Global Witness kêu gọi giới đầu tư rút vốn khỏi Hoàng Anh Gia Lai
Hôm 14/11/2013 tổ chức Global Witness có trụ sở tại Anh và Mỹ đã ra thông báo cáo buộc tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) không tuân thủ những cam kết giải quyết các vi phạm về môi trường và nhân quyền tại các đồn điền ở Cam Bốt và Lào. Tổ chức này cho rằng HAGL từ nay sẽ mang lại rủi ro về tài chính và uy tín cho các nhà đầu tư gồm Deutsche Bank và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), khuyến cáo họ nên rút vốn khỏi tập đoàn.
Thông cáo cho biết, vào tháng 5/2013, báo cáo điều tra của Global Witness mang tên « Những ông trùm cao su – Rubber Barons » cho thấy các đồn điền của HAGL tại Cam Bốt và Lào đã gây ra những thiệt hại về môi trường và xã hội, trong đó có việc lấy đất của cộng đồng địa phương và phá rừng. Cho dù HAGL cam kết giải quyết những vấn đề khẩn cấp này, nhưng theo Global Witness thì không thấy bất cứ một sự thay đổi nào.
Theo thông cáo, Global Witness đã ra hạn định sáu tháng cho HAGL và các nhà đầu tư vào tập đoàn này để giải quyết vấn đề. Sau cuộc gặp đầu tiên vào tháng Sáu, HAGL cho biết sẽ ngưng việc đốn gỗ và trồng cao su bốn tháng tại các đồn điền của mình, đồng ý đến thăm tất cả những làng bị ảnh hưởng để thảo luận và giải quyết những vấn đề mà người dân địa phương phải đối mặt.
Tuy nhiên, Global Witness đã phỏng vấn người dân cư ngụ tại bảy làng xung quanh các đồn điền của HAGL ở Cam Bốt vào tháng Tám. Tại ba làng, dân nói rằng vẫn chưa thấy HAGL đến, và bốn làng còn lại thì các đại diện của HAGL từ chối thảo luận về đất và rừng. Tại 6/7 làng người dân cho biết HAGL tiếp tục đốn gỗ ở bên trong và xung quanh các đồn điền cao su. Phân tích độc lập các ảnh vệ tinh chụp trong tháng Bảy và tháng Tám cũng cho thấy diện tích rừng xung quanh các đồn điền HAGL tiếp tục giảm.
Trong cuộc họp thứ hai với Global Witness vào tháng Chín, HAGL chấp nhận kiểm toán độc lập về các đồn điền cao su của mình. Tuy nhiên, tập đoàn không giữ lời hứa, mà quyết định tập trung cho những « chương trình xã hội », mà theo Global Witness là một dạng hoạt động quảng bá.
Global Witness cũng cho biết đang thương thảo với doanh nghiệp thứ hai của Việt Nam bị cáo buộc trong báo cáo « Những ông trùm cao su », là Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Dân bức xúc trước sự thiếu minh bạch, trong việc xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ
Đồng tình với chủ trương quy hoạch thực hiện xây dựng cụm dân cư dành cho những hộ dân vùng ngập lũ có được nơi ở mới an toàn (thuộc chương trình Cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2 của Chính phủ – PV) nhưng một số người dân thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cho biết họ rất bức xúc do cách làm vội vàng, thiếu minh bạch và công bằng của chính quyền.
Ông Lý Văn Ky (67 tuổi, ngụ khóm 3, thị trấn Mỹ An) cho biết, so với 21 hộ còn lại có đất “dính” vào dự án xây dựng Cụm dân cư thị trấn Mỹ An, hộ ông là một trong những hộ có diện tích đất bị thu hồi nhiều nhất, với gần 7.400m2, nhưng tổng số tiền được đền bù và hỗ trợ chỉ hơn 1,2 tỷ đồng”.
Có trường hợp khác như bà S đất bị thu hồi chỉ hơn 3.103m2 đất lúa nhưng được đền bù và hỗ trợ gần 1,6 tỷ đồng, khiến người dân không biết huyện đã căn cứ vào đâu để cho ra đời những quyết định thiếu tính công bằng, khó hiểu như thế”.
Không chỉ vậy, người dân còn bức xúc cho biết hầu hết đất của bà con sau khi bị thu hồi đất, phần còn lại bị cắt ra một cách manh mún. Như đất của hộ ông Ky bị cắt ra thành 4 thửa, nằm ở 4 góc, trong đó có 2 thửa nằm cặp mương lộ đường tỉnh 846.
Còn ông Lê Thái Tôn, có 4.605m2 đất “dính” vào dự án, trên phần đất của gia đình ông bị thu hồi, có nhiều mồ mả của ông bà, tổ tiên. Trong khi ông còn chưa rõ phương án bồi thường, hỗ trợ di dời mồ mả thế nào thì chính quyền cho tiến hành bơm cát, làm nền hạ cho dự án. Cũng may mà ông phát hiện kịp thời, yêu cầu dừng…
Người dân còn thắc mắc về chuyện dự án nằm một nơi nhưng chính quyền lại công bố pa nô công khai quy hoạch một nơi khác. “Khi chúng tôi thắc mắc con số 152 hộ thể hiện trong quyết định mà chính quyền định đưa vô cụm dân cư là ai thì chính quyền nói chưa bình xét. Trong khi đó, một DN may giày xuất khẩu đang xây cất hoành tráng gần đó làm ngày làm đêm. Chính điều này khiến một số người dân nghi ngờ là chính quyền cho hình thành khu dân cư này không phải là cho dân vùng lũ mà để bán nền cho nhu cầu của DN”.
Mỗi năm Việt Nam tốn 500 tỉ đồng cho công xa
Trong những năm gần đây, việc cán bộ sử dụng xe bảng xanh, tức công xa, đưa gia đình đi việc riêng như đám cưới, đám giỗ, đám ma, lễ chùa ngày càng rầm rộ. Mặc dù bị chỉ trích, phê phán công khai, nhưng tình trạng này có vẻ như không hề thuyên giảm.
Trong một phúc trình của nhà cầm quyền Việt Nam được báo mạng VTC trích dẫn cho thấy, chỉ riêng năm 2012, số công xa được mua mới lên tới 2,391 chiếc, trị giá tổng cộng 2,756 tỉ đồng, tương đương 137 triệu đôla.
Tính đến hết năm 2012, tổng số công xa của cả hệ thống hành chính Việt Nam lên tới 34,565 chiếc, trị giá tổng cộng 18,251 tỉ đồng, tương đương 912 triệu đôla. Ðó là chưa kể, theo chủ trương chung, mỗi chiếc xe bảng xanh chỉ được sử dụng trong vòng 10 năm thì coi như phế bỏ.
Việc lạm dụng công xa làm lãng phí tiền thuế của người dân không phải mới xảy ra, hầu như khó lòng ngăn chặn được. Từ năm 2006, tức 7 năm về trước, nhà cầm quyền đã cho áp dụng “thí điểm” khoán xe công, hô hào cán bộ đến sở làm mỗi ngày bằng xe ôm, xe taxi… Tuy nhiên, chủ trương này không được áp dụng, coi như thất bại hoàn toàn. Từ đó đến nay, yêu cầu giảm bớt chi phí sử dụng công xa… chỉ thấy được qua lời “khuyến khích, nhắc nhở, vận động là chính.”
Mới đây trong phiên họp hôm 12 tháng 11, các thành viên Quốc Hội CSVN thông qua dự chi ngân sách nhà nước năm 2014, trong đó có khoản cấm mua công xa để giảm thiểu ít nhất 300-500 tỉ đồng, tương đương 15-25 triệu đôla mỗi năm.
Trong khi đó, khoản thâm thủng ngân sách nhà nước Cộng sản Việt Nam năm 2014 được Quốc Hội hông qua lên tới 224,000 tỉ đồng, tương đương 11.2 tỉ đôla, chiếm 5.3% tổng sản phẩm quốc nội. Khoản chi dẫn đến thâm thủng nêu trên, được giải thích là “được sử dụng cho đầu tư phát triển và dành một phần để trả nợ.”
Các khu du lịch sinh thái ngày càng lỗ nặng
Phong trào xây khu du lịch sinh thái bùng nổ hồi năm 2010 đã làm mọc lên một loạt khu du lịch đầy đủ tiện nghi ở Việt Nam, đặc biệt tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Mỗi khu du lịch sinh thái bao gồm khu phòng nghỉ, khu vui chơi với các trò câu cá, tennis, đá banh, picnic, hát karaoke, xoa bóp…
Tại huyện Ðông Anh, Hà Nội, có khu du lịch sinh thái được khởi công xây dựng hồi năm 2008 với tổng chi phí lên tới 80 tỉ đồng, tương đương 4 triệu đô.
Ông NTT cho biết, khu sinh thái của ông chỉ đông khách trong vài tháng đầu hoạt động. Sau đó, khách thưa dần và chỉ trông mong vào dịp cuối tuần. Bây giờ thì kể cả cuối tuần cũng ít người lai vãng. Tiền thu được không đủ để trả công nhân viên.”
Một “chủ nhân ông” cũng tại huyện Ðông Anh, Hà Nội xác nhận thêm, hầu hết khu du lịch sinh thái ở huyện này đều lâm vào cảnh “èo uột,” thu không đủ bù chi.
Theo chân giới chủ nhân ông rao bán các ngôi biệt thự trị giá trăm tỉ ở các khu phố cổ, các đại gia Hà Nội cũng đang rầm rộ rao bán một loạt khu du lịch “sinh thái” ở Hà Nội và vùng phụ cận.
Tại các địa phương xa hơn, như Ðồng Mô và Yên Sơn, Ba Vì, Hòa Bình, Hưng Yên, các chủ khu du lịch sinh thái cũng đều lâm vào tình trạng tương tự. Các khu du lịch sinh thái ở Sóc Sơn, Gia Lâm, Hà Nội cũng cùng chung số phận. Tình trạng này kéo dài từ nhiều năm trở lại đây, buộc họ phải nghĩ đến việc rao bán khu du lịch của mình càng sớm càng tốt.
Bà Aung San Suu Kyi kêu gọi giới đầu tư chú ý đến cải cách chính trị
Hôm 14/11 vừa qua tại một diễn đàn kinh tế do Liên Hiệp Châu Âu tổ chức tại Miến Điện, nhà đối lập Aung San Suu Kyi, đã kêu gọi các nhà đầu tư ngoại quốc đang đổ tới nước này làm ăn không nên bỏ qua những thay đổi chính trị cần thiết ở Miến Điện.
Phát biểu trên diễn đàn “EU-Myanmar Task force” với sự tham dự của lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Catherine Ashton, bà Aung San Su Kyi tuyên bố : “ Ai đó khuyến khích phát triển kinh tế, đầu tư hay bất kỳ họat động nào khác ở Miến Điện mà bỏ qua sự cấp thiết phải sửa đổi Hiến pháp thì sẽ là thiếu thực tế ”.
Bản Hiến pháp hiện nay là một trở ngại chính cho bà Aung San Suu Kyi khi muốn ra tranh cử Tổng thống vào năm 2015. Vì Hiến pháp cấm công dân Miến Điện kết hôn với người nước ngoài nắm các chức vụ trong chính quyền, trong khi bà Aung San Suu Kyi có chồng là người Anh, nay đã qua đời.
Bên cạnh đó, mặc dù đến nay chính phủ Miến Điện đang cố gắng thực hiện cải cách đưa đất nước ra khỏi tình trạng cô lập với quốc tế sau nhiều thập kỷ dưới chế độ độc tài quân sự, nhưng Hiến pháp Miến Điện vẫn bảo đảm cho quân đội phải có 25% số ghế trong Quốc hội.
Nhà đối lập Miến Điện khẳng định quan điểm phát triển kinh tế phải dựa trên phát triển xã hội và chính trị của đất nước.