Từ xưa nay tòa án dĩ nhiên dành đề xử kẻ vi phạm luật pháp. Qua điều tra cũng như bằng chứng phạm tội tòa sẽ dựa vào đề nghị của công tố mà đưa ra phán quyết một bản án phù hợp với Hiến pháp. Tòa án sẽ căn cứ trên những hành vi thành khẩn nhận tội, khai ra đồng phạm, giao nộp tang vật để có căn cứ xét giảm bản án như hình thức khuyến khích can phạm hợp tác với tòa án trong những vụ án hình sự. Tòa án hoàn toàn không có quyền miễn giảm án cho can phạm thông qua những đề nghị có tính chất chính trị hay đảng phái, tôn giáo.
Qua vụ án AVG đang diễn tiến những can phạm đều đã nhận tội và các bằng chứng mà cơ quan điều tra thu thập được chứng minh rằng đây là một vụ đại án có số tiền gian lận lên tới hơn 300 triệu USD. Bên đưa hối lộ là Phạm Nhật Vũ, một đại gia có tiếng vì vừa có tiền vừa có quyền thế thông qua người anh ruột là tỉ phú đô la Phạm Nhật Vượng. Là một doanh nhân Phạm Nhật Vũ còn là một người rất hào phóng chi tiền cho các cơ sở Phật giáo thông qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bên nhận hối lộ là hai bộ trường TT&TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Son khai nhận của Vũ 3 triệu đô la vì có công vận động trong việc mua bán AVG. Tuấn nhận của Vũ 200 ngàn USD như tiền lại quả vì có công móc nối, liên lạc để thương vụ mờ ám này được thành công.
Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án tử hình vì không thành khẩn trong việc khai báo, nhất là không giao nộp lại số tiển mà ông ta đã nhận từ Phạm Nhật Vũ. Trương Minh Tuấn do thành khẩn hoàn trả tiền lại quả nên Viện Kiểm sát đề nghị 13-14 năm tù giam. Chỉ có Phạm Nhật Vũ là được VKS ưu ái đề nghị 3-4 năm tù.
Bản án tuy chỉ trong giai đoạn đề nghị nhưng qua kinh nghiệm bấy lâu người dân biết rằng từ đề nghị tới bản án được tuyên sẽ không xê xích là bao. Tòa thường căn cứ vào đề nghị của Viện kiểm sát hơn là tự đưa ra một bản án theo kết quả do Hội đồng xét xử đưa ra nhằm góp ý với thẩm phán khi ra quyết định. Trong vụ án này người dân thấy rất rõ một điều sau lưng Phạm Nhật Vũ thấp thoáng bóng của ông anh tỉ phú Phạm Nhật Vượng, người nổi tiếng nắm giữ truyền thông Việt Nam còn mạnh hơn Ban tuyên giáo Trung ương. Báo chí đã giữ một vai trò quan trọng trong việc vận động dư luận cho ông Phạm Nhật Vũ khi loan tải những công đức mà ông Vũ đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm khơi dậy lòng trắc ẩn của Phật tử.
Mới đây một điều khá ngạc nhiên dành cho tòa án là một lá đơn với hơn 2000 chữ ký của nhiều nhân vật đa số thuộc các tổ chức Phật giáo xin tòa khoan hồng cho bị can Phạm Nhật Vũ vì ông này có công lao đóng góp cho Phật giáo và các tổ chức xã hội trong việc từ thiện.
Nội dung các đơn này đều khẳng định “trong 20 năm kinh doanh và sinh sống tại Việt Nam, ông Vũ âm thầm làm từ thiện và đã có đóng góp rất lớn cho các cá nhân, tổ chức xã hội với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Sau khi vụ án xảy ra, để thu thập các tình tiết giảm nhẹ, gia đình mới đi xin xác nhận giấy tờ từ các nơi được 1.300 tỷ, con số thực tế còn lớn hơn nhiều.”
Thêm nữa, theo kết luận của VKS trước tòa thì Phạm Nhật Vũ có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngày 29/6/2019, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có đơn ghi nhận ông Phạm Nhật Vũ có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội, trùng tu di tích lịch sử văn hóa… và lĩnh vực giao lưu mở rộng quan hệ Quốc tế của Giáo hội. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tình, thành phố cũng có đơn đề nghị xem xét cho bị cáo Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Kết quả của những cuộc vận động đã lôi ông Vũ từ bản án có thể lên tới 20 năm xuống còn 3 hay 4 năm khiến dư luận ngao ngán cho hành vi của VKS nói riêng và của Thẩm phán, Hội đồng xét xử vụ án nói chung. Nếu ông Nguyễn Bắc Son ăn hối lộ 3 triệu USD phải chịu án tử hình thì với số tiền mà ông Vũ kiếm được hơn 300 triệu USD tức là gấp 100 lần thì bản án của ông Vũ chỉ là một vết xước nhẹ, nó làm cho bộ mặt của tòa án trở nên hèn mọn và đầy ắp sự kinh tởm của người dân.
Công quả mà ông Phạm Nhật Vũ nếu có chỉ có lợi cho ông ta về phần tinh thần. Nếu ông ta lợi dụng công quả ấy làm điều bại hoại thì lẽ ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải tự cảnh tỉnh lấy mình để thấy rằng đồng tiền bất chính khi vào nhà Phật sẽ khiến cho tòa sen mà Phật ngồi sẽ héo úa tàn tạ bởi đồng tiền ấy được lấy cắp từ công sức, mồ hôi thậm chí máu và nước mắt của chúng sinh. Đại gia Việt Nam không ai làm từ thiện vì tận hiến mà có chăng họ làm như một cách hối lỗi, lại quả cho Phật nhằm vơi bớt những oán thán mà họ gây ra cho đồng bào.
Nếu Tòa án Nhân dân Hà Nội chấp nhận lá đơn của Hội đồng Chứng minh và Hội đồng trị sự Trung ương của Phật giáo Việt Nam thì bản thân tòa án đã vi phạm hiến pháp Việt Nam, vi phạm niềm tin vào công lý của nhân dân và hơn thế nữa nó chứng minh rằng tòa án không đủ bản lãnh, tư cách lẫn hiểu biết về luật pháp để mặc chiếc áo đen bệ vệ trước tòa nhưng đôi chân vẫn còn mang đôi dép râu cố hữu của tinh thần cách mạng hơn 70 năm về trước.
Trong cùng một vụ án, người có tiền, quyền lực, quan hệ được giảm nhẹ tới mức án tối đa sẽ gây thông lệ cho những đại án khác. Vì vậy Tòa án Nhân dân Hà Nội đáng được nhận lãnh một bản án để làm gương cho các tòa án khác khi xét xử những vụ án tương tự như vụ AVG về những sai trái nghiêm trọng mà nó nhân danh luật pháp để vi phạm./.