Nguyễn Văn Đài – VOA
Nhân tài là nguyên khí của quốc gia”, có lẽ người Việt ta không ai là không biết câu nói nổi tiếng đó. Một quốc gia muốn phát triển thịnh vượng, tất yếu phải dựa vào nhân tài ở đủ mọi lĩnh vực, phải nhờ vào trí tuệ con người chứ không phải sức mạnh cơ bắp. Và đó cũng là một chân lý hiển nhiên. Trí tuệ con người, nói theo ngôn ngữ ngày nay là “chất xám”. Từ câu nói trên, có thể suy ra: Quốc gia nào có nguồn lực chất xám dồi dào thì cường thịnh, và ngược lại. Chính vì vậy mà mời gọi nhân tài luôn là chính sách ưu tiên hàng đầu của các chính phủ. Không những vậy, chính phủ còn phải giữ chân được nhân tài, để nạn chảy máu chất xám không xảy ra.
“Chảy máu chất xám” là một cụm từ ngụ ý cho việc thất thoát nguồn nhân lực giỏi trong nước ra nước ngoài làm việc. Đặc biệt tiêu biểu cho việc này là các cử nhân thạc sĩ đi du học nước ngoài rồi sinh sống và làm việc ở đó luôn. Vậy thực trạng này ảnh hưởng đến sự phát triển của Việt Nam thế nào?
Tại sao lại xảy ra hiện tượng “chảy máu chất xám”?
Một thực tế là, có đến 70% trong số 60.000 người đi du học muốn làm việc tại nơi mình học mà không muốn trở về Việt Nam. Lý do rất đơn giản, họ thích một môi trường làm việc văn minh với công nghệ hiện đại, phong cách làm việc thoải mái và chú trọng vào chất lượng hơn là các quy định ngặt nghèo về đồng phục, thời gian làm việc cũng như các thủ tục hành chính vất vả. Nếu trở về Việt Nam, người ta cũng có cơ hội làm việc tại các công ty dù lớn đến mấy nhưng vẫn có những bất cập, vấn đề xung đột tư tưởng, khó làm việc lâu dài. Thêm nữa, các mức lương ở nước ngoài dĩ nhiên hấp dẫn hơn nhiều so với ở trong nước. Họ ở lại, và sau khi ổn định công việc thì sẽ đón cả gia đình sang nước ngoài sinh sống.
Lâu nay, khi nói về tình trạng chảy máu chất xám, người ta vẫn thường hình dung về việc nguồn chuyên gia, nhân lực khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ từ các nước có mức sống thấp, rời bỏ Tổ quốc, sang sinh sống tại những quốc gia có điều kiện để hoạt động khoa học, có chế độ đãi ngộ cao hơn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước phương Tây (theo nghĩa rộng nhất của khái niệm này bao gồm cả các quốc gia có điều kiện kinh tế phát triển của Liên minh châu Âu như Anh, Pháp, Ðức, Na Uy, Thụy Ðiển, Thụy Sĩ…). Ðiều này là không thể phủ nhận, và chỉ nhìn vào danh sách những người đoạt giải thưởng Nobel cũng có thể thấy rõ. Tính từ khi được thành lập vào năm 1911 đến nay, giải thưởng Nobel đã được trao trong 109 “mùa” với hơn 800 cá nhân, tổ chức được nhận thuộc các lĩnh vực Vật lý, Văn học, Kinh tế, Hóa học, Hòa bình và Y học.
Như vậy, ngoại trừ giải Nobel Hòa bình mà dường như là thuộc khu vực chịu ảnh hưởng của đời sống chính trị, giải Nobel Văn học là giải thưởng duy nhất thuộc lĩnh vực nghệ thuật, còn lại, giải Nobel chủ yếu là một giải thưởng hướng tới lĩnh vực khoa học. Căn cứ theo danh sách những quốc gia sở hữu nhiều giải thưởng Nobel nhất trong tất cả các lĩnh vực, đứng đầu vẫn là các quốc gia phương Tây: Anh (116 giải), Ðức (102), Pháp (65) và nhiều nhất là Hoa Kỳ (337 giải). Ở những quốc gia này đã thật sự tạo nên một môi trường tốt cho các hoạt động nghiên cứu khoa học (tạm thời không nói đến các hoạt động sáng tạo văn học – nghệ thuật, bởi lĩnh vực này vận hành theo những logic khác). Lấy riêng trường hợp Hoa Kỳ, trong số hơn 300 giải thưởng dành cho các công dân quốc gia này, có đến 82 trường hợp trao cho những công dân sinh ra tại những quốc gia khác tới sinh sống tại Hoa Kỳ, chiếm gần 25%. Ðấy là chưa nói tới trường hợp công dân mới nhập cư tại Hoa Kỳ trong khoảng một, hai thế hệ mà dấu vết “cố quốc” vẫn còn có thể nhận biết qua tên tuổi của họ. Chỉ riêng việc đó cũng đủ nói lên sức hút mạnh mẽ đến mức nào của Hoa Kỳ đối với những bộ óc đến từ các quốc gia khác. Quy luật này cũng đúng với những lĩnh vực khác như kinh tế, kỹ nghệ, nghệ thuật. Một hiện tượng rõ nét là nhiều quốc gia phát triển đã trở thành “đất hứa” thu hút nghệ sĩ, chuyên gia, khoa học gia, trí thức từ những quốc gia đang hoặc chậm phát triển. Tất nhiên, cuộc sống tại “đất hứa” ra sao lại là chuyện hoàn toàn khác.
Nhà nước Cộng sản Việt Nam cũng nhận thức được nhu cầu đào tạo nhân tài để phát triển đất nước. Ðầu năm 2012, Bộ Giáo dục và Ðào tạo Việt Nam đã tổng kết hơn mười năm hoạt động của Ðề án 322, một đề án được hình thành vào năm 2000 với mục tiêu là đào tạo cán bộ tại những cơ sở giáo dục nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước với những ngành mà Việt Nam thiếu hoặc chất lượng chưa đạt chuẩn quốc tế. Trong mười năm hoạt động của Ðề án, với một nguồn ngân sách hơn 2.500 tỷ đồng (theo nguồn công bố của Bộ Giáo dục và Ðào tạo), 7.129 ứng viên trúng tuyển đã được gửi đi đào tạo ở các cơ sở giáo dục tiên tiến tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có 3.838 tiến sĩ, 2.042 thạc sĩ, 416 thực tập sinh và 833 cử nhân. Cũng theo nguồn của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, 95% số lưu học sinh đã về nước đúng thời hạn và đã hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, 2% số lưu học sinh được chuyển tiếp lên các cấp học cao hơn, và chỉ có 3% là không hoàn thành nhiệm vụ, trở về muộn hoặc không trở về.
Tuy vậy, ngay khi Ðề án khép lại, có một vấn đề đã được đặt ra một cách nghiêm túc, là hiệu quả hoạt động nghiên cứu của lưu học sinh sau khi trở về đơn vị công tác cũ. Theo điều tra của một số tờ báo, không ít nghiên cứu sinh sau khi trở về đã phải từng bước “hoãn vô thời hạn” hoặc rời bỏ hẳn hoạt động nghiên cứu khoa học vì nhiều lý do: môi trường khoa học còn bảo thủ, chưa chấp nhận thay đổi đến từ bên ngoài; điều kiện hoạt động khoa học thiếu thốn (thiếu kinh phí nghiên cứu; nghèo nàn cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thư viện…) và đặc biệt là những vấn đề của đời sống vật chất khiến nhiều nhà nghiên cứu phải đặt khoa học sang một bên để lao vào các công việc mưu sinh. Như vậy, vấn đề “chảy máu chất xám” không chỉ là những vết “ngoại thương” khi người được đào tạo rời bỏ Tổ quốc, di dân đến các quốc gia phát triển, mà còn là những vết “nội thương” khi nguồn chất xám chất lượng cao không phục vụ cho các mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ, mà nhiều khi bị lãng phí trong những mục đích tầm thường của cuộc sống (nhưng không hề tầm thường với mỗi cá nhân). Nhìn một cách sâu xa, những vết “nội thương” để lại những hậu quả tai hại còn hơn cả những vết “ngoại thương”. Bởi lẽ một chuyên gia, một nhà khoa học nếu còn có những liên hệ với đất nước thì đến một lúc nào đó, sau khi vượt qua được những vấn đề trước mắt, họ vẫn có thể có những đóng góp quan trọng cho Tổ quốc. Nhưng nếu một nhà khoa học bị “chết mòn” trong những điều nhỏ nhặt của cuộc mưu sinh hoặc bị những cơ chế bảo thủ, trì trệ trói buộc, thì rất nhiều khả năng, chỉ sau một khoảng thời gian mươi năm, giới khoa học sẽ mất đi một nhà khoa học.
Những nhân tài do chính Nhà nước Cộng sản dùng tiền thuế của Nhân dân để đưa ra nước ngoài đào tạo, khi họ trở còn không được sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả thì còn nói gì tới việc thu hút nhân tài, chất xám từ hải ngoại hoặc từ những người đi du học tự túc.
Chảy máu chất xám có những tác động mạnh đến sự phát triển của một đất nước, làm suy giảm nguồn nhân lực chất lượng cao và dẫn đến sự kém phát triển cho đất nước. Nhà nước Cộng sản cũng đã nhận thức được điều này, nhưng họ không đủ cái tâm và tầm để thực hiện việc đào tạo, thu hút và sử dụng nhân tài. Thậm trí, chế độ Cộng sản còn hắt hủi và ruồng bỏ nhân tài.
Muốn thu hút và sử dụng hiệu quả nhân tài, chất xám để phục vụ việc phát triển đất nước. Trước việc dân chủ hóa đất nước phải được thực hiện trước tiên, vì điều này sẽ tạo ra môi trường chính trị lành mạnh, công bằng cho những nhân tài phát huy hết khả năng sáng tạo của họ. Họ không còn bị kỳ thị bởi những quan điểm chính trị khác biệt.
“Đất lành chim đậu”, đó cũng là một câu nói nổi tiếng nữa của người Việt Nam ta. Hiện tượng người Việt lũ lượt bỏ nước ra đi, cho thấy Việt Nam vẫn là miền đất dữ đối với nhân tài nói riêng, con người nói chung.