Ngày 19/10/2013, ban Tuyên giáo Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc vừa ra một thông cáo cho hay kể từ hạ tuần tháng 10/2013, tất cả các ký giả tại nước này phải đi qua một khóa tu nghiệp có tên là ‘’Quan điểm truyền thông của chủ nghĩa Marx’’. Khóa tu nghiệp này sẽ được tổ chức tại nhiều địa điểm trên cả nước mà đối tượng bắt buộc phải tham dự là 25 vạn ký giả đang hành nghề. Thông báo này cho biết mục đích của khóa tu nghiệp là để cho tất cả ký giả hiểu thêm về lịch sử hầu nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng CSTQ liên quan đến vấn đề tranh chấp tại “biển Hoa Nam”, “biển Hoa Đông”, nhằm phản bác lại những lập luận của Việt Nam, Philippines và Nhật Bản. Bản thông báo còn nhấn mạnh sau khóa chọ sẽ có phần thi bài thu hoạch. Ai thi rớt sẽ phải học lại nếu muốn được tái cấp thẻ hành nghề vào đầu năm tới.
Mặc dù khóa tu nghiệp chưa bắt đầu, nhưng báo chí Nhật Bản đã thu thập được một phần lớn nội dung sẽ giảng dạy. Theo các bài bản này thì từ nay ký giả Trung Quốc không được trích dẫn những lời phát biểu về chủ quyền lãnh thổ từ phía đang có tranh chấp với Trung quốc. Cụ thể như không được trích lời bất cứ ai phát biểu rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam; hay bãi cạn Scarborough (có tên tiếng Việt là Hoàng Nham) của Philippines; hay Senkaku (Điếu Ngư) là của Nhật Bản. Có đoạn trong bài ghi rõ trách nhiệm của ký giả: “Phải làm sao cho người dân Trung quốc và thế giới thấy việc Nhật Bản đang cố ra sức chiêu dụ các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines đứng về phía họ để chuẩn bị gây chiến với chúng ta, tức là muốn phá hoại nền hòa bình, ổn định trong vùng”.
Các ký giả cũng phải học cách viết bài tấn công Nhật Bản cho có lớp lang và hiệu quả hơn. Cụ thể như phải đả kích ông Abe, Thủ tướng Nhật, là thành phần hữu khuynh cực đoan, muốn đưa nước Nhật trở lại thời đại Phát-xít Nhật. Cùng lúc, báo đài Trung Quốc tuyệt đối không được đề cập gì đến những lời phát biểu của ông Abe về việc tôn trọng hòa bình, muốn phát triển quan hệ ngoại giao, kinh tế… hơn nữa với Trung quốc. Tài liệu này khẳng định luôn: “… vì đó là những lời giả dối của Abe để đánh lừa dư luận thế giới, kể cả người dân Trung quốc chưa hiểu gì về ý đồ đen tối của bọn Nhật cực hữu”.
Riêng đối với Hoa Kỳ, tài liệu giảng dạy của Ban Tuyên giáo đòi buộc giới ký giả Trung Quốc phải chỉ trích những kẻ cầm quyền ở Washington rằng: “chúng đang muốn chuyển trọng tâm chiến lược sang Á châu để cùng chư hầu của chúng bao vây Trung quốc”.
Đối với các “nhóm thù địch dưới danh nghĩa tổ chức nhân quyền hay dân chủ, đang công kích, phủ nhận quyền cai trị của đảng Cộng sản Trung quốc,” tài liệu căn dặn, “thì dứt khoát chúng ta phải quyết chiến đến cùng. Mới đây nhất, ngay tại Trung quốc có những kẻ chủ trương Hiến Chính, tức là muốn Hiến pháp phải đứng trên Đảng cũng là đối tượng mà truyền thông chúng ta phải tập trung đánh cho bọn này gục vì đây là mầm móng gây ra diễn biến hòa bình”.
Tưởng cũng nên nhắc lại là từ tháng 5/2013, nhiều đảng viên cấp tiến đã đem bàn công khai trên mạng Internet và trên tờ Quang Minh nhật báo ở Thượng Hải về chủ đề Hiến Chính, tức dựa vào Hiến pháp để xây dựng quốc gia. Theo những tiếng nói này thì Hiến pháp phải đứng trên sự lãnh đạo của Đảng thì mới có thể giới hạn đưọc sự lạm quyền của Đảng cai trị. Họ khẳng định điều này hợp với nguyện vọng của đại khối người dân. Để phản pháo lại, các dư luận viên của đảng đưa ra lập luận rằng đảng Cộng sản Trung quốc có công lớn nhất trong việc dành độc lập và kiến thiết đất nước nên giữ độc quyền cai trị là đương nhiên. Theo họ, muốn chống tham nhũng, hối lộ chỉ cần kiện toàn lại Đảng là đủ chứ không cần thêm gì khác. Hiển nhiên các khẳng định về công trạng dành độc lập và kiến thiết đất nước lập tức sinh ra nhiều tranh luận khiến lập luận của khối dư luận viên không thuyết phục. Quan điểm Hiến Chinh đang thắng thế đến độ Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch nước Tập Cận Bình phải ra lệnh lập ngay khóa học tập ‘’Quan điểm truyền thông của chủ nghĩa Marx’’ và bắt buộc tất cả ký giả Trung Quốc phải học nếu muốn giữ giấy phép hành nghề.
Một điểm lạ đáng chú ý trong bài bản học tập lần này là ông Vladimir Putin, Tổng thống Nga, (và chỉ có ông này mà thôi) được đặc biệt ca ngợi vì “những nỗ lực cộng tác với Trung quốc trong việc duy trì ổn định nền hòa bình của thế giới”.
Hiện tượng khóa học chưa bắt đầu mà tài liệu giảng dậy đã được chính những người chịu trách nhiệm tổ chức chuyển ngầm ra cho truyền thông quốc tế cho thấy rõ không chỉ giới ký giả Trung Quốc mà ngay cả các cán bộ đảng trong ngành kiểm soát truyền thông đều không đồng ý nổi với những luận điệu ngược ngạo và lạc hậu của Ban Tuyên giáo Trung ương. Họ muốn thế giới thấy rõ mức độ hoảng hốt, lo sợ, rút vào hầm cố thủ của giới lãnh đạo ở thượng tầng. Thật vậy, đọc những chỉ thị về từng lãnh vực phải viết và phải viết thế nào như ghi rõ trong tài liệu, người ta tưởng chừng như vẫn đang sống dưới thời Mao Trạch Đông và ngày truyền thông Trung Quốc đang đi giật lùi về thời điểm 1976.