Sau những điều Đô đốc Nguyễn Văn Hiến (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương – BCH TƯ – đảng CSVN, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân) vừa trình bày trước Hội đồng Xét xử ông ta hôm 19 tháng 5, không rõ Bộ Chính trị, BCH TƯ đảng CSVN, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng CSVN, những cơ quan ngôn luận, những Giáo sư – Tiến sĩ chuyên… hộ đảng có… nghĩ gì không?
Vụ án Nguyễn Văn Hiến và đồng bọn “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gây thiệt hại cho công quỹ khoảng 1.500 tỉ đồng, liệu có khiến giới lãnh đạo đảng, giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các cơ quan ngôn luận và cá nhân trước nay lớn tiếng thóa mạ những người đề nghị không nên để “quân đội làm kinh tế”, “phi chính trị hóa quân đội” cảm thấy… ngượng không?
***
Ông Hiến bị khởi tố, rồi bị truy tố và nay đang hầu Tòa vì được xác định là nhân vật chính trong vụ chuyển hóa ba khu đất quốc phòng thành… tài sản của một số doanh nghiệp, khiến công quỹ mất gần… 1.500 tỉ đồng (1)!
Vi phạm của ông Hiến xảy ra vào giữa thập niên 2000. Ba khu đất quốc phòng vốn là công thổ kèm theo nhiều công thự trên đó đã bị chuyển hóa quyền sử dụng không nằm ở… rừng sâu hay trên… núi cao mà tọa lạc giữa… trung tâm TP.HCM. Tuy nhiên 15 năm sau vụ chuyển hóa quyền sử dụng công thổ cho tư nhân này mới được xác định là sai phạm rất nghiêm trọng.
Trong 15 năm từ khi ông Hiến phê duyệt việc chuyển hóa ba khu công thổ vốn được vi von là “đất vàng”, ông thăng tiến không ngừng, từ Phó Đô đốc lên Đô đốc, ngoài chức vụ Tư lệnh Hải quân ông còn kiêm nhiệm vai trò Thứ trưởng Quốc phòng,… Mãi đến năm ngoái, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của BCH TƯ đảng CSVN lấy ba khu “đất vàng” làm vốn để “hợp tác kinh doanh” khiến quốc gia mất cả chì lẫn chài là cần phải xử lý!..
Trước Tòa, ông Hiến thừa nhận ông có… lỗi và xin chịu trách nhiệm. Tuy nhiên ông bảo rằng, ông chỉ được đào tạo về quân sự trong chín năm chứ chưa từng qua trường lớp nào về quản lý kinh tế. Chưa kể ông quá bận, ngoài vai trò Tư lệnh Hải quân, ông còn là Ủy viên BCH TƯ đảng, Đại biểu Quốc hội,… thành ra không đủ thời gian để theo dõi sát sao, quyết liệt (2)…
Có một điểm đáng chú ý là luật sư bào chữa cho ông Hiến đã gợi ý để ông có cơ hội nhắc… Tòa, rằng từ 2005 đến 2015 – giai đoạn ông Hiến đảm nhận vai trò Tư lệnh Hải quân – quân chủng này được thưởng Huân chương Sao Vàng, được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới. Đem những danh hiệu được cho là cao qúy ấy đặt bên cạnh những diễn biến tại biển Đông ắt sẽ thấy hết sức… khập khiễng.
Giống như các quân chủng khác, giai đoạn ấy, Hải quân chỉ chuyển nhượng quyền khai thác đất quốc phòng ở nhiều nơi, bán sỉ và lẻ quyền khai thác nhiều loại tài nguyên như cát biển, gây ra hàng loạt scandal. Sau Huân chương Sao Vàng, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới, năm ngoái UBKT của BCH TƯ đảng CSVN đề nghị kỷ luật toàn bộ thành viên của Thường vụ Đảng ủy Hải quân giai đoạn 2005 – 2010 (3).
***
Dù muốn hay không thì rõ ràng ông Hiến, Quân chủng Hải quân nói riêng và vài chục ông tướng, sĩ quan cấp tá của các quân chủng còn lại như Không quân, Lục quân, nói chung là Bộ Quốc phòng chỉ ra nghịch lý của chủ trương “quân đội làm kinh tế”.
Đã từng có rất nhiều người, thuộc nhiều giới ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam, liên tục khuyến cáo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nên loại bỏ chủ trương “quân đội làm kinh tế”.
Đâu phải tự nhiên mà thiên hạ khẳng định, việc kết hợp giữa quốc phòng với làm kinh tế sẽ tạo ra quái thai. Cảnh báo: Chủ trương “quân đội làm kinh tế” sẽ tạo ra nhiều vấn nạn: Bị lạm dụng để trục lợi. Làm vẩn đục môi trường kinh doanh, nguy hại cho nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt là suy giảm khả năng quốc phòng do nhân tâm xáo trộn, quân đội cần được dân chúng tin – yêu – hỗ trợ thì lại tạo ra bất bình, nội bộ phân hóa vì một bên gánh chịu gian nan, khổ cực trong khi bên còn lại thì giàu có “nứt đố, đổ vách”, ăn chơi phè phỡn. Chưa kể “quân đội làm kinh tế” sẽ khiến lãnh đạo quân đội bị tư lợi khuynh đảo… đã cũng như đang được thực tế chứng minh là chính xác đến đau lòng!
Tuy nhiên cả giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lẫn lãnh đạo Bộ Quốc phòng vẫn khăng khăng, khẳng định “quân đội làm kinh tế” là “đúng đắn”, là “đặc thù của quân đội nhân dân Việt Nam”.
Tháng 6 năm 2017, sau scandal Đồng Tâm (nông dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội rào làng, giữ con tin,… phản đối việc dán nhãn “đất quốc phòng”, tịch thu đất để giao cho Viettel – Tập đoàn Viễn thông Quân đội, một doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng) và scandal sân golf Tân Sơn Nhất (nhân danh “sự nghiệp quốc phòng”, Bộ Quốc phòng khăng khăng thủ giữ 157 héc ta thuộc phạm vi phi trường Tân Sơn Nhất để tiếp tục cho thuê làm sân golf, bất kể phi trường này nghẽn cả trên trời, lẫn tắc ở dưới đất vì không thể mở rộng), trước sự phẫn nộ của công chúng, ông Lê Chiêm, Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng dõng dạc cam kết: Quân đội sẽ thôi, không làm kinh tế nữa (4).
Thế nhưng chỉ nửa tháng sau, một Thượng tướng khác, cũng đảm nhiệm vai trò Thứ trưởng Quốc phòng như tướng Lê Chiêm là Nguyễn Chí Vịnh “đăng đàn”, phủ nhận cam kết của đồng đội. Theo đó, tướng Lê Chiêm không thay mặt quân đội (?) mà chỉ nêu quan điểm cá nhân. Quan điểm cá nhân của tướng Lê Chiêm “cũng đúng nhưng không đầy đủ”. Tướng Vịnh thay mặt quân đội “nói lại cho rõ” là: “Quân đội sẽ tiếp tục làm ‘kinh tế quốc phòng’, thậm chí “sẽ còn ‘làm’ mạnh hơn nữa (5)”!
Ngoài việc khẳng định quân đội sẽ tiếp tục “tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế” vì đó là “chức năng, nhiệm vụ hết sức quan trọng của quân đội”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng gọi tất cả những người khuyên quân đội đừng làm kinh tế là “chúng”, là một kiểu chống phá của các thế lực thù địch. Theo ông Lịch: “Nguyên tắc của chúng ta là Đảng lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt đối với quân đội, không giao cho tổ chức, cá nhân nào lãnh đạo, điều hành quân đội” cho nên “trách nhiệm chính trị của Đảng bộ quân đội là phải làm tốt và làm tốt hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh” để “chứng minh rằng chủ trương xây dựng các doanh nghiệp quân đội của Đảng ta là đúng đắn” (6).
Ông Hiến cũng là một trong những người vừa ủng hộ nhiệt thành chủ trương “quân đội làm kinh tế”, vừa đi tiên phong trong việc thực hiện chủ trương này. Chỉ đến khi phải đứng trước Tòa, ông mới bảo ông chưa từng qua trường lớp nào về quản lý kinh tế! Cũng chỉ đến khi phải đứng trước Tòa, ông mới than rằng, ông không có thời gian dành cho công việc Tư lệnh Hải quân vì tham gia vào những công việc hết sức cụ thể của guồng máy chính trị như Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Đại biểu Quốc hội.
Quan sát cách thức quản trị, điều hành của nhiều quốc gia văn minh, nhiều người khuyên nên phi chính trị hóa quân đội để quân đội toàn tâm, toàn ý vào nhiệm vụ chính: Bảo vệ lãnh thổ. Giống như những người từng khuyên quân đội nên thôi làm kinh tế, những đề nghị “phi chính trị hóa quân đội” bị đảng, bị quân đội, bị một số cơ quan ngôn luận, những cá nhân được trả lương để… hộ đảng thóa mạ đủ đường, kiểu như là luận điệu của bọn tôi tớ giả nhân, giả nghĩa, của giai cấp tư sản (7)!
***
Sau khi cử tri thành phố Đà Nẵng yêu cầu các đại biểu của họ tại Quốc hội thay họ chất vấn Bộ Quốc phòng, đòi nơi này xác định tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng phải chịu trách nhiệm như thế nào khi có hàng loạt cán bộ, tướng lĩnh của quân đội vi phạm pháp luật, đầu năm nay, Bộ Quốc phòng gửi văn bản trả lời chất vấn vừa kể, đại ý: Các tướng lĩnh quân đội bị xử lý không phải do tham nhũng.
Theo Bộ Quốc phòng, các sĩ quan cao cấp vi phạm pháp luật và đã bị kỷ luật chỉ vì “buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các quy định của nhà nước, của quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng”, những vi phạm ấy “tập trung chủ yếu ở các nhiệm kỳ 2005 – 2010, 2010 – 2015” và quân đội đang tiếp tục “xây dựng, chỉnh đốn đảng, kiểm soát quyền lực, ngăn chặn – đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ‘lợi ích nhóm’, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” (8)?
Có bao nhiêu người tin rằng, việc các ông tướng là chỉ huy đủ mọi quân chủng (lục quân, hải quân, không quân), quân khu, quân đoàn,… thi nhau bán công thổ dành cho quốc phòng với giá rẻ như cho, khiến công quỹ mất hết ngàn tỉ đồng này đến ngàn tỉ đồng khác đều chỉ là ““buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm” đối với “đất quốc phòng”? Trong bối cảnh như hiện nay, vì sao quân đội chỉ nỗ lực “xây dựng, chỉnh đốn đảng, kiểm soát quyền lực, ngăn chặn – đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ‘lợi ích nhóm’, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trong nội bộ” chứ không phải là nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền quốc gia?
Chú thích
(3) https://tuoitre.vn/do-doc-nguyen-van-hien-vi-pham-trong-quan-ly-dat-quoc-phong-20190505095736723.htm
(4) http://dantri.com.vn/blog/mung-vi-quan-doi-se-khong-lam-kinh-te-20170626040806638.htm