Đã 3 lần quyết định từ bỏ facebook nhưng rốt cuộc vẫn quay lại, nói lời mà không giữ lấy lời, liệu có còn ai tin tưởng nữa không ? Một lần mất tin là vạn lần mất tín. Hằng ngày phải chứng kiến những bất công và trái ngang trong xã hội nên không thể nào im lặng được. Những người ở xung quanh họ vẫn lặng lẽ sống như không có chuyện gì, sao họ giỏi thế ? Hay là cứ ngậm miệng mà sống như họ ?
Cách đây hơn một tuần, Thùy Linh cùng mẹ ra chợ mua thịt heo. Ở quầy thịt có chia làm hai loại, trong đó có một loại màu sẫm, lấy ngón tay ấn vào thì để lại nguyên hình dấu ngón tay. Nhìn qua ai cũng biết đó là thịt từ ngày hôm qua, thế mà vẫn có nhiều người mua. Thấy một chị còn mặc nguyên bộ đồ bảo hộ lao động lại mua loại thịt ấy, hỏi tại sao chị lại mua loại đó thì chị cười và trả lời : “Vì nó rẻ hơn em à !”
Mới sáng hôm qua đi ăn bún bò Huế với em trai ở gần nhà, có một bà cụ bước vào quán. Trong lúc ông khách đang lựa vé số, bà cụ cứ nhìn chằm chằm vào tô bún và nuốt nước miếng liên tục. Đoán bà chưa ăn sáng nên có nhã ý mời bà một tô, vì hôm nay có tiền rủng rỉnh trong túi. Tuy nhiên bà cụ nhanh chóng từ chối và bước vội ra khỏi quán, thế là một thoáng sơ ý đã làm bà cụ buồn. Mọi người trong quán vẫn cặm cụi ăn, chẳng ai để ý gì cả…
Rõ ràng khoảng cách giàu nghèo đang ngày một tăng và người nghèo luôn phải chịu thiệt thòi đủ thứ, nhất là về chất lượng bữa ăn, y tế, giáo dục và các quyền lợi xã hội. Trong xã hội Việt Nam, nơi mà “đầu tiên – tiền đâu ?” thì điều này càng được thể hiện rõ nét. Thuở còn nhỏ đi học nghe thầy cô giảng về sự ưu việt của CNXH so với CNTB, cứ đinh ninh rằng việc phân biệt giàu nghèo và thói vô cảm trước những người nghèo khổ chỉ tồn tại ở các nước tư bản. Nhưng lớn lên mới thấy ở Việt Nam cũng chẳng khác gì, thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều.
Bởi vậy nên mỗi khi lên internet đọc những comment của các bạn, rằng cuộc sống ở Việt Nam đang rất tốt đẹp và công bằng mà cảm thấy ức chế. Có thể gia đình các bạn có điều kiện nên các bạn không cảm nhận được cuộc sống khó khăn của những người nghèo vốn chiếm phần đông trong xã hội này. Dù cố ý hay vô tình thì các bạn cũng đang thể hiện sự yếu kém của mình về mặt ý thức cộng đồng và xã hội.
Mà ở nước ta, chẳng phải chỉ có người nghèo mới phải đối mặt với những nguy hiểm đâu, những người giàu có cũng vậy, điển hình là nạn trộm cướp và thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ ngày nghe tin người ta dùng hóa chất để tẩy trắng bún, mỗi lần đi ăn là cứ thấy lo sợ, nên phải giảm tối đa. Bây giờ ăn uống thứ gì cũng có cảm giác không yên tâm cho dù là mua ở trong siêu thị.
Con người có hai thứ tài sản quan trọng nhất đó là sức khỏe và trí tuệ. Về sức khỏe, việc ăn uống thiếu dinh dưỡng và sử dụng thường xuyên các loại thức ăn độc hại, điều kiện về y tế và chăm sóc sức khỏe thì vừa thiếu lại vừa yếu. Xét về mặt lâu dài sẽ ảnh hưởng tới thể chất của người Việt, mà vấn đề dễ thấy nhất là bệnh tật ngày càng nhiều và chiều cao của thanh niên Việt Nam không được cải thiện là bao sau nhiều năm qua. Nhìn cái cách người ta quan tâm đến ngành thể dục thể thao nhất là trong các trường học mà thấy buồn.
Còn về giáo dục thì vừa lạc hậu lại vừa mang nặng bệnh thành tích. Nói chung một nền giáo dục mang đậm chất XHCN đã làm cho nhân dân ta bị “lùn” về trí tuệ, làm giảm khả năng sáng tạo của con người. Một đất nước có hàng ngàn giáo sư tiến sĩ nhưng lâu lâu chỉ thấy báo đưa tin “hai lúa chế tạo máy bay”, “hai lúa chế tạo tàu ngầm”. Còn nhớ cách đây không lâu các nhà khoa học hàng đầu ở nước ta họp lên rồi họp xuống về hạt lúa 3000 năm vẫn nảy mầm. Nhưng sau khi đưa qua Nhật Bản thì họ bảo đó chỉ là hạt lúa khang dân bình thường. Các vị giáo sư tiến sĩ ở Hà Nội tổ chức rầm rộ các cuộc họp, tìm giải pháp cứu cụ rùa Hồ Gươm, cứ như người Việt Nam yêu động vật lắm. Trong khi người dân bị đánh chết chỉ vì ăn trộm mấy con chó thì chẳng ai quan tâm.
Vậy nên cho dù bây giờ có một chính đảng mới lên lãnh đạo và quy tụ được rất nhiều nhân tài của đất nước thì ít nhất cũng phải mất thêm 20 năm nữa đất nước mới thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển như hiện nay. Với trình độ dân trí thấp như vậy thì cho dù lãnh đạo tài giỏi đến mấy cũng bó tay. Cho nên sau khi có một sự thay đổi mạnh mẽ trong chính trị, việc đầu tiên phải làm là cải cách toàn diện nền giáo dục và đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học.
ĐCS tin rằng ổn định về chính trị là điều kiện cần và đủ để phát triển kinh tế nhưng thực sự họ đã nhầm. Ổn định về chính trị chỉ là điều kiện cần mà thôi. Thùy Linh tin rằng nếu tình trạng này kéo dài thêm 10 năm nữa, Việt Nam sẽ bị Lào và Cambodia vượt mặt. Lúc đó đất nước chúng ta sẽ sánh vai với Triều Tiên như mong ước của những kẻ đang âm thầm tìm cách bán nước cho Trung Quốc.