Nguyễn Văn Đài – VOA
Hàng trăm quan chức đã bị điều tra, truy tố và xét xử:
Trong cuộc họp tổng kết công tác của ngành nội chính trung ương vào tháng 1 năm 2019, báo cáo tổng kết cho biết kể từ khi chiến dịch “đốt lò” bắt đầu thì đã có 53.107 cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 643 vụ/1.579 bị cáo về tham nhũng, kinh tế.
Trong năm 2018, đã kết thúc điều tra 23 vụ/222 bị can (tăng 43,75% số vụ so với năm 2017), đã truy tố 20 vụ/251 bị can (tăng 66,7% số vụ so với năm 2017); đã xét xử sơ thẩm 23 vụ/304 bị cáo (gấp gần năm lần so với năm 2017), nhất là đã đưa ra xét xử 10 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, như: vụ án Trịnh Xuân Thanh; vụ án Đinh La Thăng; vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn 2); vụ án Hà Văn Thắm; vụ án Trần Phương Bình; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như; vụ án Phan Văn Anh Vũ; vụ án Đinh Ngọc Hệ; vụ án Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam; vụ án Hứa Thị Phấn.
Trong đó, cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng đã chịu tổng cộng 31 năm tù giam cho hai vụ án tham nhũng cố ý làm trái liên quan đến PVN.
Cựu chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm chịu bản án chung thân còn Nguyễn Xuân Sơn thì chịu hình phạt cao nhất là tử hình, với vai trò của ông là Tổng giám đốc Oceanbank trong vụ Oceanbank.
Các quan chức tiếp tục vi phạm pháp luật, tham nhũng bất chấp chiến dịch “đốt lò” đang rực lửa:
Ngày 23 tháng 8, sau các kỳ họp 37 và 38 của Ủy ban kiểm tra Trung ương, đã có thông báo kỷ luật các quan chức của tỉnh Đồng Nai và Khánh Hòa: Ông Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh và ông Hồ Văn Năm, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai, bị đề nghị kỷ luật.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Đồng Nai đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát. Công an Đồng Nai để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong hoạt động điều tra, xử lý các vụ án; trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, đất đai, tài chính, tài sản và công tác cán bộ; để nhiều cán bộ, chiến sĩ bị xử lý hình sự…
Kỳ họp thứ 38 cũng quyết định cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 với Đại tá Lý Quang Dũng (nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai).
Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy, giám đốc công an tỉnh), Đại tá Trần Thị Ngọc Thuận (Phó Bí thư Đảng ủy, phó giám đốc công an tỉnh), Đại tá Ngô Minh Đức (nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên phó giám đốc công an tỉnh), Đại tá Nguyễn Văn Kim (Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, phó giám đốc công an tỉnh) và Đại tá Nguyễn Xuân Kim (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên phó giám đốc công an tỉnh Đồng Nai) bị kỷ luật cảnh cáo.
Theo cơ quan kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang và Chủ tịch tỉnh Lê Đức Vinh đã có vi phạm “ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ Ban thường vụ Tỉnh ủy và Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa còn vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng, đấu thầu, đầu tư, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính, thuế…, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách nhà nước.
Như vậy chỉ trong 2 phiên họp của Ủy ban kiểm tra đã có hàng chục quan chức hàng đầu của 2 tỉnh Đồng Nai và Khánh Hòa bị xử lý kỷ luật.
Trước đó, sáng 21-8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh cho biết: cơ quan điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Diệp Văn Thạnh (SN 1968, ngụ phường 1, TP Trà Vinh), nguyên Chủ tịch UBND TP Trà Vinh và Trần Trường Sơn (SN 1976, ngụ xã Hoà Thuận, huyện Châu Thành), Phó Chủ tịch UBND TP Trà Vinh. Cả hai bị can bị điều tra về hành vi Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Trà Vinh.
Tại sao các quan chức cộng sản không sợ chiến dịch “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng?
Thứ nhất tham nhũng là bản chất của chế độ và lẽ sống của mọi tầng lớp cán bộ công chức. Chế độ CS tạo ra những khoảng trống, kẽ hở trong pháp luật và việc quản lý lỏng lẻo để mọi tầng lớp cán bộ có thể dựa vào đó mà tham nhũng. Khi họ đã tham nhũng dễ dàng thì họ phải bảo vệ chế độ để tham nhũng. Chế độ cộng sản đã tạo ra cơ chế cộng sinh giữa tham nhũng và bảo vệ chế độ.
Thứ hai, mỗi một cán bộ cộng sản có quyền chức thì đều gắn với một nhóm lợi ích nhất định gồm các quan chức cấp trên, cấp dưới, doanh nghiệp gia đình, doanh nghiệp sân sau,… Bởi vậy, họ đã nằm trong một guồng máy như vậy, thì cho dù không muốn tham nhũng cũng phải tham nhũng. Tham nhũng ở đây không chỉ phục vụ cho cá nhân một mình họ và là phân chia lợi ích cho cả nhóm. Nếu không họ đã không được chọn vào vị trí đó.
Thứ ba là chế độ CSVN duy trì một mức lương không đủ sống cho cán bộ công chức, chính phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nói phấn đấu đến năm 2021 thì cán bộ công chức mới có thể sống bằng lương. Do đó cán bộ có chức có quyền thì tham nhũng lớn, cán bộ chuyên viên thì tham nhũng vặt để đảm bảo cuộc sống và thỏa mãn các nhu cầu như cho con cái du học nước ngoài, mua nhà cửa, xe hơi, phục vụ các nhu cầu xa xỉ khác.
Ngoài ra còn nhiều lý do khác mà đã là quan chức cộng sản thì phải tham nhũng, không tham nhũng thì không phải quan chức cộng sản.
Vậy nên, chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ nhằm tới mục tiêu thanh trừng các đối thủ chính trị trong đảng, răn đe những người trong phe cách cần phải khôn ngoan, kín đáo hơn trong tham nhũng. Do đó ông Trọng mới đốt một “lò”, chứ ông có đốt 10 “lò” cũng không thể chống và xử lý hết được tham nhũng.