Trong mấy tuần vừa qua, các cuộc xuống đường phản đối cảnh sát bạo hành dẫn đến cái chết của một người Mỹ da đen, George Floyd, đã bùng lên thành phong trào phản đối bất công, đặc biệt đối với các sắc dân thiểu số, trên khắp thế giới. Các phong trào này dùng tên chung Black Lives Matter (BLM).
Nhưng trong cộng đồng người Việt, đặc biệt cộng đồng Mỹ gốc Việt, lẽ ra phải có tuyệt đại đa số ủng hộ phong trào tranh đấu này vì người Mỹ gốc Việt cũng là một sắc dân da màu đã từng và đang bị kỳ thị trong 1 số lãnh vực; thì lại có sự chia đôi khá ngang ngửa và một cuộc tranh luận gay gắt giữa 2 phía ủng hộ và phản đối phong trào BLM. Và giữa sức nóng của các cuộc tranh luận, nhiều từ ngữ phỉ báng “tụi đen” đã vượt cả mức kỳ thị và lên đến độ hằn thù. Giới quan sát xã hội học bản xứ cau mày thắc mắc, không hiểu tại sao.
Còn chúng ta thì sao? Hãy thử tìm hiểu tại sao tiềm ẩn trong tâm tư nhiều người Việt lại có nỗi sợ, ghét, và khinh bỉ nặng nề đối với người da đen đến thế.
Xa xưa nhất có lẽ tâm thức đó đã bắt đầu từ thời những người lính da đen Châu Phi trong các đoàn quân Lê Dương của thực dân Pháp đến Việt Nam. Ngay từ thời đó đã có trong dân gian sự phân biệt giữa “ông Tây” và “thằng Tây đen”. Các bà mẹ bắt đầu lấy “Tây đen” ra hù dọa những đứa trẻ không chịu ăn, nghịch ngợm, không chịu học. Nỗi sợ bị “Tây đen bắt” dính vào đầu trẻ em đến độ có đứa khóc ré lên giữa đêm chỉ vì mơ thấy “Tây đen”.
(Hình ảnh này vừa khít luôn vào ý niệm ‘hắc bạch phân minh’ đã có từ lâu trong tiếng Việt. Nghĩa là tự nhiên và ngang nhiên chỉ định màu trắng cho phe chính trực và màu đen cho phe gian ác. Ai lỡ có da đen ráng chịu.)
Sự kỳ thị người da đen bắt đầu nhuốm thêm tính khinh bỉ khi có những cô gái Việt “cặp bồ” với những anh lính Mỹ da đen đến VN từ 1965 đến 1975 (nặng hơn nhiều so với các lính Mỹ da trắng); và dẫn đến sự đay nghiến, ruồng bỏ các “con lai đen” ngơ ngác vô tội (nặng hơn nhiều so với các con lai trắng). Con lai đen chỉ có giá trong một thời gian ngắn khi Hoa Kỳ mở chính sách nhận tất cả các trẻ em có 2 giòng máu Mỹ-Việt.
Khi làn sóng tỵ nạn cộng sản cuốn mấy trăm ngàn người Việt rời bỏ đất nước, nhiều nhà thờ, hội thánh Tin Lành da đen tại các tiểu bang miền Nam, nhiều cựu chiến binh Mỹ da đen từng tham chiến tại Việt Nam, đã đứng ra bảo lãnh từng gia đình người Việt ra khỏi các trại tỵ nạn, các trại tạm trú để hòa nhập vào xã hội Hoa Kỳ.
Nhưng những tình cảm đầy nhân bản đó bị xóa khá nhanh khi người Việt tỵ nạn bắt đầu dồn về các thành phố lớn thuộc các tiểu bang phía Nam lập nghiệp vì khí hậu ấm áp và bắt đầu đụng chạm với các cộng đồng nghèo khác, trong đó có dân Mỹ da đen khá đông vì từ mấy trăm năm trước họ đã bị dồn về các đồn điền phía Nam sống đời nô lệ. Các đụng chạm mang tính cá nhân nhưng lại tích tụ thành ấn tượng đồng hóa “tụi đen là thế cả!” Và với thời gian, khi đời sống đã khá lên, nhiều người Việt nay đã tiến vào giới trung lưu, thượng lưu nhưng trong lòng họ cứ nghe nói đến “Mỹ đen” lại dâng lên cảm giác đen đúa, dơ dáy, phì nộn, lòe loẹt, bất hảo.
Đã đến lúc chúng ta thử bình tâm, công bằng mổ xẻ ấn tượng, hay đúng hơn là định kiến, đã tích tụ quá lâu này.
Trước hết, phần đông người Việt chúng ta, đặc biệt tại Hoa Kỳ, đều có tín ngưỡng và tập trung chính vào Công Giáo và Phật Giáo. Nhưng định kiến của chúng ta về “Mỹ đen” quả thật rất trái ngược với những gì cả 2 tôn giáo này giảng dậy. Thật ngắn gọn, chỉ cần mỗi người chúng ta tự hỏi 1 trong 2 câu sau:
– Nếu chính Thiên Chúa đã tạo ra người da đen và thấy đó là tuyệt tác, là xinh đẹp như mọi giống dân khác, thì chúng ta là ai mà dám xem đó là xấu xí, dơ bẩn?
– Nếu Đức Phật dạy ta phải trân quí mọi sinh linh, không chấp nhận những hành vi gieo đau khổ cho chúng sinh và chính chúng ta đã từng phóng sinh từng con chim, con cá để ngưng các đau khổ cho chúng, thì tại sao những con người, dù da đen hay da màu gì đi nữa, lại không xứng đáng gấp trăm lần lòng trân quí và sự tiếp tay của chúng ta để chấm dứt những đau khổ, bất công đối với họ?
Và cho dù không theo tôn giáo nào đi nữa, tuyệt đại đa số chúng ta đều tin mình là những con người nhân bản. Chẳng hạn như tuyệt đại đa số chúng ta đều kính phục, ngưỡng mộ Tổng Thống Abraham Lincoln, một vĩ nhân của lòng can đảm và nhân đạo. Vậy không lẽ chúng ta vừa ca ngợi sự nghiệp giải phóng nô lệ da đen của ông vừa không đồng ý với ông về giá trị bình đẳng của người da đen? Và quan trọng hơn nữa, nếu xem cả giống dân da đen là thấp kém, thì chúng ta có thật sự nhân bản như ta nghĩ không?
Sự vô lý còn đi xa hơn một bước: Thật quái lạ khi một người vô gia cư, lênh đênh trên biển cả, được một gia đình mời vào nhà họ và cho ở luôn, nhưng người đó lại quay sang kỳ thị, xem rẻ chủ nhà. Thật vậy, người Việt chúng ta chỉ mới sống trên đất Mỹ 2, 3 thế hệ lại kỳ thị những người đã sống mấy chục đời ở đất nước này với đầy xương máu, mồ hôi, nước mắt vun trồng của cha ông họ.
Nhưng có bạn đưa ra chống chế: Tôi không ghét hết dân da đen nhưng phải công nhận quá đông đám đen sống phè phởn bằng tiền an sinh xã hội, buôn bán ma túy, phạm pháp, … Không ghét thì cũng phải tránh xa để phòng thân.
Loại nhận xét trên thật ra (1) chỉ đúng trong từng vùng có mật độ dân da đen cao mà thôi; (2) là các bệnh tật xã hội của mọi cộng đồng nghèo dù da màu gì; và (3) không thể dùng các dữ kiện tương đối và cục bộ đó để phóng chiếu ra cả một thành phần dân thiểu số.
Có quá nhiều dẫn chứng thực tế cho 3 luận điểm nêu trên. Chẳng hạn như nếu sống tại các thành phố lớn ở tiểu bang Florida, người ta sẽ thấy đa số các đường dây buôn bán ma túy do những người gốc Châu Mỹ La Tinh đảm trách chứ không phải người Mỹ da đen. Vậy ta có phóng chiếu ra thành dân Mỹ gốc La Tinh toàn là đám buôn ma túy không? Cũng vậy, các băng đảng mafia lớn ngày xưa ở miền Đông Bắc đều do các gia đình gốc Ý cầm đầu và ngày nay lại do nhiều kẻ gốc Liên Xô cũ kiểm soát, vậy ta có phóng chiếu thành dân Mỹ gốc Ý hay dân Mỹ gốc Nga toàn là đám trộm cướp, giết người không?
Gần hơn nữa, nếu có dịp thăm các nhà tù, đặc biệt tù cho thiếu niên phạm pháp, tại vùng quận Cam, nơi có mật độ người Mỹ gốc Việt cao nhất nước, chúng ta sẽ thấy đa số các phạm nhân là ai. Vậy nếu có kẻ lấy dữ kiện đó phóng chiếu ra thành đám dân Mỹ gốc Việt toàn là những kẻ tội phạm thì chúng ta có lên án kẻ đó là kỳ thị chủng tộc, ngu dốt, và đui mù không?
Và còn nhiều câu hỏi, nhiều sự kiện vô lý khác nữa. Chẳng hạn như có phải bạn cũng từng nể phục cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao và cũng là Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Condoleezza Rice, đặc biệt những đóng góp của bà trong đối sách với Liên Xô, không? Có phải bạn từng nể phục cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao và cũng là Đại Tướng Tổng Tham Mưu Liên Quân Colin Powel, đặc biệt trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh, không? … Tại sao những lúc đó màu da của họ không hề là vấn đề ?
Đã đến lúc mỗi người chúng ta bình tâm xem lại định kiến của mình. Hãy áp dụng cho người khác những nguyên tắc nhân bản và tiến bộ mà chính chúng ta đã và đang được hưởng tại đất nước này, cũng như hy vọng có ngày đưa về tặng đồng bào chúng ta tại quê nhà. Đó là xét nhân cách chứ không xét màu da hay giai cấp hay lý lịch. Đó là đánh giá hành vi của từng cá nhân chứ không vơ đũa cả nắm những người cùng tôn giáo, chủng tộc hay màu da.
Hãy cùng giúp nhau sống nhân bản và tiến bộ ở thế kỷ 21. Hãy dứt khoát dẹp bỏ định kiến với Anh Chị Em Da Đen./.
(Trong bài tới, chúng ta sẽ xem thử nếu không có các thế hệ người Da Đen đi trước thì số phận những người Da Vàng đến sau như chúng ta đã ra sao.)