Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Năm 2019, Tạp chí Forbes của Mỹ công bố danh sách tỷ phú thế giới theo thông lệ hàng năm và Việt Nam năm nay có 5 doanh nhân lọt vào danh sách “danh giá” ấy. Báo chí trong nước lập tức tán dương, coi đó là một niềm vinh dự lớn lao cho đất nước đang ngày càng hội nhập vào thế giới văn minh, giàu mạnh.
Nhưng có thật vậy không?
Được biết ngày 15/3/19, tại Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ông Trần Đình Thiên trước đây là Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã đưa ra một nhận định không mấy lạc quan về năng lực kinh doanh và sự phát triển của thành phần kinh tế tư nhân.
Ông Thiên nói: “Tài năng doanh nhân Việt Nam tập trung vào đầu cơ chứ không phải đầu tư.”
Nhận định của ông Thiên căn cứ vào thực trạng kinh doanh của kinh tế tư nhân, nhất là hoạt động của thành phần thường được gọi là “đại gia”. Vì khi nhìn lại khối tài sản lớn tích lũy lâu nay của 5 tỷ phú được Forbes nêu tên, cũng như các triệu phú đô-la của Việt Nam hầu như tất cả đều đi lên nhờ vào kinh doanh bất động sản.
Triệu phú theo định nghĩa của tổ chức Wealth-X là những người sở hữu tài sản từ 1 triệu đến 30 triệu đô-la. Ngược lại với những doanh nhân của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan trong khu vực Á Châu và các quốc gia phát triển Tây phương, tỷ phú và triệu phú Việt Nam làm giàu không nhờ vào hoạt động kinh doanh sản xuất. Thế nhưng chính trong lãnh vực này mới đánh giá được tài năng và sự đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân lớn cho nền kinh tế quốc dân. Nói rõ ra, nhà giàu Việt Nam đầu tư thì ít mà đầu cơ thì nhiều.
Sản xuất hàng hoá cho dù được cho là công nghệ cao như VinGroup chế tạo xe hơi, cũng chỉ là bức màn che giấu chuyện đầu cơ đất đai. Trong thực tế những “ông lớn” này đang chứng tỏ họ đóng góp rất ít so với các công ty FDI. Đầu cơ đất đai để sinh lợi, nhanh chóng làm giàu cá nhân, nhưng chính ra họ đang hoạt động giữa môi trường kinh doanh đầy rủi ro một khi có biến động trong nền kinh tế.
Gần đây một số triệu phú ngành xây dựng của Việt Nam phất lên cũng chỉ nhờ vào sự khôn khéo móc nối với cán bộ chính quyền tham nhũng, dưới hình thức đổi đất lấy công trình. Trong vụ án Thủ Thiêm, Công ty cổ phần địa ốc Đại Quang Minh là một cái tên nổi bật ăn chia đất đai với các quan chức quyền lực của Thành Hồ. Đại Quang Minh được giao thực hiện 4 tuyến đường chưa tới 12 km giá đắt hơn vàng, đồng thời cũng đầu tư thực hiện dự án Cầu Thủ Thiêm 2 để nhận lại hàng trăm ha đất đáng lẽ dùng để tái định cư cho các gia đình bị giải toả.
Thủ thuật giao đất cho 51 công ty tham gia dự án để phân lô bán nền thực chất là cấu kết ăn chia giữa cán bộ cộng sản với nhà đầu tư. Không có gì khác hơn là chính quyền tham nhũng giúp cho họ có cơ hội đầu cơ kinh doanh đất đai để làm giàu một cách hợp pháp. Dĩ nhiên phần đô-la “dâng cúng” cho cán bộ chính quyền Thành Hồ phải là những phong bì dầy cộm.
Một trường hợp khác cho thấy, giữa kế hoạch mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất và dự án Long Thành 12 tỷ đô-la, thực ra cũng chỉ nằm trong sự kèn cựa giữa các lợi ích nhắm tới việc buôn bán đất đai của các “đại gia đỏ”. Thúc đẩy xây dựng phi trường Long Thành là dịp hốt tiền với hàng ngàn ha đất vùng phụ cận đang bị kẹt do dự án đình lại sau năm 2015. Nếu phi trường Long Thành được thực hiện, đất chiếm dụng của Tân Sơn Nhất từ nay vĩnh viễn nằm trong tay tướng tá Bộ Quốc phòng. Họ sẽ yên tâm bắt tay với các đại gia thân hữu tiếp tục xẻ thịt hàng trăm ha đất đang bỏ trống, vì Tân Sơn Nhất trở thành phi trường địa phương không còn nằm trong vòng tranh chấp của các thế lực đen tối.
Đây là những trường hợp điển hình cho thấy muốn giàu nhanh và giàu sụ thì đa số đại gia Việt Nam chỉ có con đường lao vào đầu cơ đất đai trong những dự án đang mở ra. Ông Thiên đã nói đúng không chỉ trong lãnh vực kinh tế, nơi mà ông có thừa kinh nghiệm. Nó còn có thể áp dụng chung cho hầu hết các quan chức CSVN chứ không riêng cho doanh nhân. Đó là những dự án nghìn tỷ lập ra không hề đầu tư cho tương lai đất nước mà chỉ mang dáng dấp của đầu cơ nhà đất, bất động sản, con đường ngắn nhất để đứng vào danh sách tỷ phú, triệu phú đô-la.
Hiện nay dự án thành lập 3 đặc khu Vân Đồn – Bắc Vân Phong – Phú Quốc đang được chính quyền cộng sản tìm cách một lần nữa biến thành luật thông qua quốc hội. Điều này chứng tỏ đảng CSVN chẳng những tỏ rõ quyết tâm kết nối với chính sách “Một Vành Đai, Một Con Đường” của quan thầy Bắc Kinh mà còn cung cấp cơ hội cho chủ trương đầu cơ đất đai của tầng lớp tỷ phú mới nằm trong lợi ích của đảng.
Thể chế độc quyền hiện nay cho phép cán bộ cộng sản có thể chạy chọt bằng tiền để có một chỗ ngồi tốt trong hệ thống cai trị. Cho nên từ lâu điều này đã trở thành một nhu cầu đầu cơ của các quan chức đảng sau khi đã bỏ công sức, tiền bạc ra để chạy chức chạy quyền. Hình thức đầu cơ bao trùm trong giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp, dầu khí và cả trong tôn giáo.
Điển hình nhất trong giao thông, hệ thống BOT thu phí giăng mắc chằng chịt từ Bắc chí Nam không khác một hệ thống đầu cơ độc quyền bóc lột trên quyền đi lại tự do của người dân. BOT chẳng phục vụ gì cho dân sinh và cũng chẳng mang lại lợi ích gì cho đất nước ngoài túi tiền của nhà đầu tư cấu kết với cán bộ tham ô.
Trong tôn giáo, hiện nay đang rộ lên phong trào xây chùa “thật hoành tráng” trước mắt là kinh doanh mê tín, hốt bạc trong các dịp lễ hội. Để xây một ngôi chùa gọi là lớn nhất vùng Đông Nam Á, nhà đầu tư được chính quyền cấp hàng ngàn ha đất thì số đất ấy sau khi xây chùa, số dư ra nhà đầu tư dùng để làm gì nếu không biến chúng thành khách sạn, nhà hàng phục vụ và phân lô bán nền cho các dịch vụ khác.
Nói cách khác, bất cứ một cán bộ CSVN nào một khi được đề bạt vào làm ở một ngành nào, họ không hề nghĩ tới hai chữ phục vụ cũng như không có nhu cầu tiến thân bằng tài năng, công việc. Tất cả đều nhắm vào cách liên kết với các nhóm lợi ích ngoài hoặc trong chính quyền để thao túng chính sách, đầu cơ đất đai, cố làm sao hái ra thật nhiều tiền , thật nhanh để hạ cánh an toàn.
Cho nên hiện tượng tham ô nhũng lạm trong bộ máy công quyền hiện nay nổi lên như rươi vì người ta chỉ “vào đảng để đầu cơ” cho mình và cho giòng họ.
Phạm Nhật Bình