Trái với dự đoán của một số nhà quan sát chính trị, ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng đã biệt tăm tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ.
Thay cho sự trống vắng của Trọng chỉ là Phạm Bình Minh – Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng giao Việt Nam.
Phạm Bình Minh đã làm gì ở đó?
‘Kẻ thù lớn bởi vì mi quỳ xuống’
Thay vì tố cáo Trung Quốc gây hấn ở Bãi Tư Chính, Minh chỉ ấp úng ‘các bên liên quan’ về căng thẳng ở Biển Đông mà không một lần dám nhắc đến cái tên tàu Hải Dương 8 hay kẻ nào đứng sau hoạt động thách thức của tàu này.
Chóp bu Việt Nam cũng bởi thế đã thêm một lần nữa bị vuột cơ hội vận động quốc tế về vụ Bãi Tư Chính, nhưng bởi chính thói đớn hèn đã trở thành nan y của chế độ này.
Từ không dám nổ súng cảnh cáo, không dám nhắc tên Trung Quốc và không dám kiện Trung Quốc, chóp bu Việt Nam đã khiến Bắc Kinh không chỉ ngày càng coi thường ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’, mà còn giành ưu thế vượt mặt giới chóp bu Việt Nam trong hoạt động vận động quốc tế, cũng là nguồn cơn khiến Bắc Kinh tự tin và ngạo mạn khi đưa ra tuyên bố mang tính khẳng định về vùng chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính, và bây giờ còn muốn đuổi Việt Nam ra khỏi đó.
‘Kẻ thù lớn bởi vì mi quỳ xuống’
Đưa đầu chịu báng
Ngay sau hiện tượng câm nín tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Phạm Bình Minh đã bị rất nhiều người dân trong nước và hải ngoại chỉ trích và lên án dữ dội.
Hệ lụy quá rõ rệt là Phạm Bình Minh đã phải đưa đầu chịu báng. Thay cho Nguyễn Phú Trọng.
Bởi nếu Nguyễn Phú Trọng đi dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, ông ta chắc chắn cũng phải nhận rất nhiều phản ứng của dư luận bởi không mấp máy nổi một từ về Trung Quốc.
Đã ba tháng lao qua kể từ khi Bắc Kinh cho tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ vệ cho tàu này xâm phạm Bãi Tư Chính của Việt Nam như vào chốn vô chủ quyền, Nguyễn Phú Trọng vẫn ‘trốn biệt’ mà không một lần xuất hiện để cho bàn dân thiên hạ thấy rằng ông ta không phải quá sợ hãi mà chẳng dám hé miệng về vụ việc đáng tầm nhục quốc thể đó.
Sau Trọng, chỉ có hai quan chức là Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh ‘dám’ đề cập đến vụ Bãi Tư Chính, nhưng lại không hề dám nêu tên Trung Quốc.
Cũng đã rất rõ về tính tinh ranh của Nguyễn Phú Trọng khi ông ta ‘đẩy’ Phạm Bình Minh đi dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, khiến Minh phải trực tiếp nhận búa rìu dư luận, thay vì Trọng.
Còn gì nữa?
Việc Nguyễn Phú Trọng cử Phạm Bình Minh đi New York khiến nổi lên một dấu hỏi: vì sao cử Minh mà không cử Phúc, trong khi Phúc là thủ tướng và ‘xứng đáng’ đi họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hơn là Minh?
Dấu hỏi trên có thể được giải mã phần nào nếu đối chiếu với những thông tin không chính thức về chuyến đi Washington của Nguyễn Phú Trọng có thể diễn ra vào tháng 10 năm 2019 hoặc sau đó, cùng những cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Việt vẫn tiếp tục diễn ra, trong đó Việt Nam đang cố gắng gia tăng nhập khẩu khoảng 5 tỷ USD hàng hóa Mỹ để giảm giá trị xuất siêu của hàng Việt Nam sang Mỹ và làm cho Trump bớt giận dữ bởi tình trạng Mỹ bị thặng dư xuất siêu quá lớn từ Việt Nam.
Tức ngoài việc ‘đọc bài’ công khai về vụ Bãi Tư Chính ở phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Phạm Bình Minh còn có thể có một nhiệm vụ khác và không công khai: bí mật làm việc với giới chức Mỹ để thu xếp cho cuộc gặp Trọng – Trump.
Tất nhiên, tin tức về cuộc gặp trên là tuyệt mật đối với phía Việt Nam, bởi giới chóp bu Hà Nội luôn sợ ‘đảng anh’ Trung Quốc sẽ nổi đóa nếu biết ‘đảng em’ tìm cách dựa dẫm vào Mỹ – đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc ở Biển Đông.
Và đặc biệt giữ tuyệt mật với bất kỳ động thái đi Mỹ nào của Nguyễn Phú Trọng, cùng ý đồ nâng cấp lên ‘đối tác chiến lược’ giữa hai quốc gia này.
Vào tháng 5 năm 2019, Phạm Bình Minh đã từng đi Washington với tư cách Bộ trưởng ngoại giao và tiền trạm cho chuyến đi Mỹ Nguyễn Phú Trọng, khi đó dự kiến là vào tháng 7 năm 2019. Chuyến tiền trạm đó cho thấy lần đầu tiên kể từ khi bị thất sủng trước Trọng tại hội ngị trung ương 6 vào cuối năm 2017, Phạm Bình Minh đã được ‘phục hồi nhân phẩm’, được Trọng lựa chọn là người bắc cầu với giới chức Mỹ và còn được làm việc với cả Bộ Quốc phòng Mỹ, chứ không phải là Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc – bị xem là quá háo danh, tham vọng chính trị và ‘nổ bán trời không văn tự’.
Tuy nhiên có vẻ tình trạng sức khỏe của Trọng không thật khả quan nên chuyến đi Mỹ của ông ta đã liên tục phải dời lại, kể cả ngay vào lúc này điều đó vẫn có thể xảy ra.
Trong khi đó, nội tình chính trường Việt Nam ngày càng xung khắc, tiểm ẩn bên trong lẫn sôi trào trên bề mặt. Cũng ngày càng rộ lên những thông tin không chính thức và đồn đoán về việc Nguyễn Xuân Phúc bị thất sủng trước Nguyễn Phú Trọng, khiến cung đường giành chiếm ngôi vị tổng bí thư đảng của Phúc tại đại hội 13 ngày càng dài dằng dặc./.