Nguyễn Hùng – VOA
Vụ ông Hồ Duy Hải bị bắt rồi kết án tử hình trong nghi án giết hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở Long An xảy ra đã được 12 năm. Việc Hội đồng Thẩm phán đồng loạt bác kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, khiến hành trình tìm công lý của gia đình ông Hồ Duy Hải đang đi vào ngõ cụt. Quyết định đồng loạt của toàn bộ 17 thẩm phán cũng gây ra hàng loạt các câu hỏi về tư cách của các thẩm phán và hệ luỵ của quyết định họ đưa ra với nền công lý vốn đã què quặt sẵn ở Việt Nam. Dưới đây là 10 vấn đề trong đó có những điều mà người có tư duy bình thường là đã không phạm phải và nó cho thấy suy nghĩ bất thường của cả 17 thẩm phán.
1. Chủ toạ phiên giám đốc thẩm chính là người từng quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Hải khi lên làm viện trưởng Viện kiểm sát hồi năm 2011. Kể từ năm 2016 tới nay ông Nguyễn Hoà Bình là Chánh án Toà án nhân dân tối cao và là người chủ trì trong ba ngày xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải hồi đầu tháng 5/2000. Các luật sư đã nói luật pháp không cho phép làm vậy vì điều ông Bình bác hồi năm 2011 lại vẫn là cùng vấn đề mà ông đứng ra chủ trì quyết định trong phiên giám đốc thẩm. Một người có suy nghĩ và đạo đức trung bình cũng đã phải tự từ chối ngồi vào ghế chủ toạ vì như vậy là vừa đá bóng vừa thổi còi. Nhưng giả sử một người khác ngồi vào ghế đó và ra quyết định huỷ án sơ thẩm và phúc thẩm thì vị trí chánh án của ông Bình có lung lay không khi ông từng có quyết định ngược lại?
2. Lý do nữa càng khiến ông Bình phải từ chối tham gia hội đồng thẩm phán là vị trí mà ông có không những chỉ trong Ban chấp hành trung ương đảng mà còn cả trong Ban bí thứ trung ương khoá XII. Trong chế độ đảng trị như ở Việt Nam, một người có ảnh hưởng chính trị như vậy mà không chi phối công lý mới là điều lạ. Dĩ nhiên đòi hỏi này cũng là lạ trong môi trường hiện nay ở Việt Nam.
3. Không chỉ ông Bình mà toàn bộ 16 thẩm phán khác cũng đều giơ tay ủng hộ khiến toà án thắng áp đảo viện kiểm sát, cơ quan muốn huỷ các bản án và điều tra lại. Đây chẳng khác gì một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của 16 vị thẩm phán với sếp nhiều quyền năng của mình. Và tỷ lệ phiếu ủng hộ cao, nhiều khi tới 100% như trong trường hợp này, không phải là điều gì lạ ở Việt Nam. Nhưng nó cũng cho thấy tình trạng cả nước cái gì cũng tưởng là nhiều nhưng chung quy lại mỗi ngành cũng chỉ có một ông hét ra lửa mà thôi. Và các ông lắm khi cũng chỉ là “lợn con” trong mắt các uỷ viên Bộ Chính trị.
4. Sự xảo ngôn của các thẩm phán trong phiên giám đốc thẩm đã lên tới trình độ tối cao. Vụ việc có những vi phạm tày trời trong quá trình điều tra như không thu giữ tang chứng quan trọng, không xử lý kịp thời những gì phát hiện được tại hiện trường trong đó có vết máu để trong nhiều tháng không xét nghiệm hay nhiều dấu vân tay có thể đã bị bỏ sót. Nhưng những sai phạm nghiêm trọng này được nói giảm xuống thành “sai sót” bởi vì nếu nói đó là những vi phạm nghiêm trọng thì họ sẽ phải có quyết định khác đi.
5. Hành xử đúng mực và đúng quy trình pháp luật là điều cần thiết để đảm báo niềm tin vào hệ thống công lý. Ngay cả chỉ là những sai sót thông thường đáng ra cũng đủ để một vụ án phải bị huỷ vì chính những người thực thi pháp luật mà còn sai thì làm sao đủ tư cách để điều tra. Tại Anh hàng trăm vụ điều tra đã phải huỷ bỏ trong năm 2017 chỉ vì cảnh sát không thông báo cho luật sư của các bị can những bằng chứng có lợi cho bị can. Trong những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng như vụ Hồ Duy Hải, người ta thậm chí có thể phải sửa luật nếu luật không đảm bảo mang lại công lý.
6. Người Việt nói “sai một ly đi một dặm”. Trong vụ Hồ Duy Hải, quá trình điều tra có nhiều sai sót tới mức có thể nói sai vạn ly đi vặn dặm nên kể cả chỉ là sai sót nhưng số lượng quá nhiều trong một vụ án vô cùng nghiêm trọng cũng đủ để phải điều tra lại.
7. Trong các vụ án có án tử hình, các bằng chứng phải được coi trọng hơn lời khai của bị cáo và các nhân chứng. Điều này càng đúng hơn khi tình trạng bức cung, mớm cung, mớm lời khai không còn là điều gây bất ngờ trong quá trình điều tra và xét xử ở Việt Nam. Các thẩm phán đều coi trọng lời khai của Hồ Duy Hải tự buộc tội chính mình để phán rằng Hồ Duy Hải có tội. Tư duy ấu trĩ này hoàn toàn khó chấp nhận khi Việt Nam đã công nhận quyền không buộc phải khai báo và không buộc phải nhận tội.
8. Viện kiểm sát khẳng định các cơ quan thực thi công lý đã “có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng”. Họ chỉ ra một số vi phạm nghiêm trọng đó như “bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa ra một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ”. Không rõ vì lý do gì ông Bình không thấy những vấn đề này khi chính ông là lãnh đạo cao nhất ở Viện kiểm sát trong giai đoạn 2011-2016 trước khi trở thành lãnh đạo cao nhất ở ngành toà án như hiện nay.
9. Không có bất cứ mẫu ADN nào như dấu vân tay, tóc, máu… của Hồ Duy Hải được phát hiện tại hiện trường. Đây hiển nhiên là những chứng cứ rõ ràng nhất và không phải là không có lý do để cho rằng có các mẫu ADN đó tại hiện trường, ít nhất là dấu vân tay. Trong các ảnh chụp hiện trường người ta đã nhìn thấy cái thớt được dùng để đánh nạn nhân cũng như chiếc ghế “hung thủ” từng cầm. Những đồ vật này và thậm chí cả con dao xuất hiện ở hiện trường đều không được cơ quan công an thu giữ. Sau này họ phải đi mua dao, thớt thế vào cũng như lấy một chiếc ghế khác làm tang vật. Đây là những sai lầm chết người trong quá trình điều tra mà chỉ có những điều tra viên không có nghiệp vụ mới mắc phải. Những mẫu ADN thu được từ hiện trường từ hàng chục năm trước cách đây hai năm đã giúp cảnh sát Hoa Kỳ bắt được nghi phạm lẩn trốn trong nhiều năm sau khi giết 12 người và hãm hiếp 45 phụ nữ ở bang California trong giai đoạn 1976-1986.
10. Hội đồng Thẩm phán rõ ràng thà để ông Hồ Duy Hải cùng gia đình đi vào ngõ cụt thay vì chính ngành toà án của họ đi vào ngõ cụt. Điều này thể hiện ở một câu hỏi mà họ đưa ra với đại diện Viện kiểm sát trong phiên giám đốc thẩm trong ba ngày xét xử: “Viện kiểm sát cho rằng việc không thu giữ vật chứng, không rõ mẫu máu, nhóm máu… là những vi phạm nghiêm trọng. Vậy nếu giả sử hội đồng chấp nhận hủy bản án đó đi thì những nội dung này có khắc phục được không?”. Đây có lẽ chính là mấu chốt của vấn đề. Nếu huỷ án và điều tra lại, vụ án có nhiều khả năng sẽ khép lại mà không có ai phải chịu trách nhiệm cho vụ giết hai phụ nữ. Và có lẽ các thẩm phán cho rằng xử oan đỡ tệ hơn là không có ai để xét xử vì các điều tra viên đã làm việc kém cỏi tới mức nếu phải xét xử lại từ đầu người ta sẽ không đủ bằng chứng để kết tội bất cứ ai. Đây có lẽ cũng là điều khiến ngành công an trước đó cũng khẳng định họ đã điều tra đúng người đúng tội. Điều này có khác gì các điều tra viên khiến ông Nguyễn Thanh Chấn, người cũng từng nhận giết người, bị kết án oan khẳng định cho tới cùng rằng “không biết mình sai chỗ nào”. Cả 17 vị thẩm phán giờ cũng đang khẳng định như thế thôi dù về lý thuyết trình độ của họ cao hơn nhiều.