Kinh tế Việt Nam: Tăng trưởng ảo, vỡ nợ thực!

Share on print Việt Nam xuất khẩu "người lao động" năm sau nhiều hơn năm trước và tiếp tục là một "nhiệm vụ chính trị". Ảnh: Internet
- Quảng Cáo -

Tân Phong – Web Việt Tân

Bất động sản, con domino đầu tiên đổ xuống

Trái với những báo cáo và con số thống kê tăng trưởng GDP nhảy múa hỗn loạn từ 6,8% cho đến 7,2% và còn có khả năng tăng thêm hơn 25% nếu theo cách tính mới của Tổng Cục Thống Kê, bầu không khí ảm đạm đang bao trùm thị trường bất động sản Việt Nam. Kết quả kinh doanh xuống dốc không phanh khiến cho hầu hết các doanh nghiệp liên quan tới ngành nghề này đều đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản hoặc co cụm, cắt giảm chi phí và nhân sự.

Sự kiện tổ hợp Condotel cao cấp CocoBay đình đám nhất miền Trung đã chính thức “vỡ trận” có lẽ sẽ khởi đầu một loạt những dự án tỷ dollar tuyên bố phá sản để thoát khỏi áp lực trả “lãi cam kết” cho khách hàng. Hành động phủi tay sau khi đã ăn no của các cá mập cũng là điều không lạ nhưng một thực tế cần nhìn nhận là sức khỏe nền kinh tế đang giảm sút rõ rệt và khoảng cách giữa nhu cầu thực và những cơn đầu tư hoang tưởng là cả một vực sâu.

- Quảng Cáo -

Ngốn tới 31,7% nguồn vốn tín dụng của nền kinh tế (năm 2018) nhưng trong thực tế con số này có thể lớn hơn rất nhiều, bất động sản luôn là một trong 5 lĩnh vực quyết định sức khỏe nền kinh tế Việt Nam trong hai thập kỷ gần đây bên cạnh khai khoáng, xuất khẩu lao động, kiều hối và …vé số.

Một sự kiện khác gây nhiều sự chú ý dư luận trong năm 2019 là việc bắt giữ và truy cứu hình sự đối với ban lãnh đạo công ty bất động sản Alibaba mà những vi phạm luật pháp của tập đoàn này cho thấy công tác quản lý đất đai đang vô cùng hỗn loạn. Thực trạng này đã tồn tại từ hàng chục năm nay mà Alibaba chỉ là một ví dụ trong hàng ngàn công ty bất động sản làm ăn kiểu “40 tên cướp” như vậy. Tuy nhiên, có lẽ Alibaba là công ty có sự “phát triển” đột phá, rầm rộ nhất với chiêu thức đa cấp trên nền đất nông nghiệp qui mô lớn hàng trăm mẫu đất.

Cách thức làm ăn táo bạo này nếu không bị ngăn chặn thì chẳng mấy chốc sẽ chẳng còn mảnh đất nào để cho các đại gia thực sự ngành bất động sản và quan chức chính quyền chia nhau. Nếu nói về bản chất, thì từ CocoBay của Nguyễn Đức Thành tới Alibaba của Nguyễn Thái Luyện là giống nhau. Nạn nhân cuối cùng thì luôn là những con mồi tham lam. Thị trường bất động sản Việt Nam đã phát triển đến bước cuối cùng của mô hình Ponzi và thực tế không thể tránh né là thị trường… không còn tiền nữa.

Năm 2019, các đợt thanh kiểm tra trong chiến dịch “đốt lò” của ông tổng Trọng vô hình chung đã “rút dây, động rừng” khiến cho các dự án bất động sản đình trệ, nguồn cung ở một số địa phương sụt giảm mạnh trong đó TP.HCM là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất. Lượng cung thị trường và giao dịch ở thành Hồ đều giảm tới 80% so với năm trước đó. Năm 2018, ngân sách thành phố có nguồn thu từ đất khoảng 22.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,32% tổng thu.

Đến thời điểm hiện tại, thu từ đất tại TP.HCM chỉ bằng 40% so với năm 2018. Ở đỉnh tăng trưởng bất động sản phía Bắc, Hà Nội ghi nhận mức thu từ đất tính đến Tháng Mười, 2019 giảm chỉ còn 63,9% so với cùng thời điểm năm 2018. Nhận định chung là toàn quốc, thu ngân sách từ đất năm 2019 sẽ chỉ còn 60% so với năm 2018. Có lẽ, việc hụt thu một khoản tiền lớn như vậy đã khiến cho nhà cầm quyền bấn loạn và chấp nhận chơi canh bạc cuối cùng là thông qua luật đặc khu kinh tế hầu mong cứu vãn “ngân sách đang như dòng sông đã cạn” vào cuối 2019, bất chấp các hậu quả lâu dài về an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

Khi không còn dầu để khoan

Trong lĩnh vực khai khoáng, dầu khí vẫn là trụ cột. Trong năm 2018, thu ngân sách từ Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) đạt 121.300.000 tỷ đồng tương đương với 8,54% thu ngân sách. Năm 2019, do giá dầu thế giới tăng nhẹ so với năm 2018, kỳ vọng là mức thu ngân sách từ dầu khí sẽ chiếm khoảng 9% thu ngân sách. Tuy vậy, việc hụt thu lớn từ đất khiến mức tăng trưởng bấp bênh của ngành dầu khí không đủ sức bảo đảm cho cân đối tài chính quốc gia được bao nhiêu.

So với thời kỳ đỉnh cao khi dầu khí chiếm tới 30% thu ngân sách thì rõ ràng mức giảm xuống chỉ còn khoảng 8-9% khiến cho những tính toán “một tấc đến giời” của giới chức cầm quyền hoàn toàn phá sản. 7 tỷ USD mà PVN đã vứt xuống biển Venezuela, Peru, Congo, Iran… vào các dự án như Junin 2 trong giai đoạn Đinh La Thăng làm chủ tịch tập đoàn đã “một đi không trở lại”. 11/13 dự án liên doanh đầu tư nước ngoài đều báo lỗ, phá sản và để trả hết những khoản nợ đó thì chắc chắn cần hàng thế kỷ “nghiêm khắc rút kinh nghiệm”.

Một thực tế là sẽ “không còn mùa xuân” khi giá dầu tăng tới 100 USD/thùng do nguồn cung thế giới dư thừa vì sản lượng khai thác dầu đá phiến tại Mỹ tăng đột biến. Trong khi đó, các mỏ dầu Việt Nam sắp cạn kiệt. Trữ lượng dầu được ghi nhận ở mỏ chủ lực như Bạch Hổ theo chuyên gia Vietsopetro tính toán, chỉ tới 2023 sẽ… không còn dầu để khoan. Nếu điều đó xảy ra, sẽ là thảm họa cho nền kinh tế sau hơn 4 thập kỷ vẫn phụ thuộc vào khai khoáng và xuất khẩu tài nguyên thô. Các mỏ dầu khí mới, có trữ lượng cao như Cá Rồng Đỏ, Lan Đỏ, Cá Voi Xanh …có lẽ, vẫn phải chờ quyết định “cho phép” của Bắc Kinh?

Xuất khẩu lao động vẫn tiếp tục là nhiệm vụ chính trị?

Nếu so với hai lĩnh vực bất động sản và dầu khí, rõ ràng nguồn thu từ lĩnh vực “xuất khẩu lao động” – một khái niệm thô bỉ, thiếu nhân tính của nhà cầm quyền Việt Nam mà Tổ chức Lao Động Thế Giới (International Labour Organization – ILO) phải khuyến nghị sử dụng khái niệm thay thế vì “con người không phải là hàng hóa” – có tính “bền vững” hơn nhiều. Số lượng lao động “xuất khẩu” năm 2019 có thể vượt mức 120.000 người và theo như những công bố trước đây, thì lực lượng lao động này mỗi năm đem về cho Việt Nam khoảng 6 tỷ USD/năm. Con số này trong vòng 15 năm qua đã gia tăng nhanh chóng với mức tăng trưởng trung bình 10-15%. Ít nhât khoảng 20% số lao động này sau khi hết hạn hợp đồng đã tìm mọi cách để ở lại bất hợp pháp.

Bên cạnh lực lượng lao động đi theo đường chính ngạch thì một lực lượng lao động “chui” rất lớn đã được “xuất khẩu” sang các nước Tây Âu bằng… container đông lạnh, kết hôn giả, du lịch và du học sinh. Thảm họa xảy ra tại Essex, Anh Quốc khi 39 người Việt Nam chết cóng trong một chiếc xe container là sự kiện khiến Châu Âu bắt buộc phải tiến hành những điều tra đầy đủ về các đường dây đưa lậu người tầm cỡ quốc tế mà Việt Nam là cái tên xếp đầu bảng trong lĩnh vực vô đạo đức này. Nhà cầm quyền Việt Nam coi “xuất khẩu lao động” là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quyết định sức khỏe nền kinh tế.

Trong hai thập kỷ gần đây, việc “xuất khẩu lao động” theo đường chính ngạch và cả “tiểu ngạch” bằng container đã đem lại nguồn ngoại tệ khổng lồ cho các quan chức cộng sản bên cạnh nguồn kiều hối dồi dào của các “khúc ruột ngàn dặm” gửi tiền về nước. Tất cả các đại sứ quán Việt Nam và hệ thống an ninh hải ngoại đều tham gia việc đưa người trái phép nhập lậu vào tất cả các quốc gia trên thế giới như Anh, Đức, Pháp, Nga, Úc, Canada…

Mạng lưới tuyển dụng trực tiếp “người rơm” từ các tỉnh thành Việt Nam do bên xã hội đen làm “cò” và cho vay nặng lãi các gia đình có nhu cầu. Giới chức địa phương gián tiếp tham gia “định hướng”, khuyến khích người dân bằng các phương thức tuyên truyền. Các “đầu nậu người” đều do phía an ninh Việt Nam điều phối và quản lý. Đây là một hệ thống tinh vi, khép kín có sự điều hành của những chóp bu trong bộ máy công an và nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam.

Tuy nhiên, “sự cố đáng tiếc” 39 nạn nhân tại Anh chắc chắn sẽ làm cho hệ thống đưa lậu người qui mô quốc gia này của Việt Nam bị Liên Âu phanh phui trong tương lai và khi đó cả thể giới sẽ được rõ hơn bộ mặt “do dân và vì dân” của Hà Nội. Trước mắt, nguồn lợi từ việc “xuất khẩu lao động” chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và đó là điều mà CSVN rất lo ngại.

Khúc ruột ngàn dặm hay cái phao cứu sinh cuối cùng

Được công bố con số kiều hối năm 2018 lên tới 18,9 tỷ USD, nhưng các căn cứ của số liệu này thì hoàn toàn mù mờ, bất khả tín. Giờ đây, Ngân Hàng Thế Giới WB sẽ công bố số lượng kiều hối của Việt Nam thay vì Bộ Tài Chính hay Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam? Được biết, WB vừa đưa ra con số ước tính kiều hối của Việt Nam năm 2019 là 16,68 tỷ USD tương đương 6,4% GDP.

Nhưng nếu tính tỷ lệ kiều hối/đầu người thì Việt Nam là số 1 (16,68 tỷ USD/96 triệu dân = 173,7 USD/người) vượt xa Ấn Độ (82,2 tỷ USD/1,39 tỷ dân = 59,13USD/người) và Trung Quốc (70,3 tỷ USD/1,386 tỷ dân = 50,72 USD/người). Nếu so về giá trị tuyệt đối thì lượng kiều hối của Việt Nam tính trên đầu người gấp hơn 3 lần so với Trung Quốc và Ấn Độ.

Nguồn ngoại tệ từ kiều hối hiện nay có ý nghĩa sống còn trong cán cân hối đoái của Việt Nam và là số “tiền tươi”, trực tiếp bơm vào nền kinh tế mà không phải trả bất cứ khoản lãi và điều kiện nào. Nguồn kiều hối của Việt Nam đã tăng không ngừng, hơn 16 lần so với thời điểm năm 2000 và nó là nguồn máu, trụ cột cuối cùng giúp cho nền kinh tế èo uột có cái đuôi XHCN này không bị sụp đổ. Tuy nhiên, phần lớn kiều hối của Việt Nam lại được đổ vào lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng. Số tiền này giúp cho đời sống người dân được thoải mái hơn song không là động lực phát triển nền kinh tế.

Những tín hiệu đáng lo ngại khác

Qui mô đầu tư ngoại teo tóp nhanh chóng

Tăng trưởng đầu tư ở khu vực doanh nghiệp vốn FDI trong thời gian 2 năm qua đang giảm nhanh. Nguồn vốn ngoại đã giảm tới 37,4% so với năm 2018 và các dự án mới đều có qui mô nhỏ chỉ vài triệu USD, không có công nghệ cao. Chiếm tới hơn 70% giá trị hàng hóa dịch vụ xuất cảng trong tổng số 243,5 tỷ USD của Việt Nam năm 2018, nhưng những gì mà Việt Nam nhận được từ khối kinh tế có vốn đầu tư ngoại quả thực rất ít ỏi. Điều đáng kể nhất mà doanh nghiệp FDI đem tới là giải quyết nhu cầu lao động.

Tuy vậy, hạ tầng và hệ thống công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam quá yếu kém, cùng với nạn tham nhũng tồi tệ khiến cho doanh nghiệp ngày một nản lòng và dù rất nhiều tập đoàn kinh tế phương Tây đang rời bỏ Trung Quốc do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ-Trung, thì điểm đến của các doanh nghiệp này lại không phải là Việt Nam. Điều này hoàn toàn trái với mong đợi của nhà cầm quyền Việt Nam.

Tụt hạng xếp hạng tín nhiệm tín dụng quốc gia

Một sự kiện đáng chú ý cuối năm 2019 là Standard & Poor’s xếp hạng tín dụng nội tệ của Việt Nam từ BB xuống BB- vì lý do Việt Nam chậm thanh toán một số khoản vay do chính phủ bảo lãnh cho một số doanh nghiệp nhà nước trước đây. S&P vẫn giữ xếp hạng đối với tín dụng ngoại tệ và nợ ngắn hạn (nội và ngoại tệ) của Việt Nam ở mức BB- và B. Triển vọng đối với tất cả các mức xếp hạng đều được đánh giá là tiêu cực. Theo S&P, điều này phản ánh sự quan ngại về những bất ổn của nền kinh tế và thị trường tài chính ngắn hạn.

Nếu xâu chuỗi hai thông tin này lại với nhau thì có thể thấy một thực tế là Việt Nam không còn là điểm đến của những dòng đầu tư mang tính chất dài hạn, có hàm lượng công nghệ cao nữa. Mức độ rủi ro thị trường đã hiện thị rất rõ ràng và giới đầu tư quốc tế đang lánh xa một quốc gia đang chìm sâu vào khủng hoảng cận kề.

Cho dù những bản báo cáo kinh tế và tài chính có được tô son, trát vàng thì bản chất của nền kinh tế cùng với những con số Nợ/Có trên bản kế toán của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế vẫn không thay đổi.

Cho dù những chỉ số VN-index trên sàn chứng khoán Việt Nam có nhảy lên tới 1000 điểm hay 10.000 điểm thì bấy lâu này đã trở thành nơi tung hứng của mấy ngân hàng thương mại do nhà nước chi phối với giới “cá mập” lũng đoạn thị trường. Nó chỉ giúp cho giới siêu giàu ở Việt Nam giàu thêm bằng tiền lừa đảo được của những nhà đầu tư “ngây thơ vô số tội” tham lam và hoang tưởng. Nền kinh tế 4.0 này có tính chất “hên xui” hệt như việc mua tấm vé số “sáng mua, chiều xổ” và tỷ lệ ăn may là 1/1.000.000. Dù cho con số tăng trưởng GDP nếu được ông Phúc tính lại, nhảy vọt tới 12% thì tin tôi đi, mua vé số còn có cơ thắng chứ nền “kinh tế kiến tạo” này thì chỉ có vỡ nợ và xuống hố cả nút mà thôi.

12/12/2019

Tân Phong

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here