Cùng với nhiều bài hát khác, mùa xuân trong các nhạc phẩm của nhạc sĩ Hoài An đặc biệt vẫn là một trong những thứ gợi nhớ về một không khí dân dã miền Nam, đằm thắm và gần gũi một cách khó tả. Và dù đã nghe bao lần, qua bao thế hệ hát lên, các giai điệu này luôn quyến luyến đến mức sẽ có phút giây nào đó, có thể chính bạn là người đang bật hát khẽ theo nó.
Nhạc sĩ Hoài An sinh năm 1929, tên thật là Nguyễn Đắc Tịnh. Cuộc đời của ông để lại vài mươi bài hát, nhưng đặc biệt với các bài nhạc xuân thì luôn thành công và ghi dấu trong tâm tưởng của công chúng ở mọi miền.
Có thể kể hàng loạt các bài nhạc xuân lừng danh của ông như: Câu chuyện đầu năm, Ngày xuân thăm nhau, Tâm sự ngày xuân, Thiên duyên tiền định… so với nhạc sĩ Thanh Sơn (1938 – 2012), người được gọi là ông hoàng của những khúc ca mùa hè (Nỗi buồn hoa phượng, Lưu bút ngày xanh, Thương ca mùa hạ…) thì nhạc sĩ Hoài An có thể được ví như là vua của những bài hát ngày xuân đầy chất Việt.
Nhận định về các bài hát ngày xuân của nhạc sĩ Hoài An, nhà văn Nguyễn Đình Toàn từng viết rằng: “Nhạc Hoài An mộc mạc nhưng trữ tình, giản dị, dễ thuộc, gần như ai cũng có thể nhớ và hát được, dù người ta có không phải là ca sĩ chăng nữa. Có thể coi nhạc Hoài An một nửa là dân ca, một nửa là tình ca”.
Nhưng khác hơn nữa, là nhạc xuân của Hoài An mang đầy hy vọng, ước mong hoà hợp đôi lứa. Nhìn lại thời gian sống và sáng tác của ông, dễ dàng thấy rằng chiến tranh, đổ vỡ, hận thù… là thứ bao trùm tất cả, thế nhưng trong âm nhạc của ông lại luôn tràn ngập niềm tin vào tương lai. Có vậy mới biết tâm tư của nhạc sĩ Hoài An trong sáng, đầy yêu thương đến mức nào.
Trong các tâm tình được ghi lại trên các trang web, người ta kể với nhau rằng cứ tết đến, đặc biệt là ở Sài Gòn, gần như ở đâu người ta cũng nghe thấy bài Câu chuyện đầu năm của Hoài An, có thể là nơi quán xá, có thể là nơi các hàng quán bán băng đĩa nhạc, đến nỗi, nó trở thành một cái gì đó tựa như tín hiệu của mùa xuân. Tương tự như những bài hát Giáng sinh, cứ nghe bài hát Câu chuyện đầu năm, hoặc những bài nhạc xuân của nhạc sĩ Hoài An, là người ta lại nghĩ đến tết hay những ngày sắp tết. Nhạc khúc của ông “đóng đinh” vào lòng người là vậy.
Tập sách nhạc Câu chuyện đầu năm của Hoài An.
Ngay những lúc này, bước chân ra phố ngày xuân hay ghé lại nơi nào đó có âm thanh của bolero, chắc chắn bạn sẽ nghe thấy tiếng hát bay lên:
“Ta cùng nhau đón thêm mùa xuân
Xuân dù thay đổi biết bao lần
Xin khấn nguyền kết chặt tình thân…”
Những câu hát đó, thanh âm đó… dường như đã làm nên những ngày xuân huy hoàng, dựng lại một ký ức đẹp muôn đời trong trái tim mỗi người, cho dù trước mặt vạn dĩ là vô định và thiếu niềm vui.
Không chỉ sáng tác, nhạc sĩ Hoài An là một người chơi phong cầm giỏi, và cũng tham gia nhiều ban nhạc lưu diễn như ban Lửa Hồng, ban Sông Ngự… Nói chung, cả cuộc đời của ông là lòng đam mê cống hiến trọn vẹn cho âm nhạc, với những âm điệu miền Nam bất hủ, không gì thay thế được.
Là một người gầy gò, ít nói, nhất là khi gần về cuối đời, nhạc sĩ Hoài An lại còn gầy hơn với chứng bệnh phổi. Nhưng lúc nào những người gần gũi ông cũng bắt gặp nụ cười lặng lẽ và thân thiện. Trong các bài hát của ông, người ta hay bắt gặp hình ảnh dân gian về gieo bói, xin xăm, cầu nguyện… và mới trùng hợp làm sao, khoảng 15 năm trước khi mất, ông cũng lại trở thành người nghiên cứu về tử vi, được nhiều người tin cậy.
Một trong những bài hát để lại cuối cùng của ông có tựa đề là Sẽ lại gặp nhau, như một lời dặn đầy viễn mộng sau cùng của đời người nhạc sĩ đầy nuối tiếc tình yêu thế gian. Có lẽ như chính ông từng viết trong Câu chuyện đầu năm, rằng:
“Xuân đi rồi xuân đến,
cho nhân gian đầy lưu luyến…”