ta dù một xu để tham gia cái Đại hội đảng Cộng hòa của ông.
Theo dõi những cuộc tập trung dân chúng, những lời phát biểu trong các đại hội đảng, những hãng thông tấn, báo chí bên ngoài có thể dùng đủ mọi cách để ủng hộ hoặc bày tỏ sự phản đối những kế hoạch, những văn bản, những bài phát biểu cũng như những điều mà đảng đó đã hoặc đang hay sẽ làm.
Người ta thấy có những cuộc tập trung cả ngàn người, với những bài diễn văn của ứng cử viên. Trong các bài diễn văn, các cuộc gặp gỡ người dân Hoa Kỳ, các ứng cử viên thi nhau thuyết phục người dân đi bầu cử, và bầu cử cho mình. Họ báo cáo, phân tích, đánh giá những việc mình đã làm được, khả năng của mình đến đâu và đưa ra những kế hoạch họ sẽ làm cho nước Mỹ, nếu họ trúng cử chức vụ Tổng Thống.
Hẳn nhiên trong những cuộc đó, không thiếu những lời lẽ khích bác, “dìm hàng” đối thủ của mình. Và những yếu kém, những khuyết điểm, những điểm yếu của đối thủ ứng cử được các bên khai thác nhiệt tình bày ra trước mắt dân chúng cho họ đánh giá và lựa chọn.
Thậm chí, các ứng cử viên còn có những màn đối chất trước các hãng truyền thông truyền hình, cho người dân cả nước hiểu rõ về thái độ, quan điểm và cách của mỗi ứng cử viên trước những câu hỏi, những tình huống mà phía đối thủ đặt ra.
Nhưng điều lạ nhất trong các cuộc tập trung vận động bầu cử Tổng thống, có lẽ là việc các ứng cử viên thể hiện và trình bày những khả năng của mình để người dân tin rằng họ có đủ khả năng, tài trí, sức khỏe và đảm bảo đầ đủ những điều cần thiết cho chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ cả về nội dung lẫn hình thức.
Tại một cuộc gặp gỡ những cử tri của mình mới đây, Tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ Donald Trump đã phát biểu với nội dung tự giới thiệu về mình rằng: Tôi có nhiều tài sản, tôi là người mạnh mẽ, đẹp trai, khỏe mạnh và tôi sẽ làm những điều này, những điều kia… để bảo đảm cho nước Mỹ tiếp tục hùng mạnh nhất thế giới, đời sống người dân Mỹ được ổn định và sung túc hơn, sẽ có nhiều việc làm cho người dân Mỹ, nước Mỹ sẽ an toàn hơn nếu tôi được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ.
Thậm chí, ông ta tuyên bố rằng: Ông ta sẽ làm tổng thống mà tiếp tục không lấy đồng lương nào.
Sự lạ?
Theo dõi những diễn biến của cuộc bầu cử, người dân Việt Nam thấy nhiều điều hết sức “kỳ lạ”.
Kỳ lạ, bởi nó không giống chút nào với những điều mà người dân Việt Nam thường thấy trong đời sống chính trị hàng ngày.
Người dân Việt Nam sẽ không thể hiểu tại sao, ai muốn ra tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ đều phải tự gây quỹ một số tiền lớn cho việc vận động bầu cử cho mình? Trong khi ở Việt Nam, người ra ứng cử đi đâu, làm gì đã có xe cộ, phương tiện cũng như tiền ngân sách chi ra, tức là tiền của người dân – những người sẽ phải đi bầu cử.
Người ta thấy lạ, là tại sao, các cuộc đại hội của mỗi đảng, mà cứ nhất cử nhất động đều bị báo chí soi từng chữ, từng lời để đánh giá, bình luận, phản đối hoặc ủng hộ trước mắt dân chúng. Không chút nào giống ở Việt Nam: Đại hội đảng, dù là một đảng tự xưng là “cầm quyền, lãnh đạo tuyệt đối”, là đầy tớ của cả dân tộc, cả đất nước… mà họp hành, đại hội cứ kín như bưng, cứ như hội kín của một nhóm Mafia, lục lâm thảo khấu nào đó. Những ông chủ của đám “đầy tớ” này chẳng được biết đám đầy tớ âm mưu, bàn bạc những gì trong đó? Thậm chí chúng nó bàn bán cả nhà ông chủ, thì ông chủ vẫn cứ ngơ ngơ như bò đội nón mà chẳng hề được biết gì.
Người ta cũng thấy lạ, là tại sao những đảng viên đi dự đại hội đảng, lại không được sử dụng tiền nhà nước, dù đó là đương kim Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Chẳng bù cho ở Việt Nam, không những là đảng viên được tùy nghi sử dụng mọi nguồn lực, thời gian, phương tiện của nhà nước, mà ngay cả những người nằm trong bộ máy đoàn thể, mặt trận… đều được bao tận răng cho những hoạt động đảng phái, hội hè của mình?
Chỉ riêng tỉnh Quảng Bình, một tỉnh rất nghèo và rất nhỏ ở Việt Nam, riêng chuẩn bị đại hội đảng của Tỉnh, số tiền mua cặp da làm quà cho đại biểu đã là 2,2 tỷ đồng. Vậy số tiền của toàn bộ đại hội đảng và cả 64 tỉnh thành từ trung ương đến địa phương, ngân sách nhà nước, tiền thuế của người dân sẽ là vô khối.
Nếu phải bỏ tiền túi ra, liệu có ai sẽ tham gia các đại hội ấy không nếu không chắc chắn mình có một cái ghế béo bở sau đó?
Người ta cũng thấy lạ, nếu là ở Việt Nam, trước các cuộc bầu cử, đảng và nhà nước hô hào: “Lựa chọn những người có tài, có đức vào các cơ quan nhà nước”. Nhưng những người đi bầu lại chẳng hề được biết những kẻ mà đảng đưa ra cho họ bầu là ai, mặt ngang mũi dọc như thế nào, bởi nhà nước Việt Nam quy định những thông tin về thân nhân của cán bộ đảng là “bí mật nhà nước”.
Điều mà người dân thấy lạ nữa, đó là hầu hết những cán bộ, những nhân vật mà đảng đưa ra cho dân bầu, tất cả đều có nhân thân tốt” thành tích tuyệt vời, đạo đức tư cách xuất sắc… Nhưng, chỉ khi bầu cử xong một thời gian rất ngắn, thì chính những kẻ xuất sắc đó đã thể hiện ngay lập tức cái mà đảng gọi là “thoái hóa, biến chất” để lôi ra bao nhiêu tội lỗi và tống vào tù.
Lẽ nào sau khi được bầu cử vào các cơ quan nhà nước, vào đảng lãnh đạo thì họ thoái hóa, biến chất nhanh đến thế? Phải chăng môi trường đảng, môi trường lãnh đạo đảng, nhà nước là cái nôi để con người tha hóa, biến chất và biến thành tội phạm?
Tư thế của người lãnh đạo
Theo dõi những lời của Joe Biden và Donald Trump trong cuộc đấu khẩu trước cử tri khi cùng tranh cử Tổng thống, người ta thấy một điều rất rõ ràng rằng: Những nhân vật này đã nói về mình với những điều tốt đẹp, những khả năng và những lời họ hứa hẹn với cử tri của mình nếu họ bầu cho mình.
Chợt nhớ lại lời Nguyễn Phú Trọng sau khi đã trải qua những cuộc đấu đá quyền lực đầy sắt máu trong đảng để giành ngôi vị cao nhất. Thì ông ta “bất ngờ” được Đảng bầu chọn làm Tổng Bí Thư và kiêm luôn Chủ tịch nước. Ông ta tự nhận xét về mình trước cử tri toàn quốc rằng: “trình độ, năng lực, sự hiểu biết của tôi có hạn, tuổi tác lại đã lớn”.
Nghĩa là ông ta đã già, đã yếu, đã kém và không đủ năng lực. Vậy mà người dân cũng như cả cái đảng của ông ta vẫn cứ nhắm mắt giao bừa cả cơ đồ dân tộc, cả trăm triệu người vào tay ông ta.
Cũng có nghĩa là do vậy, nếu sau này ông ta có có bê bết ra đó, có bầy nhầy, đùn đỉa ra với những công việc được giao, thì đó không phải là do ông ta mà là trách nhiệm của những kẻ đã giao phó” nhiệm vụ cho ông ta.
Đã từng có bài học Nguyễn Tấn Dũng nói: “Đây là nhiệm vụ đảng giao thì tôi làm, không xin, không chạy”. Do đó việc sai, việc gây ra tội ác là do đảng chứ đâu do ông ta. Và đảng đã phải câm tịt. Hay như Nguyễn Sinh Hùng đã nói: “Quốc hội là của dân, quốc hội sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai”.
Cũng có nghĩa là cả đất nước, dân tộc này hèn nhược và suy đồi, ngu dốt đến mức không tìm ra được một ai hơn một lão già đã được người dân phong tặng cho danh hiệu “Lú” một cách công khai từ lâu và ông ta đã chứng minh điều này hoàn toàn đúng.
Theo dõi Donald Trump qua hệ thống truyền thông thế giới, người ta thấy chẳng có mấy ngày ông ta nghỉ ngơi. Người ta thấy ông làm việc từ sáng sớm cho đến tận đêm khuya khi một mình lặng lẽ bước vào ngôi nhà trắng.
Người ta thấy hàng ngày ông ta giao tiếp với thế giới bên ngoài và người dân bằng hàng loạt status trên Twiter, bằng những cuộc gặp gỡ, bằng những văn bản, luật lệ kịp thời cho những sự kiện cần thiết từ chuyện thế giới chống khủng bố đến việc nội bộ đất nước chống dại dịch hoặc việc xây bức tường chống nhập cư lậu. Nghĩa là không có sự kiện nào, không có vấn đề nào của đất nước mà ông vắng mặt.
Ngược lại, người ta cũng thấy ở Việt Nam, quả như lời Nguyễn Phú Trọng đã nói và ông ta thực hiện ngay những điều ông ta đã thông báo.
Do già cả và bạc nhược, không đủ sức khỏe nên ông ta lặn biệt tăm cả một hoặc vài tháng trời không sủi tăm, người dân không biết mặt mũi, sức khỏe cũng như hành tung của lãnh đạo mình ra sao. Để rồi ông ta xuất hiện với những bước đi chập chững mệt mỏi mà người dân chỉ nhìn đã thấy mất nhuệ khí.
Do “trình độ, năng lực và sự hiểu biết có hạn” nên ông ta cố bám lấy cái mớ giẻ rách gọi là “Chủ nghĩa Mác – Lenin” để buộc cả đất nước “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa Xã hội”, mặc dù ông ta thú nhận rằng đến nay vẫn chưa biết Chủ nghĩa Xã hội đầu cua tai nheo ra sao và chẳng biết đến bao giờ có cái Chủ nghĩa Xã hội ấy.
Người ta cũng thấy một Doanld Trump luôn luôn phải đối mặt với đảng đối lập liên tục bới móc, soi ngắm những hành động của ông ta, để phản đối, để ngăn chặn. Ngoài ra hệ thống luật pháp luôn luôn sẵn sàng đưa ông ta ra tòa nếu ông ta vi phạm luật pháp.
Thế nhưng, Donald Trump vẫn phải chấp nhận và hoàn thành mọi việc để đưa nước Mỹ vững vàng và hùng cường nhất thế giới.
Ngược lại, ở Việt Nam, một mình Nguyễn Phú Trọng chiếm đĩnh đạc hai ghế cao nhất, to nhất và quyền lực nhất đất nước mà chẳng hề có một ý kiến nào được phản hồi, chẳng có một ai dám mở mồm ngăn cản. Ông ta được đảng tuyệt đối ủng hộ và hậu thuẫn, được nhân dân “đồng tình ủng hộ”… Nếu có một cá nhân nào mở miệng, dù là cụ già 70 tuổi, thì vẫn được đảng của ông cho ngay vào tù vì “lật đổ chính quyền nhân dân”.
Vậy mà ông ta chẳng làm được một việc gì cho đất nước, đến mức người dân phải đặt ra câu hỏi: Đất nước này có cần cái ghế Chủ tịch nước và Tổng Bí thư nữa hay không?
Vì thế nên biển đảo cứ nằm dưới gót giày bọn xâm lược. Xã hội cứ vậy suy đồi, quan chức cứ thế tha hồ bóp nặn, đục khoét nhân dân, tham nhũng lan tràn đến mức “ăn không chừa của dân một thứ gì” (Nguyễn Thị Doan) và ăn một cách tàn bạo đến mức “Ăn quá dày! Có 2 tỉ mà nâng lên 6 – 7 tỉ” (Nguyễn Thị Kim Ngân).
Vì thế, cả bộ máy của đảng và nhà nước cộng sản đã biến thành “một bầy sâu” (Trương Tấn Sang).
Dần dần, ông ta đã biến cả đất nước trở thành “thế lực thù địch” của mình.
Tạm kết
Khi một con người không đủ sức khỏe, sự minh mẫn mà cố gánh lấy những việc quá sức mình, thì đó là một sự “phản đạo đức”. Bởi chính sự hèn yếu đó đã làm hại biết bao nhiêu người, cả đất nước và dân tộc. Một tinh thần minh mẫn, sáng suốt khó có thể trú ngụ trong một cơ thể già cỗi và yếu đuối, bạc nhược.
Khi một con người không tin vào khả năng của mình, thì không thể hoàn thành một việc gì đến nơi đến chốn. Và vì vậy, sẽ không có thể gánh vác những việc đòi hỏi sự tự tin bởi khả năng và tiềm lực của bản thân. Khi đã không đủ tự tin vào bản thân, thì không thể tin tưởng ai thay thế mình làm những việc thuộc trách nhiệm, bổn phận của mình.
Khi một con người không đủ minh mẫn, mà nhận những việc cần sự thông minh, trác việt, nhanh nhẹn và tài trí, thì đó là sự háo danh, tham quyền cố vị và chỉ biết nghĩ đến bản thân ích kỷ của mình.
Và khi cả một đất nước, một dân tộc lại đi “giao phó” những trọng trách cho một kẻ già, yếu, bạc nhược, kém thông minh, hạn chế về năng lực, lú lẫn về tinh thần… thì đó là một dân tộc ngu xuẩn xứng đáng bị cai trị.
Ngày 27/8/2020
Nguồn: https://www.rfavietnam.com/node/6455