Bợm lại gặp bợm

- Quảng Cáo -

 

Khi cả thế giới đang hết sức quan tâm và lo lắng cho việc chống đại dịch bởi virus Vũ Hán gây ra, nhà cầm quyền Trung Quốc đã lợi dụng tình trạng đó để tiến hành nhiều hành động truyền thống của mình cho chính sách bành trướng trên Biển Đông.

Ngày 2/4/2020, tàu cá QNg-90617 TS với 8 ngư dân, đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Những ngư dân này làm nghề lặn biển, ban ngày làm việc và đêm ngủ, khoảng 3 giờ sáng thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm và bắt lên tàu.

Ngày 18/4/2020, Chính phủ Trung Quốc đã thông qua quyết định thành lập cái gọi là huyện đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa. Đây là đơn vị hành chính mà Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập vào năm 2012 để quản lý “Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa” – cách Bắc Kinh gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

- Quảng Cáo -

Ngày 19/42020, Bộ Dân chính Trung Quốc tự tiện công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” của hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông, bao gồm những thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Những hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc nhằm thực hiện chính sách xâm lược không hề giấu diếm với lãnh thổ Việt Nam ngày càng dồn dập và trắng trợn.

Chuyện tàu của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc quấy rối, đâm chìm, bắt người thậm chí bắn chết trên Biển Đông đã là chuyện thường xuyên xảy ra cả chục năm nay.

Những vụ việc này liên tục tăng dần theo thời gian cùng với chính sách bành trướng của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng và đặc biệt là vùng Biển Đông của Việt Nam. Không chỉ là việc cho hàng vạn tàu đánh cá kiêm lực lượng dân quân biển tràn xuống vùng biển Việt Nam, mà việc quấy rối, phá hoại các hoạt động thăm dò dầu khí, can thiệp vào các hợp đồng thăm do dầu khí của Việt Nam những năm gần đây cũng ngày càng gia tăng.

Đặc biệt, sau những hành vi đó, thì việc nhà cầm quyền Trung Quốc tiến hành các hành động thăm dò dầu khí, di chuyển dàn khoan đến thềm lục địa của Việt Nam cũng dần dần tăng cường về tần suất và quy mô.

Điều mà người ta thường thấy, là trước những hành động ngày càng ngang ngược của phía Trung Quốc, thể hiện ý chí xâm lược dai dẳng và ngày càng trắng trợn, thì phía chính quyền Việt Nam hầu như chỉ biết im lặng, hoặc phản đối lấy lệ chỉ nhằm bảo vệ “tình hữu nghị”, bảo vệ mối quan hệ “4 tốt” được thể hiện bằng “16 chữ vàng” mà nhà cầm quyền Việt Nam vẫn cố bám lấy.

Điều đó đồng nghĩa với việc thống nhất hành động với những thỏa thuận cấp cao giữa đảng CSVN và đảng CS Trung Quốc rằng: “Lấy đại cục làm trọng”.

Thực chất cái “đại cục” ấy là gì?

Đó là cả hai nước vẫn chung nhau một nền tảng là tư tưởng cộng sản và chủ nghĩa quốc tế vô sản làm nòng cốt. Ở đó, quy định “khi lợi ích dân tộc xung đột lợi ích của phong trào cộng sản quốc tế, thì người cộng sản phải hy sinh lợi ích dân tộc”.

Có điều, việc xung phong hy sinh lợi ích dân tộc được đảng CSVN thực hiện triệt để, còn đảng CSTQ thì lợi dụng điều này cho chính sách bành trướng của mình.

Những động tác khác lạ

Lần này, trước hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc, phía Việt Nam không chỉ có hành động như bao lần trước đây là cho người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên diễn đàn kéo cái băng rè cũ mèm: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa” hoăc im thin thít, chỉ để cho Hội nghề cá lên tiếng…

Trước đây, ngay khi nhà cầm quyền Trung Quốc giở đủ mọi trò của đám cướp biển trên Biển Đông, người dân khắp nơi yêu cầu đưa vấn đề ra Quốc Hội, thì Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội vẫn ung dung rằng “Biển Đông không có gì mới” – nghĩa là vẫn chính sách cướp biển và bành trướng của Trung Quốc như cũ, và điều đó là bình thường không cần bàn cãi.

Thế rồi, Nguyễn Phú Trọng lại hoan hỉ tự hào rằng: “Nếu có vấn đề trên Biển Đông thì làm sao chúng ta có thể ngồi đây bàn về đại hội đảng” – điều đó có nghĩa là chỉ vì cái đại hội đảng của mình, Nguyễn Phú Trọng đã sẵn sàng hy sinh lợi ích và lãnh thổ của đất nước cho giặc.

Do vậy, bao năm nay, mọi cuộc phản kháng của người dân biểu thị tinh thần yêu nước đều bị dập tắt và đàn áp tàn bạo.

Lần này, nhà cầm quyền Việt Nam còn dám gửi văn bản cho phía Trung Quốc phản đối hành vi cướp biển đối với ngư dân và đòi bồi thường.

Cũng lần này, nhà cầm quyền CSVN gửi công hàm đến Liên Hợp Quốc ngày 30/3/2020 để phản đối lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Đó là những hành động khác lạ của nhà cầm quyền CSVN đã đặt ra cho người dân những câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Giọng quen quen

Sau khi Việt Nam phản đối việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam, nhà cầm quyền Trung Quốc đã tuyên bố rất… hài hước, rằng: Tàu cá ngư dân Việt Nam đã tự đâm vào tàu hải cảnh Trung Quốc rồi tự chìm.

Còn khi Việt Nam gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc về vấn đề Biển Đông, nhà cầm quyền Trung Quốc cũng ngay lập tức gửi công hàm cho Liên Hợp Quốc về vấn đề này. Kèm theo đó công văn Phạm Văn Đồng cũng được đưa ra như một chứng cứ về việc chính quyền Việt Nam cộng sản đã công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc.

Chưa cần bàn đến việc đúng, sai trong những nội dung mà nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố, ở đây người ta nghe thấy những giọng điệu quen quen.

Người dân Việt Nam vốn xưa nay vẫn thường nghe những câu chuyện tương tự.

Chẳng hạn khoảng 21 giờ ngày 9/10/2018, anh Lê Hữu Thạnh, ngụ xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, điều khiển xe gắn máy chở theo bạn gái trên Tỉnh lộ 862 (thuộc xã Long Hòa, thị xã Gò Công) thì bị tổ CSGT phát tín hiệu bằng đèn pin dừng xe. Anh Thạnh cho biết: “CSGT cầm dùi cui băng ngang đường, dùng dùi cui đánh liên tục vào đầu, mặt và cổ tôi. Khi tôi ngừng xe lại bên đường, thấy tôi bị chảy máu nhiều thì CSGT không nói gì và lập tức bỏ đi”.

Thế nhưng, ngày 14/10, thượng tá Nguyễn Văn Mười Hai, trưởng Công an thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang), cho biết đã nhận được giải trình từ đại úy Huỳnh Minh Đức, cán bộ Đội CSGT và tổ công tác với nội dung là khi làm nhiệm vụ đã “va” gậy điều khiển giao thông vào một người điều khiển xe máy, khiến người này gãy xương mũi và xương hàm phải nhập viện điều trị.

Chẳng hạn, ngày 23/9/2016, nhà báo Quang Thế khi tác nghiệp đã bị công an Hà Nội đánh cho te tua, sưng mặt và vẹo sườn. Có đầy đủ video hình ảnh, thế nhưng Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội thì cho rằng: Đó không phải hành động đánh nhà báo, mà do cảnh sát “giơ chân hơi cao” và “gạt tay trúng má” nên nhà báo phải vào viện.

Sau màn phát biểu hài hước đầy thành tích này, ông Ngọc được phong hàm cấp tướng và lên làm Thứ trưởng Bộ Công an.

Việc nhà cầm quyền Trung Quốc trưng ra cái công hàm của Phạm Văn Đồng ký ngày 15/8/1958 công nhận tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải, nhà cầm quyền CSVN đã cứng họng và lấp liếm không hề nhắc đến trên phương tiện báo chí. Bởi đây là một bằng chứng bán nước rõ ràng của chính phủ Hồ Chí Minh.

Điều này làm người ta nhớ lại vụ nhà cầm quyền Hà Nội cướp đất của Giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm sứ của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội cách đây hơn chục năm. Khi nhà cầm quyền tổ chức cái gọi là “Đối thoại”.

Phía nhà thờ đã đưa ra đầy đủ giấy tờ, bằng chứng chứng minh tài sản này đã được mua bán hợp pháp trước khi cộng sản có mặt, và từ đó chưa hề có một chính sách chiếm hữu, cướp đoạt, thuê mượn nào từ phía nhà nước, thì ngược lại, nhà cầm quyền Hà Nội đã đưa ra các chứng cứ mà họ cho rằng có từ năm 1961.

Tuy nhiên, khi người ta xem các giấy tờ đó thì nó được chế tạo bằng phông chữ của máy vi tính hiện thời.

Ngay trong cuộc họp đó khi bị vạch trần, Vũ Hồng Khanh, đã không ngần ngại dặn cấp dưới công khai trước mặt mọi người: “Những cái gì không có lợi thì cất đi”.

Khi bị công luận và nhà thờ bác bỏ, nhà cầm quyền Hà Nội giở bài cùn bằng bạo lực để cướp bằng được những khu đất này bằng chó, cảnh sát.

Đã hơn chục năm qua, những mánh lới đó được diễn đi, diễn lại trên khắp đất nước này khi nhà cầm quyền cướp đất đai của dân, của tôn giáo và bất cứ ai sở hữu những khu đất có thể bán ra tiền bạc.

Những hành động đó, sử dụng bạo lực, luật rừng để chiếm cướp tài sản của người khác khi bất chấp lý lẽ, đã thể hiện một tư duy của người cộng sản: Lấy cướp làm đầu, lấy thế mạnh của bạo lực để hà hiếp kẻ yếu.

Hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc hôm nay trên Biển Đông, có thể khó hiểu với rất nhiều người khi mà một quốc gia, một đất nước tự xưng là chính nghĩa, là hùng mạnh lại dùng những món võ bẩn trong việc chiếm cướp bất chấp lý lẽ. Nhưng, với người cộng sản và những người đã quan tâm đến tình hình chính trị xã hội Việt Nam thời gian qua, thì chẳng có gì lạ.

Đó chỉ là câu chuyện “Bợm lại gặp bợm” trong kho tàng câu chuyện dân gian Việt Nam.

Ngày 24/4/2020

J.B Nguyễn Hữu Vinh

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here