Ngày 16 Tháng Mười Hai, 1978, James Carter và Đặng Tiểu Bình ra tuyên cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai ngày sau, Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc họp quyết định thay đổi chính sách kinh tế, đưa nước Tàu bây giờ lên hàng thứ nhì sau nước Mỹ và không bao lâu nữa sẽ lên hàng đầu.
Nếu không mở cửa bang giao với Mỹ thì Trung Quốc không thể tiến nhanh như vậy. Cuộc giao thương có lợi cho cả hai bên, nhưng Trung Quốc được lợi về căn bản khi phát triển thị trường và tiếp nhận các kỹ thuật công nghiệp mới. Dân Mỹ thì chỉ được mua những quần áo cho đến máy giặt, cho tới điện thoại cầm tay giá rẻ vì “made in China.”
Nhưng Tổng Thống Donald Trump đã mở đầu cuộc chiến tranh mậu dịch, thay đổi cục diện. Từ năm 2020, cuộc đối đầu sẽ biến thành một cuộc chiến tranh lạnh, dù ai sẽ lên làm tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử. Cuộc chiến sẽ không chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế mà còn lan sang chính trị, ngoại giao, và rất có thể có xung đột quân sự.
Hai bên sắp ký một thỏa hiệp hưu chiến, một hành động gỡ thể diện cho cả Donald Trump lẫn Tập Cận Bình. Theo những lời hứa hẹn, trong hai năm tới Trung Quốc sẽ nhập cảng hàng hóa của Mỹ lên con số cao gấp đôi số thương vụ $188 tỷ năm 2017. Cũng trong năm 2017, nước Tàu nhập cảng $1,840 tỷ và nay còn nhiều hơn, cho nên nếu tăng lên cũng không khó gì. Nhưng cuộc chiến đã thay đổi từ căn bản, không chỉ là vấn đề mua bán hàng hóa nữa.
Khi ông Trump tuyên chiến bằng thuế quan đánh trên hàng hóa Trung Quốc, mục tiêu của ông là muốn giảm bớt khiếm hụt thương mại với nước Tàu. Lúc đó không ai nói đến tên công ty Huawei. Nhưng trong hơn một năm qua Huawei trở thành một biểu tượng của cuộc tranh chấp. Chính phủ Mỹ đã đặt công ty viễn thông này và 100 công ty nhỏ phụ thuộc vào sổ đen, với lý do an ninh quốc gia. Cuộc chiến mậu dịch đổi thành cuộc chiến xem nước nào chiếm thế thượng phong trong cuộc chạy đua công nghiệp tương lai.
Trong khi cuộc khẩu chiến giữa Whashington và Bắc Kinh về mậu dịch có lúc nóng lúc lạnh, dân chúng Mỹ càng ngày càng mất cảm tình với chính quyền Trung Cộng.
Trong Tháng Mười Hai, 2019, Pew Research Centre ghi nhận tỷ số người Mỹ mất thiện cảm với nước Tàu đã tăng lên tới 60% so với 47% vào năm ngoái. Người dân nghi ngờ và chính phủ đã hạn chế hoạt động của sinh viên và giáo sư Trung Quốc vì lo rằng, cũng như Huawei, họ đều phải theo lệnh đảng Công Nhân Trung Quốc.
Trong năm 2019 đã có 8 Viện Khổng Tử đóng cửa, ba viện khác sắp chấm dứt trong tháng đầu năm 2020. Năm 2017 có 103 Viện Khổng Tử hoạt động trong các đại học ở Mỹ, sẽ chỉ còn 85 viện.
Bang giao Trung-Mỹ đã thay đổi trên nhiều bình diện.
Những mặt trận mới mở ra ngoài phạm vi kinh tế khi các đại biểu Quốc Hội Mỹ thông qua các đạo luật về Hồng Kông và quyền làm người của dân thiểu số Uygur Hồi Giáo ở Tân Cương. Các vấn đề Đài Loan, Biển Đông trong vùng Đông Nam Á cũng được giới tướng lãnh Mỹ và Ngũ Giác Đài làm cho nóng hơn.
Cuộc chiến thương mại đã lan qua các lãnh vực có tính cách căn bản như cuộc chạy đua tiến bộ công nghiệp khi Mỹ ngưng hoặc đe dọa ngưng cung cấp hàng hóa thuộc loại kỹ thuật cao mà nước Tàu đang rất cần. Sau đó các vấn đề an ninh và chính trị toàn cầu đã nổi lên. Và cuối cùng, phải công nhận hai nước Mỹ và Trung Quốc khác nhau trên căn bản chính trị, một nước theo chế độ tự do dân chủ và một nước độc tài độc đảng. Do đó, cuộc ganh đua sẽ không phải chỉ để coi nước nào mạnh hơn mà trở thành một cuộc chạy đua để quyết định ý thức hệ nào sẽ ảnh hưởng trong thế giới trong tương lai.
Trong năm 2019, người ta thấy những xung đột cơ bản đó hiện rõ trong những cuộc thảo luận về mậu dịch, khi các thỏa thuận được hai bên đồng ý đã phải rút lại vì phía Trung Quốc nhìn ra rằng chịu nhượng bộ tức là chấp nhận thay đổi nền tảng chính trị của chế độ cộng sản.
Tổng Thống Donald Trump không phải một mình gây ra cuộc chiến này, ông chỉ là người đến đúng lúc nước Mỹ phải thay đổi cách ứng đối với Cộng Sản Trung Quốc. Bởi vì chính họ đã thay đổi trước.
Từ năm 1979, trong cuộc bang giao Trung-Mỹ, giới chính trị Mỹ giả thiết rằng quan hệ thương mại sẽ giúp nước Tàu giàu mạnh hơn mà hậu quả là, khi giới trung lưu khá giả hơn, đông hơn, chiếm đa số, thì chế độ cộng sản sẽ phải thay đổi. Trung Quốc sẽ hội nhập vào một thế giới một cách hòa bình mà không làm thay đổi trật tự có sẵn, với kinh tế thị trường và chế độ tự do dân chủ lan rộng khắp nơi.
Nhưng Chủ Tịch Tập Cận Bình đã buộc người Mỹ phải thay đổi.
Trong nước, ông Tập Cận Bình đã nắm giữ tất cả các chức quan trọng nhất trong đảng và nhà nước, nhiệm kỳ không còn bị giới hạn để ông ta có thể trị vì suốt đời với các danh hiệu không kém gì ông Mao Trạch Đông. Mới cuối Tháng Mười Hai, Trung Ương Đảng họp còn tặng cho ông ta thêm danh hiệu “Lãnh Tụ Nhân Dân.”
Từ khi lên nắm quyền, mục tiêu của ông Tập Cận Bình là bảo vệ quyền hành của đảng và do đó vẫn củng cố các doanh nghiệp nhà nước. Chính sách của Trung Cộng đối với những người có ý kiến độc lập, hô hào dân chủ, nhân quyền đã khắc nghiệt hơn. Dân thiểu số ở Tân Cương, Tây Tạng bị đàn áp tàn bạo hơn.
Bên ngoài, họ Tập bành trướng thế lực nước Tàu ra khắp thế giới, không phải bằng giao thương bình đẳng mà bằng cách đe dọa, mua chuộc, lũng đoạn, theo lối các đế quốc những thế kỷ trước.
Cả thế giới nhìn thấy không có hy vọng Trung Quốc sẽ trở thành một phần tử bình thường trong cộng đồng thế giới.
Cuộc chiến tranh lạnh không thể nào tránh khỏi. Đúng vào lúc kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu trì trệ, lý do chính là cơ cấu chỉ huy đến lúc hết khả năng, không thể nào kích thích phát triển được nữa.
Tuy sản lượng kinh tế có sẽ vượt qua nước Mỹ nhưng Trung Quốc còn đi sau nước Mỹ rất xa về nhiều mặt, quan trọng nhất là lợi tức bình quân mà mỗi người dân được hưởng. Nước Tàu còn chưa có một hệ thống an sinh xã hội như các nước tiên tiến. Trong khi Trung Quốc càng ngày càng nhiều già hơn và dân số bắt đầu giảm.
Trung Cộng cuối cùng sẽ đuối sức trong cuộc chiến tranh lạnh mới. Đảng Cộng Sản sẽ phải thay đổi chính sách kinh tế và chế độ chính trị. Đó là một điều may cho dân chúng Trung Hoa./.