Minh Quân – (VNTB) – Khả năng Nguyễn Phú Trọng ‘đi Trung Quốc trước khi đi Mỹ’ là có thể xảy ra, mang lại một sự lặp lại đến u tối cái dĩ vãng ‘chầu thiên triều’.
Nguồn tin từ facebook Người Buôn Gió cho biết một tin tức đáng lo ngại về việc ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng sẽ đi Trung Quốc để dự Hội nghị BRI (hội nghị về sáng kiến Một vành đai, Một con đường):
“Văn phòng trung ương đảng có chỉ thị nội bộ, mọi thông tin về chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc đều phải giữ kín, cho đến ngày 18 tháng 4 năm 2019 khi văn phòng có thông cáo về việc này.
Chuyến đi dự kiến vào cuối tháng 4 khoảng từ 24 đến 28 ( sau chuyến đi của Nguyễn Xuân Phúc đến Séc và Rumani )
Trong chuyến đi này Việt Nam sẽ ký kết 10 văn kiện.
10 văn kiện này liên quan đến kế hoạch Vành Đai và Con Đường mà Trung Quốc đang thực thi, trong đó nhiều hạ tầng cơ sở quan trọng ở Việt Nam như đường cao tốc, hải cảng, không cảng và những vùng đặc khu kinh tế”.
Nguồn tin trên sẽ chẳng mấy tin cậy nếu không xảy ra việc vài ngày sau tin này, báo đảng Việt Nam đưa tin xác nhận về chuyến công du của Nguyễn Xuân Phúc đến Séc và Rumani.
Như vậy, khả năng Nguyễn Phú Trọng ‘đi Trung Quốc trước khi đi Mỹ’ là có thể xảy ra, mang lại một sự lặp lại đến u tối cái dĩ vãng ‘chầu thiên triều’.
Sẽ lại ‘trả Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam’?
Theo tin tức đã được xác nhận bởi Bộ Ngoại giao Việt Nam, ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến công du Hoa Kỳ – có thể diễn ra vào mùa hè năm 2019.
Nếu sau cuộc cuộc gặp Trump – Trọng sắp tới tại Washington hiện ra một văn bản được ký giữa hai bên như kiểu’ Hiệp ước tương trợ quốc phòng’ mà Mỹ đã ký với Philippines, hoặc ít ra cũng là một bản ghi nhớ về việc sẽ tiến hành chuyện đó, và hơn nữa là sự chuẩn bị cho ‘quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ – Việt’, Bộ Chính trị ở Hà Nội sẽ có thể như ‘sống lại’ để nhảy vào khai thác mỏ Cá Voi Xanh mà không còn phải mắt trước mắt sau trước thói đe nẹt của ‘đồng chí bốn tốt’.
Khác khá nhiều với bối cảnh năm 2015, những gì đang diễn ra trong năm 2019 này bộc lộ thế ‘giãn Trung’ với gia tốc nhanh hơn và cũng có vẻ ‘can đảm’ hơn của Trọng và đảng CSVN. ‘Can đảm bám Mỹ’ nhằm khai thác dầu khí trong vùng chủ quyền của mình, không còn nghi ngờ gì nữa, là sách lược tìm đến sự hỗ trợ của quân đội Mỹ như một đối trọng duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông, để khi đó Việt Nam sẽ có thể yên tâm tiến hành khai thác các lô dầu khí trong tâm thế ‘chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng’, mà không đến nỗi phải mắt trước mắt sau trước đường lưỡi bò chín đoạn của Trung Quốc quét qua hầu hết các lô dầu khí này.
Nhưng một chuyến đi ‘Trung Quốc trước’ của Nguyễn Phú Trọng trong thời gian tới, nếu xảy ra, sẽ mang lại cho ông ta những thất lợi lớn về chính trị và cả rủi ro sinh mạng khó lường, nhất là khi Trọng đã chỉ đạo hệ thống tuyên giáo và báo chí Việt Nam ‘tố cáo giặc Trung Quốc xâm lược’ vào ngày 17 tháng Hai năm 2019 như một cách kỷ niệm ngày Chiến tranh biên giới phía Bắc.
Ngay trước khi có tin về ‘Trọng đi Trung trước’, Trung Quốc đã tung ra động thái sẽ đưa giàn sản xuất dầu khí lớn thứ hai là Dongfang 13-2 CEPB vào Lưu vực Yinggehai ở Biển Đông vào ngày 10/4/2019.
Logic của những dự kiện lịch sử cận đại trong quan hệ Trung – Việt cho thấy chẳng cần hoài nghi rằng sự xuất hiện của Hải Dương 981 trước đây và Dongfang 13-2 CEPB vào năm 2019 là những động tác dằn mặt đối với giới lãnh đạo cao cấp của Việt Nam trong thế đu dây dễ lộn cổ giữa Trung Quốc và Mỹ.
Chiến thuật ép và lấn từng bước của Trung Quốc là quá dễ nhìn ra: trước chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng vào mùa hè năm 2019, tùy thuộc vào thái độ của Trọng với Tập ra sao mà Dongfang 13-2 CEPB sẽ nằm yên ở vùng chồng lấn biển hoặc lao thẳng vào hải phận Việt Nam theo đúng cái cách của Hải Dương 981 vào năm 2014.