Phạm Chí Dũng – VOA
Việc Nguyễn Phú Trọng không thể có mặt trong đám tang Lê Đức Anh vào ngày 3/5/2019 cho thấy ngày 25/4/2019 – khi Bộ Ngoại Giao thông báo Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban lễ tang Lê Đức Anh – là nhằm đối phó với áp lực dư luận trong, ngoài nước và dự tính đến khi đó Trọng sẽ có thể phục hồi, cùng lúc có tin ngoài lề về Trọng phục hồi sức khỏe.
Tuy nhiên sau đó tình hình bệnh tật của Trọng xấu đi khiến ông ta không những ‘mất tích’ tại đám tang Lê Đức Anh mà còn phải ‘chuyển giao quyền lực’ chức vụ trưởng ban lễ tang cho Trương Hòa Bình – Phó Thủ Tướng thường trực. Nhưng chính việc Trương Hòa Bình làm trưởng ban lễ tang thay Trọng đã có thể vi phạm Nghị Định 105 về tổ chức tang lễ cấp nhà nước của một chính phủ do Bình đang điều hành, trong đó có quy định ‘trưởng ban lễ tang là tổng bí thư hoặc chủ tịch nước’.
Việc Nguyễn Phú Trọng không thể có mặt trong đám tang Lê Đức Anh – xét về hành vi đi lại và phát ngôn, kể cả phát âm, cũng không có bất cứ hình ảnh hay video nào về Trọng, là một bằng chứng rõ nhất và hùng hồn nhất về việc Trọng rất có thể vẫn còn nguyên trong giai đoạn khó khăn, thậm chí nguy kịch về sức khỏe và sẽ phải mất ít ra vài ba tháng nữa mới có thể tạm phục hồi.
Cho tới nay, dù đã hơn nửa tháng kể từ khi Nguyễn Phú Trọng bị cơn bạo bệnh tại Kiên Giang – nơi được xem là ‘căn cứ địa cách mạng của gia tộc Nguyễn Tấn Dũng’, bất chấp hàng ngày báo đảng vẫn ra rả thông tin về việc ‘Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng’ gửi điện và thư chúc mừng giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên và những nước khác, vẫn không có bất kỳ hình ảnh hay video nào về ông ta, kể cả hình ảnh Trọng trên… giường bệnh.
Trong lúc dân chúng đã quá quen với não trạng và thói bưng bít thông tin về ‘sức khỏe lãnh đạo cấp cao’ – thể hiện gần nhất qua những vụ việc Nguyễn Bá Thanh Trưởng Ban Nội Chính trung ương vào năm 2014, Phùng Quang Thanh Bộ Trưởng Quốc Phòng vào năm 2015 và Trần Đại Quang Chủ Tịch Nước vào năm 2017 và 2018, nhiều thành phần trong nội bộ đảng đã và sẽ bực bội trước tình trạng các cơ quan đảng giấu biến sự thật về tình trạng bệnh tật Nguyễn Phú Trọng, đồng thời dấy lên mối nghi ngờ về việc chính Trọng đã chỉ đạo giấu biệt thông tin về sức khỏe của ông ta nhằm mục đích phô trương sức khỏe vẫn ổn, tham quyền cố vị và ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’ từ đây đến hết đại hội 12 và sang cả đại hội 13 của đảng cầm quyền.
Việc Nguyễn Phú Trọng không có mặt trong đám tang Lê Đức Anh vào ngày 3/5/2019 chắc chắn khiến nhiều đảng viên cấp trung và thấp, giới quan chức hưu trí và cả những ‘cách mạng lão thành’ cận thần của Trọng – những người không có điều kiện tiếp cận thông tin nội bộ ở cấp trung ương – cảm thấy bị lừa gạt, mất niềm tin vì trước đó Bộ Ngoại Giao đã thông báo là Nguyễn Phú Trọng sẽ sớm trở lại làm việc, còn Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ Tịch Quốc Hội – đã thông báo rằng tình hình ‘đồng chí Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đang phục hồi sức khỏe nhanh chóng’, từ đó dẫn đến tâm trạng hoang mang và cảm nhận về những biến động, biến cố chính trị lớn có thể xảy ra.
Giờ đây, ai cũng nhìn thấy ‘Tổng tịch’ không còn hồng hào như trước và khó còn có thể đi đây đi đó hô hào về ‘không biết đến cuối thế kỷ này có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện không’, thậm chí ngay cả thói quen tiếp xúc ‘cử tri trung thành’ cũng có thể bị vấn đề sức khỏe của ‘cụ’ khiến cho lơi lỏng không ít.
Và ai cũng nhìn thấy trước là ‘sinh lão bệnh tử’ sẽ chẳng chừa ai, cho dù có là ‘hoàng đế Nguyễn Phú Trọng’ chăng nữa.
Có quá nhiều điều kiện tiếp xúc với Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe trung ương, hẳn các quan chức còn lại trong ‘tam trụ’ và những ủy viên bộ chính trị khác đều cảm nhận về thời của Nguyễn Phú Trọng đã sang bên kia núi.
Nhưng dù có tạm phục hồi sức khỏe chăng nữa, xác suất tái đột quỵ luôn chờ chực Trọng đang dẫn tới khả năng ông ta phải chuyển giao quyền lực dần cho những quan chức khác.
Việc Trọng không có mặt tại lễ tang Lê Đức Anh có thể là cú châm ngòi cho cuộc đua quyền lực của giới quan chức cấp dưới chính thức khởi động theo dạng thức vết dầu loang và mau chóng bùng nổ.
Ngay cả khi Nguyễn Phú Trọng còn tập quyền cá nhân, vẫn diễn ra những trận sát phạt khá ác liệt cho vị trí ‘lãnh đạo chiến lược’. Còn khi Trọng bắt đầu có dấu hiệu ‘xuôi tay’, chẳng còn gì có thể kềm giữ những trái tim nóng nảy và cái đầu lạnh toát nữa.
Việc Trương Hòa Bình nói nhầm về ‘chủ tịch nước Nguyễn Thị Kim Ngân’ trong phần giới thiệu quan khách tại lễ tang Lê Đức Anh cho thấy trước đó có thể đã có những cuộc bàn bạc căng thẳng trong Bộ Chính Trị về phương án nhân sự thay thế Nguyễn Phú Trọng sau khi Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe trung ương đánh giá tiêu cực về bệnh trạng của Trọng không chỉ trong ngắn hạn mà cả trung hạn và dài hạn. Trương Hòa Bình có thể đã bị ám ảnh về phương án nhân sự với cái tên Nguyễn Thị Kim Ngân làm chủ tịch nước khiến Bình bị ‘tẩu hỏa nhập ma’ và phát ra ‘chủ tịch nước’ thay vì ‘chủ tịch quốc hội’ Nguyễn Thị Kim Ngân’ ngay trong tang lễ Lê Đức Anh.
Không biết vô tình hay hữu ý, trong thời gian Nguyễn Phú Trọng ‘được điều trị tích cực’, đã xuất hiện một biểu hiện rõ rệt về ‘tăng quyền cho thủ tướng’ – được đề xuất từ khối chính phủ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ vờ’. Cũng trong thời gian đó, phía Quốc Hội của Nguyễn Thị Kim Ngân có vẻ lớn tiếng hơn là thói ‘gật’ trước đây theo ý chỉ của đảng.
Một cách không tuyên bố, thế cục bàn cờ chính trị Việt Nam đang lặng lẽ chuyển sang ‘tam quyền phân lập’. Đó là khuynh hướng giãn cách hóa và khu biệt hóa giữa khối hành pháp, lập pháp với khối đảng. Đặc biệt, sẽ phát sinh những phản ứng từ kín đáo đến lộ liễu và quyết liệt của khối chính phủ và quốc hội đối với não trạng và thói hành xử ‘đảng quyết định tất cả’ và gần đây là ‘đảng không làm thay mà làm luôn’.
Phạm Chí Dũng