Luật hóa việc tiếp dân
Chiều ngày 25.11.2013, Quốc hội Việt Nam biểu quyết thông qua nội dung Luật Tiếp công dân với gần 85% số phiếu. Luật quy định Ban Nội chính là “cơ quan tiếp công dân thường xuyên ở trung ương và cấp tỉnh” theo Luật Tiếp công dân.
Luật Tiếp công dân, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, cũng buộc những người đứng đầu cơ quan công quyền, từ cấp bộ trưởng trở xuống, phải tiếp dân theo định kỳ.
Tổng Thanh tra Chính phủ và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ở trung ương ít nhất một ngày mỗi tháng
Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch tỉnh phải tiếp dân ít nhất một ngày mỗi tháng.
Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện có trách nhiệm tiếp dân ít nhất hai ngày trong tháng trong khi chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã phải tiếp dân mỗi tuần một ngày.
Báo Tiền Phong dẫn luật mới nói thủ trưởng các cơ quan cũng cần tiếp dân đột xuất khi có những “vụ việc gay gắt, phức tạp có nhiều người tham gia, kéo dài, ý kiến của các cơ quan, tổ chức khác nhau”.
Trang web của Chính phủ CS Việt Nam cũng đưa tin: “Đạo luật nghiêm cấm những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, cản trở người khiếu nại, tố cáo, phản ánh hoặc thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc tiếp công dân. Đồng thời, cũng nghiêm cấm việc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối trật tự, xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, kích động, lôi kéo người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân.”
Báo chí Việt Nam đưa tin Ban Nội chính của ông Nguyễn Bá Thanh sẽ có vai trò lớn trong việc tiếp dân tới khiếu nại tố cáo theo luật mới. Tuy nhiên người ta chưa rõ sự tham gia của Ban Nội chính có giúp giải quyết được tình trạng khiếu kiện của người dân đã trở thành phong trào từ bấy lâu nay và cơ quan của ông Thanh sẽ có quyền hạn tới đâu so với các cơ quan Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Dư luận cho rằng VN có một rừng luật nhưng chỉ để làm kiểng, và khi áp dụng thì toàn dùng luật rừng. Khi muốn bắt bớ, giam cầm ai đó thì cứ việc quy chụp cho họ các tội danh mơ hồ. Nhẹ thì „gây rối trật tự công cộng“, nặng thì „âm mưu lật đổ chính quyền“.
Tù nhân chính trị Bùi Đăng Thủy qua đời
Tù nhân chính trị Bùi Đăng Thủy, cựu sĩ quan không quân VNCH, đã qua đời trong lặng lẽ hôm 24.11.2013 tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai; mà gia đình không được mang xác ông về quê chôn cất.
Trước đó, vào tháng 7. 2011 tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Trại qua đời tại trại tù Xuân Lộc, Đồng Nai và bị chôn tại đó dù trước khi mất, ông mong mỏi được về nhà chết bên cạnh người thân và dù gia đình xin đưa thi hài ông về an táng ở quê nhà nhưng trại giam bảo rằng “ông Nguyễn Văn Trại là một tù nhân chính trị chứ không phải là người”.
Vào tháng 9.2011, người tù thế kỷ Trương Văn Sương qua đời tại trại giam Nam Hà và cũng bị chôn cất tại chỗ dù thân nhân xin được hỏa tang để mang tro cốt ông về quê quán Sóc Trăng.
Những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm ở VN hiện nay thường bị phân biệt đối xử với tù thường phạm. Họ gặp khó khăn trong vấn đề chữa bệnh khiến “chỉ có thể chờ chết” để rồi khi qua đời, thân nhân không được đem xác về an táng ở quê nhà.
Trước tình cảnh như vậy, từ Sàigòn, nhà văn Phạm Đình Trọng, cựu Đại tá quân đội Nhân dân VN, lên tiếng: „Điều đó thể hiện sự man rợ của nhà nước này, tức là đến chết mà người ta vẫn còn giam cầm. Hành động đó không phải là con người nữa…“
Số phận của tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm VN – nói theo lời ký gia Trương Minh Đức – bị “để cho kéo dài tình trạng bệnh tật trong trại giam mà không được chữa trị đến nơi đến chốn chỉ có thể chờ chết” khiến người ta lo ngại cho những người tù hiện nay, từ sinh viên Đỗ Thị Minh Hạnh, nhà giáo Đinh Đăng Định, tín đồ PGHH Mai Thị Dung cho tới người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu.
Cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển lưu ý rằng từ năm 2000 đến nay, có ít nhất 10 tù nhân chính trị đã chết tại trại giam Xuân Lộc. Theo ông Nguyễn Bắc Truyển thì cách hành xử của nhà cầm quyền CSVN như vậy là không thể hiện tinh thần giam giữ nhân đạo theo Công ước về Quyền Dân sự và Chính trị, Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, hay Công ước Chống Tra Tấn Tù nhân hoặc Hội đồng Nhân quyền LHQ mà chính nhà nước CSVN đã gia nhập.
Báo động nạn rửa tiền tại Việt Nam
Theo một phúc trình của Ngân hàng nhà nước CSVN cho hay, chỉ riêng trong năm 2012 có đến 51.000 giao dịch đáng ngờ từ các ngân hàng thương mại, nghi thuộc hoạt động rửa tiền của các tổ chức mafia.
Theo Cục Cảnh sát kinh tế, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an), tội phạm rửa tiền phổ biến nhất ở Việt Nam là đối tượng phạm tội ở nước ngoài, sau đó tuồn tiền “bẩn” về Việt Nam để hợp pháp hóa, chuyển sang tiền sạch.
Ngoài ra, cũng có nhiều nhóm người tìm cách rửa tiền kiếm được từ tham nhũng, mua bán ma tuý, lừa đảo… ở Việt Nam bằng cách hợp pháp hóa qua việc mua bất động sản, chuyển cho người thân, hoặc đầu tư vào các dự án “ma”, hợp đồng kinh tế “ma”. Không chỉ vậy, tiền “bẩn” ở Việt Nam còn được chuyển dần vào các ngân hàng, tổ chức tín dụng thông qua hoạt động mua bán chứng khoán, bất động sản, trương mục mở ở các casino… ngày càng rộ ở Việt Nam.
Phúc trình của Cục Cảnh sát Kinh tế – Công an Việt Nam còn xác nhận rằng, Việt Nam hiện nay là mục tiêu của nhiều tổ chức rửa tiền quốc tế vì chưa loại trừ được nạn sử dụng tiền mặt tràn lan. Ngoài ra các chiêu rửa tiền của tội phạm ngày càng tinh vi và khó phát hiện, đặc biệt là tội phạm rửa tiền sử dụng công nghệ cao. Cũng theo phúc trình này, điều lệ trừng phạt tội rửa tiền đã được xác định tại Luật Dân sự từ năm 2009, nhưng đến ngày 07.02. 2012 mới có hiệu lực thi hành. Vì vậy, theo các cán bộ cao cấp của công an, việc khám phá tội phạm rửa tiền hiện nay là “rất khó khăn.”
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền (Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN) cho biết, tình trạng rửa tiền gây ra rất nhiều tác hại đối với nền kinh tế Việt Nam, bởi nếu bị coi là nơi thuận lợi để rửa tiền, Việt Nam sẽ trở thành một địa chỉ đầy rủi ro, thiếu minh bạch về chính sách với các nhà đầu tư, khiến họ không dám rót tiền đầu tư.