Lập trường của Mỹ về Biển Đông

- Quảng Cáo -

Duan Dang|

Bộ Ngoại giao Mỹ rạng sáng nay 14.7 chính thức công bố Lập trường của Mỹ về các yêu sách biển ở Biển Đông được chờ đợi nhiều ngày qua.

Tuy Mỹ từng nhiều lần tuyên bố các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp, nhưng đây là lần đầu tiên Washington bác bỏ các yêu sách này một cách cụ thể và chính thức.

Tạm lướt qua những phát biểu lên án Trung Quốc thường thấy trong các tuyên bố trước kia, chi tiết về lập trường mới của Mỹ nằm trong 3 đoạn chính yếu dưới đây:

- Quảng Cáo -

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) không thể khẳng định yêu sách biển một cách hợp pháp – bao gồm bất kỳ yêu sách về Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) xuất phát từ Bãi Scarborough và quần đảo Trường Sa – đối với Philippines trong các khu vực mà Toà đã xét thấy nằm trong EEZ của Philippines hoặc thềm lục địa của nước này. Việc Bắc Kinh quấy rối hoạt động nghề cá và phát triển năng lượng ngoài khơi của Philippines trong các khu vực đó là bất hợp pháp, bất kỳ hành động đơn phương nào của PRC nhằm khai thác các tài nguyên đó cũng như vậy. Theo phán quyết ràng buộc về mặt pháp lý của Tòa thì PRC không có yêu sách về lãnh thổ hoặc biển hợp pháp đối với Đá Vành Khăn (Mischief Reef) hoặc Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), cả hai đều hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines, cũng như Bắc Kinh không có bất kỳ yêu sách lãnh thổ hay biển hợp pháp nào phát sinh từ những thực thể địa lý này.

Vì Bắc Kinh không đưa ra một yêu sách biển hợp pháp, chặt chẽ ở Biển Đông, Hoa Kỳ bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý xuất phát từ các đảo mà họ tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa (không gây tổn hại đến yêu sách chủ quyền của các nước khác đối với các đảo như vậy). Do đó, Hoa Kỳ bác bỏ mọi yêu sách biển của PRC tại vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (Vanguard Bank – ngoài khơi Việt Nam). Cụm bãi cạn Luconia (Luconia Shoals – ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và Đảo Natuna Lớn (Natuna Besar – ngoài khơi Indonesia). Bất kỳ hành động nào của PRC quấy rối hoạt động nghề cá hoặc phát triển dầu khí của các nước khác ở những vùng biển này – hoặc thực hiện các hoạt động đó một cách đơn phương – là phi pháp.

PRC không có yêu sách lãnh thổ hoặc biển hợp pháp đối với (hoặc xuất phát từ) Bãi James (James Shoal), một thực thể địa lý hoàn toàn chìm dưới nước chỉ cách Malaysia 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc 1.000 hải lý. Bãi James thường được bộ máy tuyên truyền của PRC gọi là “lãnh thổ cực nam của Trung Quốc”. Luật pháp quốc tế rất rõ ràng: Không một quốc gia nào có thể yêu sách với một thực thể địa lý chìm dưới mặt biển như Bãi James và nó không có khả năng làm phát sinh các yêu sách biển. Bãi James Shoal (cách khoảng 20 mét dưới mặt biển) không phải và không bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng không thể khẳng định bất kỳ quyền về biển hợp pháp nào từ đó.

Đầu tiên, lập trường mới được minh định của Mỹ phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và Phán quyết của Tòa án về phiên tòa Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông năm 2016.

Nó cũng phù hợp với Công thư của Phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên Hiệp Quốc vào đầu tháng 6 và công hàm gửi Trung Quốc ngày 28.12.2016, sau khi có phán quyết của phiên tòa giữa Philippines và Trung Quốc vào tháng 7.2016.

Tuy nhiên, có một điểm mới và đáng chú ý là Mỹ nêu rõ việc “bác bỏ mọi yêu sách biển của PRC tại vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (Vanguard Bank – ngoài khơi Việt Nam). Cụm bãi cạn Luconia (Luconia Shoals – ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và Đảo Natuna Lớn (Natuna Besar – ngoài khơi Indonesia)”.

Đây là những khu vực không nằm trong phạm vi phán quyết của Tòa án năm 2016, ngoài việc bác bỏ “Đường lưỡi bò” chung chung.

Rõ ràng, Mỹ đã đứng về phía Việt Nam trước việc Trung Quốc quấy phá hoạt động nghề cá và khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam ở khu vực này, tương tự đối với khu vực cụm bãi cạn Luconia với Malaysia và vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và Đảo Natuna Lớn.

Đây là những khu vực trở thành điểm nóng trong thời gian qua trước hoạt động quấy pháp của tàu chiến, tàu hải cảnh, tàu khảo sát, tàu dân binh và tàu cá Trung Quốc.

Trong đó, đối với Việt Nam rõ ràng là một động thái hết sức hoan nghênh và đập tan luận điệu của Trung Quốc cho rằng khu vực Bãi Tư Chính là khu vực tranh chấp.

Nghĩa là sẽ không còn chuyện Mỹ kêu gọi chung chung các bên hãy “giải quyết hòa bình các tranh chấp” ở khu vực này, mà chỉ đích danh: “Bất kỳ hành động nào của PRC quấy rối hoạt động nghề cá hoặc phát triển dầu khí của các nước khác ở những vùng biển này – hoặc thực hiện các hoạt động đó một cách đơn phương – là phi pháp”.

Trong lập trường của mình, Mỹ vẫn khéo léo giữ quan điểm trung lập đối với các tranh chấp LÃNH THỔ (tức Mỹ không xác định nước nào có chủ quyền đối với các thực thể có thể yêu sách chủ quyền ở khu vực).

Tuy nhiên, Mỹ đã bác bỏ hầu hết yêu sách biển của Trung Quốc ở phía nam Biển Đông và khu vực quần đảo Trường Sa.

Phần khu vực phía bắc và khu vực quần đảo Hoàng Sa không được nhắc đến vì chưa có phán quyết cụ thể của tòa ở khu vực này. (Nhiều khả năng chỉ có thể có được thông qua một phiên tòa do chính Việt Nam đệ đơn).

Như vậy, đối với các khu vực biển ở phía nam Biển Đông, bao gồm khu vực quần đảo Trường Sa, Mỹ không giữ vị thế trung lập, mà đứng về phía luật pháp quốc tế, về phía lẽ phải, bao gồm luật Biển và phán quyết của tòa, qua đó đứng về phía các nước bị Trung Quốc cưỡng ép và đe dọa.

Ngoài ý nghĩa về pháp lý và biểu tượng, chưa rõ lập trường minh định của Mỹ sẽ dẫn đến những hệ quả thực tế nào. Tuy nhiên, nó có thể mở đầu cho các hành động cứng rắn hơn của Mỹ trong việc bác bỏ yêu sách biển phi pháp của Trung Quốc thông qua các phương diện quân sự, ngoại giao và pháp lý.

Đặc biệt, nó có thể mở đường cho việc trừng phạt Trung Quốc sau khi xác định rõ ràng giới hạn hành động hợp pháp và phi pháp.

Chẳng hạn, trừng phạt các cá nhân và tổ chức tham gia vào việc quấy phá hoạt động nghề cá, thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp của nước khác hoặc đơn phương thực hiện các hành động phi pháp như thăm dò, khai thác dầu khí.

Theo thông tin từ một số người trong giới quan sát, Mỹ đã thông báo trước cho các nước liên quan về lập trường của họ trước khi công bố vào sáng nay.

Có thể thấy rõ sự tức tối của Bắc Kinh khi chỉ vài tiếng sau khi lập trường được công bố, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington đã đưa ra tuyên bố phản đối.

Lập trường mới của Mỹ có thể mở ra một giai đoạn mới ở Biển Đông, với ý nghĩa dịch chuyển chính sách không thua kém phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại hội nghị ASEAN ở Hà Nội năm 2010, khi tuyên bố Mỹ có “lợi ích quốc gia” trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở khu vực.

Phát biểu của Ngoại trưởng Clinton khi ấy mở ra một giai đoạn mới đối với tình hình Biển Đông, vốn diễn ra sau việc Việt Nam và Malaysia liên danh đệ đơn lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc và việc Trung Quốc công khai yêu sách “Đường lưỡi bò” một năm trước đó (2009).

Nay lập trường mới của Mỹ cũng được công bố sau khi Malaysia khai mào cái gọi là “cuộc chiến công hàm” ở Biển Đông vào cuối năm 2019, cũng liên quan đến việc đệ đơn lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc.

Những phân tích, bình luận sâu hơn về vấn đề này có thể sẽ được tìm thấy tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 10, do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Mỹ tổ chức, khai mạc vào tối nay 14.7 (giờ Việt Nam).

Cập nhật: Khía cạnh quân sự trong lập trường của Mỹ ở Biển Đông

Lập trường của Mỹ nhìn qua tưởng chỉ là sự dịch chuyển về chính trị. Tuy nhiên, nó cũng có thể là tiền đề quan trọng cho cơ sở pháp lý của việc sử dụng vũ lực chống lại Trung Quốc ở những vùng biển mà yêu sách của Trung Quốc đã bị Mỹ bác bỏ một cách chính thức, theo các nguyên tắc của “quyền gây chiến” (jus ad bellum) trong lý thuyết chiến tranh chính đáng (jus bellum justum).

Các nguyên tắc của “quyền gây chiến” (jus ad bellum) nhìn chung bao gồm:

  • Nguyên nhân chính đáng.
  • Mục đích đúng đắn.
  • Tuyên bố bởi một thẩm quyền hợp pháp.
  • Phương sách cuối cùng.
  • Tính cân xứng.

Bằng cách xác định chính thức lập trường về các vùng biển mà Trung Quốc không thể yêu sách một cách hợp pháp, Mỹ có cơ sở xác lập “nguyên nhân chính đáng” và “mục đích đúng đắn” một khi phải tham chiến ở những khu vực này.

Trong đó, “nguyên nhân chính đáng” quy định việc sử dụng lực lượng quân sự phải có mục đích tốt về mặt đạo đức, trong khi “mục đích đúng đắn” cho rằng chiến tranh phải được tiến hành vì mục đích sửa chữa cái sai trái và thiết lập hoà bình và công lý.

Có thể tìm thấy hơi hướm của những nguyên nhân chính đáng này trong đoạn cuối cùng của tuyên bố:

Mỹ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á của chúng tôi trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi sát cánh với cộng đồng quốc tế để bảo vệ tự do biển cả và tôn trọng chủ quyền và bác bỏ bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt “chân lý thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông hay khu vực rộng lớn hơn.

Xác lập như thế không có nghĩa là Mỹ sẽ gây chiến với Trung Quốc ở các vùng biển nói trên trong nay mai hay sẽ bảo vệ về mặt quân sự một quốc gia bị Trung Quốc tấn công ở các vùng biển này.

Tuy nhiên, nó góp phần xác lập “nguyên nhân chính đáng” để Mỹ có thể tấn công hoặc phản công Trung Quốc trong một cuộc xung đột tiềm tàng ở các vùng biển này, kể cả khu vực Bãi Tư Chính./.

————–

Liên quan đến tình hình Biển Đông còn có một số tin tức đáng chú ý sau:

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here