Người Tàu đến Bình Định tìm mua nấm cực độc

- Quảng Cáo -

Người Tàu đến Bình Định tìm mua nấm cực độc

namHom
Nấm Hòm

Nấm độc có tên gọi là “nấm hòm” đang thu hút hàng trăm cư dân xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Ðịnh săn lùng để bán cho các thương lái người Trung Quốc từ đầu năm 2013 đến nay

Nhiều cư dân địa phương cho biết, thương lái Trung Quốc muốn mua số lượng lớn nấm hòm để làm thuốc chữa bệnh, với giá lên đến 15.000-20.000 đồng/kg. Gần đây, những người này còn nâng giá mua lên 30.000 đồng một ký vì nấm đang dần cạn kiệt.

Tại một số xã ở huyện An Lão, gần như nhà nào cũng có người lên rừng hái nấm. Thậm chí người dân huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi và huyện An Khê, tỉnh Gia Lai cũng tìm đến những cánh rừng ở xã An Toàn để săn tìm nấm độc. Người hái nấm thường hoạt động lén lút vì nhân viên kiểm lâm được lệnh bắt bớ, tịch thu nấm hái “chui.” Và vì mọi người đổ xô đi tìm hái nên nấm hòm dần dần biến mất. Bây giờ người ta phải đi sâu vào rừng mới tìm thấy.

- Quảng Cáo -

Nấm hòm có mùi rất khó chịu. Ngửi thử loại nấm này, chỉ vài phút sau thì cơ thể choáng váng, đầu óc quay cuồng như người bị trúng gió độc. Một người dân sống ở xã An Toàn cho biết, nấm hòm từ xưa đã nổi tiếng là “sát thủ giấu mặt.” Một người lớn chỉ cần ăn phải một miếng rất nhỏ thì có thể tử vong. Ðặc biệt là nấm được phơi khô, chất độc trong nấm càng phát ra nhiều.

Ông Nguyễn Xuân Ðào, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã An Toàn cho hay, xã có gần 800 dân đều vào rừng săn lùng nấm hòm. Ông nói, chính quyền địa phương đã có biện pháp giải thích và ngăn chặn, vì điều này không những gây nguy hiểm đến tính mạng người dân mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên rừng. Tuy nhiên dù tuyên bố cấm ngặt nhưng chính quyền cũng đành bó tay vì người dân bất chấp, tiếp tục đua nhau vào rừng.

 

Ngân sách Chính phủ CSVN kiệt quệ ?

ngansachvcBộ Tài Chính CSVN vừa đề xuất giảm 100.000 đồng mức lương tối thiểu của người làm ăn lương trong khu vực nhà nước vốn đã rất thấp so với mức sống thực tế là chỉ dấu cho thấy ngân khố quốc gia đang trong tình trạng ngặt nghèo.

Theo số liệu của Bộ Tài Chính được công bố thì đến đã giữa tháng 9.2013 mà ngân sách chỉ mới thu được 62,5% dự toán cho cả năm 2013 và dự báo năm nay thu ngân sách sẽ không đạt chỉ tiêu, chỉ vào khoảng chưa đến 40 tỷ Mỹ kim. Trong khi đó theo con số thống kê được trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam bội chi hơn 140.000 tỷ đồng, tức khoảng 7 tỷ Mỹ kim.

Nguyên nhân được chỉ ra là do tình hình kinh doanh khó khăn nên nhiều nguồn thu như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu… đều giảm.

Kinh tế gia Phạm Chi Lan được VnExpress dẫn lời nói bà hoan nghênh đề xuất giảm lương khu vực Nhà nước của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Theo bà Lan thì bộ máy Nhà nước hoạt động kém hiệu quả thì phải chịu giảm lương để chịu trách nhiệm cho tình hình kinh tế yếu kém như hiện nay. Bà cũng so sánh với khu vực tư nhân là ‘khi không làm ăn được, từ giám đốc tới nhân viên đều phải giảm lương’.

Tuy nhiên Kinh tế gia Hà Huy Thành, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu môi trường và phát triển bền vững thì không tán đồng với đề xuất trên vì theo ông Thành thì nền kinh tế Việt Nam chưa đến nỗi nào và có lẽ Bộ Tài chính hơi nóng vội.

Ông Thành bày tỏ nghi ngờ về những lời than vãn khó khăn của Bộ Tài chính do những số liệu về chi tiêu ở Việt Nam không được công khai lắm. Khi được hỏi về những biện pháp để cân bằng ngân sách, ông Thành đề nghị tăng thuế lên một số lĩnh vực còn làm ăn được và tung ra trái phiếu chính phủ để người dân đóng góp.

 

Tướng Vĩnh nói ông Nguyễn Phú Trọng nói không đúng sự thật

NPT&CutriHaNoiTheo thông cáo của Đảng CSVN thì tại hội nghị TƯ 8 lần này các ủy viên trung ương sẽ nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bí thư Ban cán sự Đảng chính phủ, trình bày báo cáo về tình hình đất nước để từ đó bàn bạc đánh giá và tìm giải pháp.

Bình luận về hội nghị này, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nói rằng: “Hiện tình chính phủ muốn đăng báo công khai nói thế nào thì nói nhưng thật sự kinh tế đã sa sút nghiêm trọng,”. “Đất nước đã tụt hậu xa so với các nước xung quanh. Khó khăn đầy dẫy.”

Theo ông thì “Tốt nhất là nên tư nhân hóa các tập đoàn kinh tế nhà nước mà phần lớn đều kêu lỗ vốn.”

Còn về cải cách chính trị, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cho rằng ‘Trung ương sẽ không bàn đổi mới chính trị đâu’.

Trong chương trình thì hội nghị trung ương cũng bàn thảo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, vốn giữ nguyên những nội dung về chế độ chính trị của Đảng, trước khi đưa ra Quốc hội thông qua trong phiên họp vào cuối tháng này.

Điều ông Vĩnh quan ngại là Trung ương Đảng phải ‘có biện pháp gì hữu hiệu’ chứ không phải là ra một nghị quyết rồi ‘cuối cùng không đi đến đâu’.

Tướng Vĩnh cũng nói ông Nguyễn Phú Trọng nói không đúng sự thật về kinh tế.

Vì, theo ông Nguyễn Trọng Vĩnh, “sự thật về kinh tế khó khăn hơn nhiều lắm”, và không phải như Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nói với cử tri Hà Nội trước thềm Hội nghị Trung ương rằng “kinh tế xã hội đang rất ổn định”.

Bình luận về vấn đề Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hai lần thất bại tại hai kỳ Hội nghị Trung ương liên tiếp khi các đề xuất của ông đưa ra đều bị đa số các ủy viên Trung ương bác bỏ. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nói rằng điều này ‘chứng tỏ tổng bí thư không được Trung ương tín nhiệm bao nhiêu’.

Tướng Vĩnh nói: “Nếu tôi ở trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng thì tôi xin với Trung ương từ chức.”

Bình về hội nghị, Tướng Vĩnh nói: “Từ trước đến giờ Đảng đề ra những nghị quyết nhưng cuối cùng đều không thực hiện được hoặc thực hiện ngược lại,”. Do đó ông không có hy vọng gì về việc Hội nghị 8 lần này sẽ có tác động tích cực gì đối với tình hình đất nước.

 

Thủy điện „rủ nhau“ xả lũ, dân hạ du „kêu trời không thấu“

nuocluHết vỡ đập ở Thanh Hoá, đến xã lũ ở Nghệ Anh vào ngày trước,  hôm 2.10.2013, hàng loạt thủy điện phía thượng nguồn tỉnh Quảng Nam cùng xả lũ một lúc khiến nước tràn xuống các huyện Duy Xuyên,  Quế Sơn làm nhiều nơi ngập nặng khiến đường xá hư hỏng và nhiều nơi còn trôi cả nhà cửa, tài sản người dân. Sáng ngày 3.10.2013, các thủy điện vẫn tiếp tục xả lũ khiến nhiều huyện hạ du bị ngập trong biển nước.

Tại nhiều xã người dân đi lại phải dùng thuyền con hay đò chở khách. Sông Thu Bồn có mực nước dâng cao do tiếp nhận nước từ các thủy điện xả ra. Nước sông Vạn Buồng cũng có tình trạng tương tự. Mực nước sông này cao gần 1 mét 50 và toàn bộ 80 hộ dân sống trong khu vực bị cô lập hoàn toàn.

Khoảng 12 trưa hôm nay các xã Quế Xuân 1, Quế Phú, Quế Xuân 2 bị ngập sâu và nhiều thôn bị cô lập hoàn toàn vì biển nước. Phố cổ Hội An cũng không thoát được hậu quả xả lũ, mực nước đã xấp xỉ báo động cấp 2 con đường Bạch Đàng dọc bờ sông đã ngập nước khiến hoạt động du lịch ngưng trệ hoàn toàn.

Sống ở đỉnh lũ lâu nay, nhưng thấy lũ là người dân lại lo sợ. Nước lũ lên rất nhanh, không kịp trở tay nên nhiều gia đình phải bỏ những vật dụng không cần thiết để chạy lũ. Mới đó, bão số 8, bùn non còn chưa kịp khô trong nhà thì nay đã phải gánh chịu một trận lũ khác.

Người dân không chỉ sợ ông trời đùng đùng nổi cơn thịnh nộ, mấy năm gần đây cứ tầm cuối tháng 8 đến đầu tháng 12 dương lịch là hàng chục nghìn hộ dân ở vùng hạ du lại nơm nớp lo cho sinh mạng và tài sản của mình trước tình trạng các nhà máy thủy điện “rủ nhau” xả lũ với lưu lượng rất lớn.

Ông Phan Văn Hưng, một cư dân ở thôn Phù Sa, xã Quế Xuân 1 than thở: Cứ mỗi mùa mưa bão bà con đã khổ lắm rồi, lại thêm “ông thủy điện” đồng loạt trút nước xuống đầu dân, cứ đà này kêu trời không thấu.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here