Việt Nam vẫn bị xếp vào diện các nước “dưới trung bình” vì tham nhũng
Hôm 3/12/2013, Tổ chức Minh bạch Quốc tế Transparency International – một định chế chống tham nhũng rất có uy tín – đã công bố bảng chỉ số cảm nhận tham nhũng 2013. Trong số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới được đánh giá, tình trạng Việt Nam vẫn bị xem là kém cỏi, bị xếp thứ 116.
Như thông lệ, bảng xếp hạng của Minh bạch Quốc tế được tính theo thang điểm từ 1 đến 100, trong đó điểm 1 chỉ mức độ tham nhũng cao nhất, và điểm 100 là mức trong sạch nhất. Cơ sở được dùng để tính điểm là kết quả các cuộc điều tra cảm nhận về tham nhũng trong lĩnh vực công tại các quốc gia được xếp hạng.
Trong bảng chỉ số 2013, Việt Nam chỉ được 31 điểm, và nằm trong số hai phần ba các quốc gia có điểm số dưới 50.
Trong danh sách các nước được cảm nhận là trong sạch nhất, Đan Mạch và New Zealand đồng hạng nhất, với 91 điểm, Phần Lan và Thụy Điển đồng hạng ba (89 điểm). Đội sổ vẫn là ba nước Somalia, Bắc Triều Tiên và Afghanistan, đều được vỏn vẹn 8 điểm.
Tại vùng Đông Nam Á, Singapore (hạng 6) là đại diện châu Á duy nhất được xếp vào diện 10 nước thanh liêm hàng đầu trên thế giới, trong lúc Cam Bốt (hạng 160) có thứ hạng kém cỏi nhất.
Trong tương quan với các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam đứng sau Malaysia (hạng 50), Philippines (hạng 94), Thái Lan (hạng 102) và Indonesia (hạng 114). Tệ hại hơn Việt Nam lần lượt là Lào (140) Miến Điện (157) và Cam Bốt.
Nhận định chung của Minh bạch Thế giới khá bi quan. Theo Transparency International, sự kiện 69% quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới không đạt được điểm trung bình trên bảng xếp hạng 2013, đã phản ánh tình trạng « tham nhũng nghiêm trọng » trong giới công chức tại các nơi này.
Nhà cầm quyền Hà Nội xóa dấu vết Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà
Sáng ngày 4/12/2013, rất nhiều công an, dân phòng và an ninh chìm với các phương tiện chuyên dụng đã kéo đến bảo kê cho ban giám đốc bệnh viện Đống Đa (chiếm Tu viện DCCT Hà Nội để làm bệnh viện) xóa bỏ dấu vết Tu viện DCCT Hà Nội để “hợp thức hóa” dần dần làm mất dấu tích của một Tu viện.
Phía bệnh viện đã lén lút xây dựng 1 toà nhà sát bờ tường phía khu đất nay bị cướp làm vườn hoa 1/6 và sáng ngày 4/12 đã đập bỏ tường bao để làm cho tòa nhà này lộ ranh ra ngoài. Tất cả những người ra vào bệnh viện phải đi bằng cổng phía sau chứ không được vào cổng chính. Mặc dù chỉ là vấn đề xây dựng nhưng nhà cầm quyền lại trang bị xe “cảnh sát” và rất đông công an ra canh.
Phải chăng nhà cầm quyền sợ giáo dân nổi giận vì cơ sở của Giáo hội bị xúc phạm trước mặt họ nên phải xua quân ra bảo vệ?
Tất cả diện tích gần 60.000 m2 khu vực Thái Hà ấp thuộc về quyền sở hữu của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam từ thượng bán thế kỷ trước nay chỉ còn vỏn vẹn hơn 2.500 m2. Ba khu vực quan trọng bị nhà cầm quyền cộng sản chiếm dụng hiện nay là Tu viện DCCT Hà Nội (làm bệnh viện Đống Đa), khu đất Hồ Ba Giang và khu Vườn hoa 1/6.
Kinh tế Việt Nam có nguy cơ suy thoái trong nhiều năm
Ngân hàng HSBC vừa công bố bản báo cáo về kinh tế Việt Nam với tựa đề Not quite there yet, tạm dịch chưa thực sự tới nơi.
Qua báo cáo mới nhất, Ngân hàng HSBC cảnh báo nếu không có tiến triển rõ rệt trong việc giải quyết các cơ cấu của nhà nước, kinh tế Việt Nam có nguy cơ sẽ dậm chân tại chỗ hoặc tiếp tục suy thoái trong nhiều năm. Dự báo cho biết GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5.2% trong năm nay và 5.4% trong năm 2014.
Theo nhận định của HSBC, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân là chìa khóa để tạo ra nhu cầu mạnh hơn và tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn cho Việt Nam. Tuy nhiên kỳ họp Quốc hội lần này kết thúc mà không đưa ra tín hiệu cụ thể nào về thay đổi vai trò của các doanh nghiệp quốc doanh trong nền kinh tế. Do đó, HSBC cho rằng tiến trình cải cách của Việt Nam sẽ dậm chân tại chỗ hoặc đi lùi vì khu vực quốc doanh hiện chiếm 2/3 nền kinh tế trong nước. Chỉ số giá tiêu dùng CPI cả năm 2013 được dự báo ở mức 6.6% từ mức 9.3% trong năm 2012, và tăng lên 8.3% trong năm tới. Báo cáo cho hay mức tăng trưởng về sản xuất tại Việt Nam trong tháng 11 đã yếu đi, trong khi mức số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm thiểu. Chỉ số tổng hợp hoạt động của ngành sản xuất trong tháng 11 đạt kết quả 50.3 điểm, thấp hơn mức 51.5 điểm của tháng 10. Ngoài ra, dấu hiệu cho thấy tình hình thời tiết xấu kéo theo lũ lụt cũng đã góp phần làm giảm số lượng đơn đặt hàng mới. Số lượng đơn đặt hàng xuất cảng mới cũng giảm trong tháng 11 với các báo cáo cho thấy nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa của Việt Nam đã yếu hơn.
Hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam tăng 93 lần
Trong cuộc họp báo diễn ra hôm 2 tháng 12, 2013 ở Hà Nội, bà Nguyễn Việt Chi, vụ phó Vụ Thị Trường Châu Á-Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam đã nhập siêu của Trung Quốc trong năm 2013 đến 19.6 tỉ đô, tăng 93 lần so với ba năm trước. Trong khi năm 2010, trị giá nhập siêu của Việt Nam đối với hàng Trung Quốc khoảng 210 triệu đôla. Điều đáng nói là hàng vật liệu dành cho sản xuất của Việt Nam, được nhập cảng từ Trung Quốc chiếm đến 80% tổng kim ngạch, sự kiện này cho thấy nền sản xuất của Việt Nam đang lệ thuộc Trung Quốc trầm trọng, đặc biệt là máy móc, rau quả, thực phẩm…
Nguy hiểm hơn, Việt Nam xuất cảng vật liệu thô sang Trung Quốc ngày càng nhiều và nhập cảng hàng hóa thành phẩm từ Trung Quốc ngày càng lớn. Chẳng hạn như Việt Nam xuất cảng sang Trung Quốc mủ cao su để nhập về vỏ ruột xe ; xuất cảng than, khoáng sản để nhập cảng sắt thép; xuất cảng gỗ dăm, khoáng sản để nhập cảng gỗ ép, giấy v.v…
Tình trạng nhập cảng quá nhiều hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu thụ của Trung Quốc vào Việt Nam còn khiến ngành sản xuất nội địa ở Việt Nam tê liệt. Hiện nay, Việt Nam nhập cảng của Trung Quốc hầu hết mọi thứ, từ khoai tây, gừng, chanh, tỏi… Có nhiều loại như nho, lê, táo… của Trung Quốc được nhập vào Việt Nam, sau đó dán nhãn Thái Lan, Mỹ, Úc, cả Ðà Lạt… để lừa người tiêu thụ Việt Nam.
Theo báo Thanh Niên, Bộ Công Thương Việt Nam còn tiên đoán, mức nhập siêu hàng Trung Quốc của Việt Nam vào năm 2015 sẽ đạt đến 60 tỉ đôla.