Câu hỏi 7: Những người không tin, phản đối mật nghị, họ dựa trên điều gì, lập luận ra sao, thưa nhà báo?
Trả lời: Thưa Chị, lập luận của những người nghi ngờ không có, không tin có thỏa thuận bí mật ở Hội nghị Thành Đô là việc không có văn bản, không có một cá nhân có trách nhiệm nào nói trực tiếp đến vấn đề đó. Thứ hai, đó là những việc tày trời, gần như bán nước của đảng, của chế độ mà họ không nghĩ đảng, hay các cá nhân lãnh đạo nào có thể dám làm việc này. Thứ ba, đối với những ưu ái mà chế độ dành cho công ty và con người Trung Quốc, họ lập luận rằng vì đó là bạn vàng, đồng minh ý thức hệ nên việc ưu tiên cũng không có gì khó hiểu hoặc quá đáng; đối với những o ép, sách nhiễu, họ cho rằng đó là việc nhỏ, cần chịu thiệt thòi để giữ được đại cuộc. Thứ tư, họ cho rằng nhà nước, chế độ vẫn đấu tranh với Trung Quốc chống lại những vấn đề Trung Quốc ép và gây hấn, sách nhiễu.
Câu hỏi 8: Quan điểm của nhà báo về việc đánh giá mật nghị Thành Đô ra sao? Quan điểm cá nhân nhà báo về mật nghị? Và quan điểm đó dựa trên những lập luận nào?
Trả lời:Thưa Chị, quan điểm về việc đánh giá của tôi là:
– Đầu tiên, đánh giá việc làm của chế độ cộng sản không thể đánh giá bằng các văn bản, và bằng việc các lãnh đạo cộng sản công bố, tuyên bố với nhân dân và công luận. Nếu đánh giá như vậy, Việt Nam sẽ không có ai là nạn nhân cộng sản cả vì họ toàn nói họ làm những điều tốt đẹp, vì dân vì nước.
– Cần đánh giá bằng cách thức làm việc, truyền thống ứng xử của cộng sản với người dân và đất nước, thậm chí với đồng minh của họ. Điều quan trọng nhất là tìm được mục đích thật sự của họ, hoặc bối cảnh, tình thế thật sự của họ trong khi ra các quyết định.
– Đánh giá dựa vào những hoạt động, việc làm thực tiễn, những hiệp định thực sự đã được ký kết giữa hai nước, kể từ hội nghị Thành Đô đến nay…
Trên cơ sở cách thức đánh giá như vậy, tôi nghiêng về kết luận, có mật nghị Thành Đô 1990. Có mấy vấn đề khiến cho tôi có kết luận này. (Để ra được kết luận, nó là tổng thể của tất cả những vấn đề này, chứ không chỉ riêng một vấn đề nào)
Thứ nhất, về bối cảnh của mật nghị. Việt Nam đang trong tình thế không còn quan thầy, không còn đồng minh nào, trong khi truyền thống của đảng cộng sản, tâm lý của lãnh đạo Việt Nam luôn luôn phải có thế lực để dựa dẫm, để bảo vệ. Hơn nữa, Chủ nghĩa Xã hội lại đang sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, tác động cực mạnh tới tâm lý của những người lãnh đạo. Trong bối cảnh đó, việc phải cầu cạnh, muốn làm thân, đồng minh với kẻ thù vừa có chiến tranh xong chứng tỏ sự quẫn bách đến cùng kiệt của đảng cộng sản Việt Nam. Vì vậy, việc ký kết một văn bản, cần những 30 năm để thực thi, tuyệt đối bí mật, và với bản năng lật lọng, lừa đảo sẵn có trong văn hóa cộng sản, những lãnh đạo này đã dám làm việc đó. Đối với họ, sự tồn tại và duy trì chế độ, duy trì sự cai trị của đảng cộng sản lúc đó là trên hết. Duy trì được rồi, đứng vững được rồi sẽ tính sau. Vả lại, tư duy nhiệm kỳ khiến họ cũng không quan tâm những sự việc sau đó, nhất là tới những 30 năm sau.
Về phía Trung Quốc, vấn đề Campuchia chỉ là vấn đề nhỏ, vì họ thừa biết Việt Nam không còn nguồn lực để duy trì sự cai trị ở Campuchia, hơn nữa thế giới lại lên án cực kỳ gay gắt. Tức là vấn đề Campuchia thực chất không còn quan trọng mấy. Vậy thì Việt Nam đang ở tình thế hiểm nghèo như vậy, muốn làm lành, làm thân và mong hợp tác, Trung Quốc cần có cái giá cho Việt Nam để đánh đổi sự hợp tác, hóa thù thành bạn. Và cái giá đó phải tương xứng với việc cứu vớt chế độ cộng sản Việt Nam qua cơn hoạn nạn, tức là sự tồn vong của chế độ cộng sản Việt Nam. Đó sẽ là cái giá không thể rẻ mạt được, và thỏa thuận trở thành một khu tự trị, một phần của Trung Quốc là tương đối hợp lý.
Thứ hai, trong phương thức hoạt động của chế độ cộng sản nói chung và Việt Nam nói riêng, có những mục tiêu ẩn, không công bố, và việc thực thi những mục tiêu đó được che đậy bằng những mục đích, lý do rất cao cả, cao thượng. Điều này thì nhiều người đã biết. Nhưng việc thực hiện các mục tiêu ẩn của cộng sản mới là một nghệ thuật. Điều đặc biệt là, những người biết được mục tiêu ẩn, triển khai thực hiện chỉ là số cực kỳ ít ỏi (tức là lãnh đạo biết toàn bộ mục tiêu và phương thức thực hiện mục tiêu, còn những người thực thi, triển khai nhưng không biết mục tiêu, mục đích thì không hẳn là ít). Và cần lưu ý một điều, không bao giờ ai có được các văn bản, văn kiện nói rõ các mục tiêu mục đích thật sự của cộng sản. Số người biết được mục tiêu, mục đích thật sự của cộng sản trong một thế hệ lãnh đạo cũng chỉ khoảng trên đầu một bàn tay. Thậm chí, nhiều ủy viên bộ chính trị cũng không biết. Chính vì vậy, việc đi tìm các văn bản, văn kiện về thỏa thuận bí mật của hội nghị Thành Đô là điều vô vọng, không bao giờ có. Các lãnh đạo cấp rất cao cũng không biết được. Theo quan điểm của tôi, mỗi nhiệm kỳ chỉ vài ba người được biết, trong đó có tổng bí thư và khả năng là bộ trưởng công an. Với cách thức truyền thống, và khả năng thực thi các mục tiêu ẩn như vậy, vấn đề mật nghị Thành Đô có thể giữ bí mật và thực thi được trong cơ chế cộng sản, vì cũng đã có nhiều kinh nghiệm. Đây là lý do cơ bản để chúng ta có thể tin rằng, có mật nghị Thành Đô.
Thứ ba, mới gần đây chúng ta mới biết tới đại chiến lược Một vành đai, Một con đường (Nhất Đới, Nhất Lộ) và cách thức thực hiện đại chiến lược này của Trung Quốc. Đích đến cuối cùng của đại chiến lược này là thống trị thế giới bằng các biện pháp hiểm độc. Từ tham vọng này của Trung Quốc, liên hệ với mật nghị Thành Đô, chúng ta thấy có mối liên hệ rất rõ ràng. Trung Quốc sẽ mở rộng không gian, bành trướng ra khắp thế giới, thì hà cớ gì một đàn em, một đồng minh ý thức hệ không tham gia vào đại chiến lược này bằng cách sáp nhập Việt Nam vào với tư cách khu tự trị hoặc một bang trong liên bang Trung Hoa? Đó chẳng phải là mục tiêu cũ của chủ nghĩa cộng sản được thực hiện bởi đất nước Trung Quốc và đàn em Việt Nam hay sao?…
Thứ tư, Một số các hiệp định được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc gần đây thật kỳ quặc, nếu liên hệ với mật ước Thành Đô thì đó chính là các hiệp định dọn đường cho việc hợp nhất Việt Nam vào Trung Quốc. Đó là hiệp định về việc sử dụng đồng tiền của nhau ở bảy tỉnh biên giới phía bắc, tức là đồng nhân dân tệ có thể sử dụng làm đồng tiền thanh toán ở bảy tỉnh này. Phía Việt nam cũng có thể dùng tiền đồng thanh toán ở các tỉnh biên giới của Trung Quốc giáp Việt Nam; Hiệp định về dẫn độ tội phạm cũng kỳ quặc không kém, tôi phạm người nước này phạm pháp ở nước kia lại không được xét xử ở địa bàn gây án mà lại đưa về nước mà tôi phạm có quốc tịch… việc mở cửa biên giới để xe du lịch hai nước đi thẳng vào nội địa nước kia (Tour du lịch 0 đồng)… Luật Đặc khu cho Trung Quốc thuê ba vị trí chiến lược khóa đầu đuôi đất nước trong 99 năm …. Những hiệp định này không có bất cứ nước nào trên thế giới độc lập về chủ quyền lại ký kết như vậy. Điều này là bằng chứng tương đối khả tín cho việc đã có thỏa thuận bí mật ở Thành Đô gần 30 năm về trước.
Ngoài những lý do nêu trên, còn hằng hà vô số các vấn đề gợi lên, dấu hiệu về việc thực thi mật ước Thành Đô, như các công trình trọng yếu, trọng điểm kinh tế quốc gia đều cho Trung Quốc đấu thầu và đầu tư, các vị trí hiểm yếu cho các công ty Trung Quốc thuê đất khai thác, kinh doanh; việc sử dụng lá cờ 5 ngôi sao trong các dịp tiếp đón Tập Cận Bình, dịp kỷ niệm, rồi thể thao, bóng đá…vv … vô số việc tạo cho người dân tin rằng không có lửa làm sao có khói? có thể cũng là cách để người dân quen đi với việc sống chung sau này giữa người dân hai nước chăng?
Câu hỏi 9: Nếu cho rằng có mật nghị Thành Đô, có thỏa thuận bí mật, theo nhà báo họ sẽ triển khai và thực hiện mật nghị đó theo cách nào, có gì đặc biệt trong cách thức tiến hành thực thi mật nghị?
Trả lời: Khi đã có thỏa thuận, Trung Quốc cũng sẽ không quên khả năng lật lọng của cộng sản nói chung và cộng sản Việt Nam nói riêng. Chính vì vậy, Trung Quốc có một chiến lược để lũng đoạn và thôn tính Việt Nam. Chiến lược đó sẽ thực hiện trên các phương diện sau:
– Về lãnh thổ: chiến lược chung là chiếm, ép Việt Nam để chiếm được bao nhiêu lãnh thổ tốt bấy nhiêu. Hiệp định biên giới Việt – Trung, hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ… ngoài ra như chúng ta thấy, Hoàng sa,Trường sa, bãi Tư Chính… Trung Quốc đã dùng ảnh hưởng để chiếm các vị trí xung yếu về quốc phòng, an ninh của Việt Nam để các công ty Trung Quốc thuê đất, danh nghĩa là kinh doanh, làm ăn…
– Về kinh tế: lũng đoạn, phá hoại nền sản xuất của Việt Nam bằng mọi cách và mọi giá. Đưa hàng hóa giá rẻ, hàng hóa phá hoại sản xuất, mùa màng; lừa nông dân, thương nhân Việt Nam trong mua bán hàng hóa nông sản… hậu quả là nền kinh tế Việt Nam hiện tại phụ thuộc rất lớn vào hàng hóa, nền kinh tế Trung Quốc…
– Về chính trị: tạo sức ép trong việc lựa chọn nhân sự lãnh đạo cấp cao, trên cơ sở đó cài cắm người vào hệ thống đảng, chính trị ở các cấp các ngành… gây hấn để phân loại cán bộ chống Trung Quốc nhằm dùng ảnh hưởng loại bỏ họ khỏi hệ thống chính trị, hệ thống quản lý …. Từ các nhân sự có thể tạo sức ép để thực hiện các công việc thôn tính và ngược lại.
– Chiến tranh: nếu như đến thời hạn, thời điểm bàn giao, sáp nhập, Việt Nam lật lọng sẽ công bố văn bản và thực hiện chiến tranh để xâm lược… trong các công việc chuẩn bị, lũng đoạn và thôn tính đều có chuẩn bị cho tình huống cuối cùng, vì vậy mới cần thuê các vị trí xung yếu, quan trọng về an ninh quốc phòng để khi có biến xảy ra sẽ sử dụng trong chiến tranh…
Việc đã có thỏa thuận bí mật, nhưng Trung Quốc vẫn hàng ngày hàng giờ o ép Việt Nam để một mặt thăm dò thái độ của lãnh đạo Việt Nam có trở mặt hay không, và cũng là để phát hiện những thành phần chống Trung Quốc để dùng sức ép nhân sự loại bỏ khỏi guồng máy lãnh đạo những thành phần chống đối đó. Hơn nữa, như vậy sẽ làm cho nhiều người nghi ngờ về việc có thỏa thuận bí mật (nếu đã có thỏa thuận sao Trung Quốc còn xâm chiếm, xâm lấn những mảnh đất, vùng biển,vùng trời như vậy)…
Câu hỏi 10: Tại sao trong tình thế hiểm nghèo như hiện nay, Trung Quốc lại đẩy mạnh việc o ép, sách nhiễu Việt Nam ở bãi Tư Chính, điều này có liên quan gì đến việc thực thi, thực hiện mật nghị Thành Đô hay không?
Trả lời: Đúng là Trung Quốc hiện đang gặp rất nhiều khó khăn từ Cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, việc người dân Hông Công nổi dậy… Nhưng họ lại đi cà khịa, o ép Việt Nam qua vụ việc bãi Tư Chính là một điều khó hiếu, khá phi logic. Nhưng đây là chiến thuật để thử phản ứng của lãnh đạo Việt Nam đối với Trung Quốc trong tình thế Trung Quốc gặp nguy ngập. Đồng thời, đại hội đảng của Việt Nam sắp tới, nếu có ai, phần tử nào ra mặt chống Trung Quốc sẽ dùng ảnh hưởng loại bỏ trong đại hội. Hơn nữa, bãi Tư Chính nằm trên đường 9 đoạn Trung Quốc vẽ ra, cần thể hiện cho khu vực và thế giới thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc thống trị biển Đông…
Câu hỏi 11: Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Hồng Công biểu tình đòi tự quyết, các nước phản đối cách thức làm ăn của TQ… về mặt thời điểm sáp nhập Việt Nam vào Trung Quốc cũng đã sắp tới, nhà báo có nhận định gì về kết cục của mật nghị, tức là những thỏa thuận của mật nghị có được thực thi trọn vẹn hay không? Tại sao?
Trả lời: Mật nghị này sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Việt Nam và Trung Quốc có cơ chế, cấu trúc kinh tế và chính trị giống hệt nhau, cùng xuất siêu vào Mỹ chỉ khác về quy mô, nhưng tổng thống D.Trump không tiến hành chiến tranh thương mại với Việt Nam, vì ông muốn Việt Nam làm đồng minh của Mỹ. Nếu như lãnh đạo Việt Nam xoay trục ngả theo Mỹ, coi như mật nghị Thành Đô vô tác dụng, và Việt Nam sẽ được Mỹ bảo vệ nếu Trung Quốc tấn công. Ngược lại, Việt Nam không theo Mỹ, vẫn cứ theo Trung Quốc, thì chắc chắn Việt Nam sẽ phải chia tay với thị trường xuất khẩu lớn nhất, gần 45 tỷ đô la vào Mỹ. Trong tình hình kinh tế bi đát, cạn kiệt nguồn lực và phụ thuộc kinh tế Trung Quốc rất lớn, Việt Nam chắc chắn sẽ phải lệ thuộc vào Trung Quốc và phải thực hiện mật ước, và đó là điều không thể tránh khỏi, nếu Việt Nam không xoay trục theo Mỹ./.
Hà Nội, ngày 14/10/2019
N.V.B
Tìm hiểu về những vấn đề liên quan Hội nghị Thành Đô (phần 1)