Trung Điền – Việt Tân
Tối Chủ Nhật, ngày 16 tháng Tám, 2020 hơn 10 ngàn sinh viên Thái Lan và quần chúng đã tràn ngập đại lộ Ratchadamneon và Quảng Trường Dân Chủ, thủ đô Bangkok để đòi hỏi chính quyền quân phiệt Thái từ chức, với biểu ngữ: Độc tài hãy ra đi. Dân chủ muôn năm. Đây là cuộc tụ họp đông đảo nhất kể từ khi Thủ Tướng Prayuthe Chan-ocha lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014.
Cuộc biểu tình do nhóm Thanh Niên Tự Do (Free Youth) cùng với sự hợp tác của một số tổ chức đồng minh là các hội sinh viên ở các đại học tại Thái Lan kêu gọi. Cuộc biểu tình bắt đầu tụ họp từ lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, nhưng đến 6 giờ chiều khi số người tụ họp lên đến hơn 10 ngàn người, Ban Tổ Chức đã giới thiệu sinh viên Thatthep Ruangprapaikitseree, xuất hiện trong vai trò tân lãnh đạo của tổ chức Nhân Dân Tự Do (Free People Group) đổi từ tên Free Youth Group tuyên bố rằng Tổ chức Nhân Dân Tự Do sẽ lãnh đạo phong trào đấu tranh để thành lập một chính phủ “đoàn kết dân tộc” hầu chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị đã kéo dài từ nhiều năm qua tại Thái. Họ đưa ra ba yêu sách đối với chính quyền Thủ Tướng Prayuthe là: Giải tán Hạ Viện; Soạn lại hiến pháp mới; Chấm dứt hành động khủng bố những người chống chính phủ.
Sinh viên Thatthep Ruangpraikitseree cho biết là các cuộc biểu tình sẽ tổ chức liên tục và mở rộng ra ngoài giới sinh viên để vận động mọi thành phần quần chúng với khát vọng dân chủ tham gia. “Free People” giờ đây không chỉ giới hạn ở sinh viên, mà bao gồm mọi thành phần từ nghệ sĩ, trí thức, lao động, doanh nhân để cùng nhau xây dựng lại một nước Thái dân chủ và tiến bộ.
Giáo Sư Trakul Meechai, dạy môn chính trị tại Đại Học Chulalongkorn tham dự cuộc biểu tình và nói với đài PBS Thái Lan rằng với con số tụ họp biểu tình hơn 10 ngàn người trong mùa dịch COVID-19 hiện nay, cho thấy một lần nữa khát vọng dân chủ của người dân Thái đã và đang lớn mạnh thành cao trào trong thời gian tới. Giáo Sư Trakul Meechai cho rằng chính phủ và Quốc Hội Thái Lan cần tổ chức cuộc họp khẩn cấp giải quyết ba yêu sách của đoàn biểu tình, trước khi những cuộc biểu tình bùng nổ khắp nơi, khiến cho việc phòng chống đại dịch COVID-19 trở nên khó khăn và nguy hiểm.
Làn sóng biểu tình chống chính quyền Thủ Tướng Prayuthe Chan-ocha bùng nổ từ tháng Hai, 2020 sau khi Đảng Hướng Đến Tương Lai (Future Forward Party), là một chính đảng cổ võ cho dân chủ, thu hút nhiều thành phần trẻ bị sức ép của phe quân phiệt phải giải thể theo lệnh tòa án. Tuy nhiên đến tháng Ba, do đại dịch COVID-19 bùng nổ với lệnh cách ly xã hội của chính quyền nên mọi cuộc biểu tình bị khựng lại.
Căng thẳng bắt đầu trở lại vào tháng Sáu, khi Wanchalearm Satsaksit, một nhà hoạt động trẻ chống chính phủ nổi tiếng đang sống lưu vong tại Campuchia kể từ năm 2014, bị mất tích. Sinh viên các đại học trong thủ đô Bangkok yêu cầu chính quyền Thái phải nhận trách nhiệm về sự bắt cóc này. Nhưng chính quyền Prayuthe bác bỏ và không tiến hành điều tra theo yêu cầu của sinh viên.
Trước thái độ phủi tay của chính quyền Thái, các nhóm sinh viên đã liên lạc và kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chính phủ. Cuộc biểu tình ngày 10 tháng Tám, do Liên hội sinh viên tổ chức tại Đại Học Thammasat được coi như cuộc tụ họp khởi nghĩa của sinh viên Thái Lan, dẫn đến cuộc biểu tình quy mô vào tối Chủ Nhật, ngày 16 tháng Tám.
Tại cuộc biểu tình ở Đại Học Thammasat, sinh viên Pausaya Sithijirawattanakul, phát ngôn nhân của Liên Đoàn Sinh Viên Thái Lan, đã đọc một bản tuyên bố minh định lập trường đấu tranh của tập thể sinh viên Thái Lan là: Cải cách chế độ Hoàng Gia Thái không liên hệ đến những điều hành hệ thống chính trị tại Thái, và trả lại các quyền tự do căn bản của người dân.
Bản Tuyên Bố nhận định rằng sự mất dân chủ và tự do của người dân Thái Lan, một phần là do chế độ hoàng gia, đứng đầu là nhà Vua, đã can thiệp vào chính trị từ trên cao. Đó là bất cứ khi nào xảy ra một cuộc đảo chính lật đổ một chính phủ phát sinh từ một quá trình dân chủ thực sự, nhà vua đã ký bổ nhiệm người đứng đầu quân đội lên nắm quyền. Sự kiện này cho thấy nhà Vua đã hợp pháp hóa và duy trì guồng máy phản dân chủ của nhóm quân phiệt, và đó là nguồn gốc gây ra những bất ổn chính trị tại Thái Lan.
Bản Tuyên Bố của sinh viên đã nêu ra 10 yêu sách với Nhà Vua và chính phủ của Thủ Tướng Prayuthe Chan-ocha như sau:
1. Bãi bỏ Điều 6 của Hiến Pháp năm 2017 không cho phép bất cứ ai kết tội chống lại Nhà Vua. Và cộng thêm một điều cho phép Quốc Hội kiểm tra những việc làm sai trái của Nhà Vua, như là đã được đưa vào Hiến Pháp bởi Đảng Nhân Dân.
2. Bãi bỏ Điều 112 của Bộ Luật Hình Sự cũng như cho phép người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận về chế độ quân chủ và ân xá cho tất cả những người bị truy tố vì chỉ trích chế độ quân chủ.
3. Bãi bỏ Đạo Luật Tài Sản Hoàng Gia năm 2018 và phân chia rõ ràng giữa tài sản của Nhà Vua dưới sự kiểm soát của Bộ Tài Chính và tài sản cá nhân của Nhà Vua.
4. Giảm ngân sách quốc gia cấp cho Nhà Vua, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước.
5. Bãi bỏ các Văn phòng Hoàng gia. Các đơn vị có nhiệm vụ rõ ràng, ví dụ, Bộ Tư Lệnh An Ninh Hoàng Gia, nên được chuyển giao và đặt dưới quyền của các cơ quan khác. Các đơn vị không cần thiết, chẳng hạn như Hội Đồng Cơ Mật, nên được giải tán.
6. Chấm dứt việc cho và nhận các khoản đóng góp từ các quỹ từ thiện của Hoàng Gia để tất cả các tài sản của Hoàng Gia có thể được kiểm toán minh bạch.
7. Chấm dứt việc thực hiện đặc quyền của Hoàng Gia đối với việc bày tỏ chính kiến trước công chúng.
8. Chấm dứt mọi quan hệ công chúng và giáo dục nhằm tôn vinh chế độ quân chủ một cách thái quá và phiến diện.
9. Điều tra và làm rõ về vụ sát hại những người chỉ trích hoặc có mối quan hệ nào đó với Nhà Vua.
10. Nhà Vua không được phê chuẩn bất kỳ cuộc đảo chính nào nữa.
Bản Tuyên Bố của sinh viên còn nhấn mạnh rằng những yêu cầu này không phải là một đề xuất lật đổ chế độ quân chủ, nhưng nó là đề cương để duy trì chế độ quân chủ có thể tiếp tục được người dân quý trọng trong một nền dân chủ thật sự.
Từ những nền tảng đấu tranh cho một thể chế dân chủ thật sự, ba yêu sách: Giải tán Hạ viện; Soạn lại Hiến Pháp; Chấm dứt sách nhiễu những ai chống chính phủ, đã trở thành những đòi hỏi cho phong trào dân chủ Thái Lan trong những cuộc biểu tình sắp tới.
So sánh với những đòi hỏi của sinh viên Thái Lan, trong thực tế không khác gì hoàn cảnh Việt Nam khi mà đất nước suốt nhiều thập niên qua, nằm dưới sự thống trị của những tên bạo chúa gọi là tổng bí thư và bộ chính trị qua các thời kỳ.
Sinh viên Thái Lan, sinh viên Hong Kong đã đứng dậy đấu tranh cho tự do. Sinh viên và tuổi trẻ Việt Nam chắc chắn đang được thôi thúc nhập cuộc đứng lên để thay đổi vận mệnh của chính mình và dân tộc. Bởi không một ai hay bất cứ cường quốc nào có thể đem lại những thay đổi tốt đẹp cho quê hương ngoài chính dân tộc mình, và không một thể chế độc tài nào sẽ tự động cải thiện nếu chúng ta không đấu tranh giành lại quyền làm người cho mình và những thế hệ tương lai.
Trung Điền
#TháiLanbiểutình @SinhviênTháiLan