Nước và nắng, cái nào sẽ cho ra năng lượng tái tạo cần thiết và bền vững cho con người hôm nay và mai sau?
Câu trả lời là nắng, ánh nắng mặt trời [1]. Năng lượng tái tạo do ánh nắng mặt trời không cho ra khí thải CO2, không làm ô nhiễm môi trường hay làm nóng địa cầu. Trong khi đó, các thủy đập có thể phá vỡ hệ sinh thái sông và cộng đồng xung quanh, gây hại cho động vật hoang dã và làm cho người dân phải dời nơi ở.
Đặc biệt đúng cho lưu vực sông Mekong.
Một nghiên cứu quy mô vào năm 2017 của cơ quan Stockholm Environment Institute với sự hỗ trợ của UNESCO đưa ra một số kết luận đáng chú ý: một, nếu tất cả các đập ở hạ lưu sông Mekong được xây thì 96% phù sa sẽ bị mắc kẹt, chỉ còn lại 4% so với hiện nay xuống vùng đồng bằng; hai, nếu tất cả các đập này xây thì Việt Nam có thể mất đi 203.300 tấn lúa trong 10 năm tới; ba, mất phù sa và dinh dưỡng do các đập, và mất môi trường sống, thì sẽ làm giảm 12 đến 27 phần trăm năng suất chính của thực vật thuộc khu vực đồng bằng [2].
Điều đáng lo hơn nữa là năm quốc gia ở hạ nguồn, bao gồm Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia và Việt Nam, đều độc tài, tuy hình thức khác nhau. Thái Lan và Miến Điện thì quân đội vẫn nắm quá nhiều quyền lực trong tay. Campuchia, Lào và Việt Nam thì do một cá nhân hay một nhóm người thuộc đảng cộng sản hay từng là đảng viên cộng sản nắm quyền hành trong tay.
Bốn chính phủ này, không kể Miến Điện, thành lập Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission/MRC) năm 1995. 25 năm qua, MRC đã thực hiện được nhiều nghiên cứu hữu ích, nhưng ảnh hưởng của MRC đối với các quốc gia thành viên rất giới hạn, khoan nói đến ảnh hưởng lên Trung Quốc [3]. Một phần là vì MRC chủ trương không can thiệp vào chuyện nội bộ và quyết định phải dựa trên đồng thuận chung. MRC cũng không thể đồng thuận ngay cả trên các vấn đề sống còn của các nước trực tiếp ảnh hưởng. Chẳng hạn như các đề nghị dựa trên một nghiên cứu kéo dài 5 năm, về Phát triển và Quản lý Bền vững Sông Mekong từ năm 2012 đến 2017, kể cả các ảnh hưởng của đập nước thượng nguồn, thì không được hưởng ứng [4]. Chỉ có Việt Nam mới ủng hộ các biện pháp đề nghị từ nghiên cứu này; còn Lào, Thái Lan và Campuchia thì không [5]. Trong khi đó, tổng giá trị thủy sản từ sông Mekong lượng giá là 11 tỷ Mỹ kim (có nguồn khác ước tính 17 tỷ Mỹ kim), và nghiên cứu này phỏng đoán sẽ có 35%- 40% giảm sinh khối cá vào năm 2020. Tuy biết vậy nhưng một số quốc gia thành viên không chấp nhận.
Vì sao lại có chuyện như trên? Tất cả vì lợi ích của nước mình thay vì xem nguồn lực sông Mekong là lợi ích chung. Nhưng lý do chính là do có bàn tay Trung Quốc đứng đàng sau.
Ngoài những thủ đoạn của Trung Quốc được trình bày trong ba bài trước, từ Biển Đông đến sông Mekong, từ giữ nước hay xả nước qua các đập và ngăn cản phù sa chảy xuống hạ nguồn, Trung Quốc còn sử dụng tuyệt chiêu khác. Khuyến khích các nước Lào và Campuchia tăng cường xây dựng các đập trên giòng sông này [6]. Cách này chẳng khác gì cung cấp/nạp đạn để các nước này bắn vào nhau. Chẳng hạn, dự án xây đập cực lớn Xayaburi, 1,3GW, tại Lào, và họ còn dự tính rất nhiều đập như thế dọc sông Mekong, dự trù xuất cảng hai phần ba năng lượng thủy đập này. Dự án này được Trung Quốc tài trợ và ủng hộ. Công ty điện lực Thái Lan dự trù mua điện thu hoạch từ đập Xayaburi này. Nhưng hai quốc gia này trở nên quan ngại khi mực nước sông Mekong tụt xuống thấp nhất vào tháng 7 năm 2019. Mực nước ở Vientiane tại Lào xuống chỉ còn 3,2 mét, thấp hơn trung bình 4,5 mét [7]. Ngoài vì hạn hán năm 2019, còn là do các đập được xây quá nhiều trên con sông Mekong này (Tạp chí the Economist cho biết Lào dự tính xây 301 đập trong tổng số 374 đập trong kế hoạch).
Lancang-Mekong Cooperation framework (LMC), một tổ chức do Trung Quốc thành lập mà mục tiêu là vô hiệu hóa MRC, hứa sẽ chi và cấp 12 tỷ đô la năm 2018 cho các dự án, từ tuyến đường xe lửa cao tốc nối hai nước Lào – Trung Quốc, rồi nối với thành phố Côn Minh của Trung Quốc đến tận Singapore. Trung Quốc đã gửi người của họ đi khắp năm quốc gia hạ nguồn tìm cách thuyết phục các nước này ký kết vào các dự án lớn thuộc Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI). Hầu như tất cả năm nước này, ít hay nhiều, đều dọn dẹp chuẩn bị nghênh đón các nhà đầu tư từ Trung Quốc sang. Việt Nam thừa biết các chiến lược bao vây của Trung Quốc, nhưng rồi vì lợi ích bè nhóm, không phải vì đất nước, mà thông qua dự luật Đặc Khu để chào đón Trung Quốc cách đây hai năm. Cũng may người dân phản đối quá nên chưa thông qua. Những người đấu tranh tại Việt Nam hay các nước khác chống các đặc khu hay bảo vệ môi trường đều bị các chính quyền của họ đàn áp thẳng tay. Không những thế, khi mực nước sông Mekong xuống thấp nhất vào giữa năm 2019, làm hàng triệu người dân sống dọc bờ sông Mekong hoang mang tột độ, thì các chính phủ Lào và Campuchia vẫn giữ im lặng, thay vì đưa thông tin để người dân hiểu biết [8]. Trong những năm qua, mỗi năm có đến 300 ngàn trong số 20 triệu người Việt sống nhờ vào Đồng bằng Sông Cửu Long phải dời đi nơi khác làm ăn sinh sống. Nếu các đập nước tiếp tục được xây (Trung Quốc dự tính 8 đập nữa, Lào 7), thì lưu vực sông Mekong được tồn tại hàng ngàn năm qua, sẽ không còn như thế nữa trong tương lai [9].
Trung Quốc muốn kiểm soát toàn diện các nguồn lực, từ sông Mekong đến Biển Đông, để giúp họ thi hành kế hoạch Vành đai Con đường BRI. Đến khi họ thực hiện được giấc mộng này rồi, thì họ đã bao vây được phần lớn châu Á, châu Âu, châu Phi, và phần nào đó Thái Bình Dương. Chỉ có châu Mỹ và Úc họ chưa đụng đến, mặc dầu chính quyền Victoria đã ký kết Bản Ghi nhớ MOU với Bắc Kinh.
Nhà nghiên cứu Alan Basist, thuộc cơ quan Eyes on Earth, sau nhiều năm nghiên cứu đã kết luận rằng, nhìn hình vệ tinh thì thấy màu xanh đậm ở Trung Quốc, tức nhiều nước, nhưng lại màu đỏ ở Thái Lan và Campuchia, tức thiếu nước; rõ ràng Trung Quốc đang muốn điều hòa dòng nước chảy, và họ thật sự đang làm như thế. Ông Chainarong thuộc Đại học Mahasarakham thì cho rằng Trung Quốc dùng nước như chính trị: Họ tạo ra thiệt hại, nhưng lại yêu cầu người khác biết ơn [10].
Lòng tham và sự độc địa của Trung Quốc không thể đo lường được. Trung Quốc là nơi sản xuất ra nhiều tấm năng lượng mặt trời nhất, chiếm 70 phần trăm [11]. Những đập nước này đều không tốt cho môi trường và nhất là cho các nước hạ nguồn. Họ thừa biết điều đó. Năng lượng mặt trời là con đường tương lai, không chỉ tốt cho môi trường hôm nay mà còn bảo vệ các nguồn lực thiên nhiên cho các thế hệ mai sau. Một nghiên cứu được ủy nhiệm bởi tổ chức World Wildlife Fund kết luận rằng, 100% năng lượng tại lưu vực sông Mekong có thể được tạo ra bởi các công nghệ năng lượng tái tạo và bền vững như gió, mặt trời, khí sinh học, địa nhiệt và sinh khối vào năm 2050 [12]. Không cần đến các đập nước này. Nhưng Trung Quốc vẫn tìm cách thuyết phục các nước hạ nguồn đồng ý xây đập và họ sẵn sàng cho mượn tiền, với bao nhiêu hứa hẹn xuất cảng năng lượng, nhưng lại đi sản xuất, sử dụng và xuất cảng các tấm năng lượng mặt trời trong nước đi nhiều nơi khác trên thế giới.
Tóm lại, lãnh đạo bất tài lại thất đức thì quốc gia thiệt thòi. Vì thế, không thể trách một Trung Quốc có mộng bành trướng bá quyền với bao thủ đoạn thâm độc trong tay đi cám dỗ lãnh đạo quốc gia của các nước hạ lưu sông Mekong. Cũng không thể trách lãnh đạo quốc gia của các nước hạ lưu sông Mekong vì thật ra họ cũng thừa biết những âm mưu thâm độc của Trung Quốc. Rốt cuộc thì chỉ là trò buôn bán quyền lợi và quyền lực với nhau thôi. Chuyện này có thể xảy ra bởi vì tất cả các thể chế chính trị tại đây đều độc tài hoặc không dân chủ. Người dân không có tiếng nói bao nhiêu trong các vấn đề quan trọng mang tầm quốc gia. Các quyết định chính trị sau cùng chỉ do một thiểu số thao túng gần như toàn bộ dựa trên quyền lợi và quyền lực của kẻ cầm quyền.
Tài liệu tham khảo:
- Christina Nunez, “Renewable energy, explained”, National Geographic, 30 January 2019.
- Piman, T. and Shrestha, M. (2017). Case Study on Sediment in the Mekong River Basin: Current State and Future Trends. UNESCO and Stockholm Environment Institute (SEI).
- Gabriella Neusner, “Why the Mekong River Commission Matters”, The Diplomat, 7 December 2016.
- “Reporting Findings and Results from the Council Study to Member Countries”, Mekong River Commission, Vientiane, Lao PDR, 12 February 2018.
- Tom Fawthrop, “Something Is Very Wrong on the Mekong River”, The Diplomat, 26 August 201 .
- Sam Geall, “Troubles on the Mekong”, Foreign Affairs, 7 November 2019.
- “Why are water levels of the Mekong at a 100-year low?”, The Economist, 7 August 2019.
- Hannah Beech, “Damming the Lower Mekong, Devastating the Ways and Means of Life”, The New York Times, 15 February 2020.
- “South-East Asia’s biggest river is drying up”, The Economist, 14 May 2020.
- Hannah Beech, “China Limited the Mekong’s Flow. Other Countries Suffered a Drought”, The New York Times, 13 April 2020.
- Chris Baranuik, “How China’s giant solar farms are transforming world energy”, BBC, 4 September 2018; Theo EnergySage thì có đến 70 phần trăm tấm năng lượng mặt trời làm tại Trung Quốc. Luke Richardson, “Are Chinese solar panels good quality?”, EnergySage, 18 May 2017.
- “Greater Mekong Region Can Reach 100 Percent Renewable and Sustainable Energy by 2050, According to New WWF Study”, WWF, 24 May 2016.