Nguyễn Hùng – VOA
Trong những ngày cuối năm con chó tôi muốn mua vui cho quý độc giả chút xíu. Xin kể hầu quý vị chuyện tiếu lâm mà chính cố Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, người có thú vui sưu tầm tiếu lâm Soviet, từng kể.
“Ba con chó từ Hoa Kỳ, Ba Lan và Nga gặp nhau. Con chó Hoa Kỳ nói: ‘Tôi cứ sủa lâu lâu một chút là sẽ có người mang thịt tới cho xơi.’”
“Con chó Ba Lan hỏi: ‘Thịt là gì vậy?’
“Con chó Nga hỏi: ‘Sủa là gì?’”
Giờ Ba Lan đã khá hơn rất nhiều nhờ xoá bỏ chủ nghĩa xã hội. Tại Anh có tới hơn một triệu người Ba Lan và thực phẩm Ba Lan xuất hiện nhiều ở cả các siêu thị lớn cũng như những cửa hàng nhỏ hơn của chính người Ba Lan.
Nhưng câu hỏi của con chó Nga vẫn còn đó. Có lần tôi gặp và phỏng vấn nữ ca sỹ Maria Alyokhina, thành viên của ban nhạc Pussy Riot từng bị chính quyền Putin bỏ tù, và cô nói:
“Đó là tình huống nguy hiểm khi các nhà báo bắt đầu phục vụ lợi ích của quyền lực vì đó là lý do tự do có thể bị mất đi.”
Cô cũng nói tin tức là những gì người dân đăng tải và tuyên truyền là điều chính quyền hay làm. Nước Nga khá hơn một số nước khác trong đó có Việt Nam vì dù sao họ vẫn có sở hữu tư nhân với báo chí. Nga cũng không còn là chế độ độc đảng dù các đảng chính trị đối lập đều bị Tổng thống Putin tìm cách vô hiệu hoá. Con chó Nga giờ đã biết sủa là gì nhưng sủa thì người ta cho đi tù chứ không mang thịt tới.
Điều trớ trêu đối với các nước xã hội chủ nghĩa là họ luôn tự nhận xã hội của họ tốt đẹp nhưng lại không dám để cho người dân tự nói ra điều đó bằng cách để họ được quyền ra báo, lập đài phát thanh hay truyền hình. Điều này đương nhiên dẫn tới những chuyện ngớ ngẩn.
Chẳng hạn mới đây Việt Nam bị cho là có mức độ tham nhũng “tăng nghiêm trọng” trong năm 2018, năm mà Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có vẻ đẩy mạnh chiến dịch “đốt lò”. Đáng ra truyền thông phải mổ xẻ kỹ vấn đề này và đặt câu hỏi liệu có phải chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng thực ra chỉ là cuộc chiến phe phái. Dĩ nhiên điều này không xảy ra mà người ta lại tập trung vào chuyện cô giáo cũ của ông Trọng nói sẽ cho ông những 10 điểm cho thư ông gửi chúc Tết.
Xem tin tức thời sự về Venezuela ngày nay nhiều bạn trẻ thấy xa lạ. Nhưng những người lớn tuổi hơn sẽ nhìn thấy Việt Nam của mấy chục năm về trước khi cả triệu người rời bỏ đất nước nghèo khó, lạc hậu và độc đoán để tìm tới bến bờ tự do và hạnh phúc thực sự. Về mức độ và cách thức có thể khác nhau nhưng hai nước theo đường lối xã hội chủ nghĩa này đều thuộc địa hoá chính đất nước mình. Cả hai đáng ra đều đã có thể phồn vinh và vững mạnh hơn nhiều nếu các chính trị gia không tham nhũng quyền lực và tự cho mình quyền tước đoạt những quyền căn bản của người dân trong đó có quyền “mở miệng”.
Năm Kỷ Hợi đang gõ cửa và chưa có dấu hiệu gì cho thấy mọi sự sẽ thay đổi ở cả hai nước trong tương lai gần. Cũng không rõ liệu một thập niên nữa có mang lại thay đổi gì đáng kể ở hai nước có chữ cái đầu tiên trong tên nước đứng cuối bảng chữ cái và bản thân hai nước này cũng đội sổ trong nhiều lĩnh vực. Ít ra hy vọng Việt Nam sẽ không quay trở lại thời như trong chuyện hài Soviet khác mà chính cố Tổng thống Reagan cũng từng kể:
“Ở Liên Xô ô tô là hàng hiếm và cứ bảy gia đình mới có một gia đình mua được ô tô. Người ta thường phải đặt cọc tiền trước và 10 năm sau mới được nhận xe. Một hôm có ông Liên Xô tới đặt cọc và được hẹn 10 năm sau quay lại. Ông liền hỏi: ‘Buổi sáng hay buổi chiều vậy?’. Nhân viên nhận tiền hỏi lại: ‘Những 10 năm nữa cơ mà, sáng hay chiều thì có gì quan trọng?’. Ông Liên Xô trả lời: ‘Thợ sửa ống nước hẹn đến buổi sáng.’”
Chúc mọi nhà đón Tết Kỷ Hợi vui vẻ và đầm ấm. Trong năm con lợn mọi người đừng quên câu nói của mấy con lợn quản lý chính quyền trong tiểu thuyết Trại Súc Vật của George Orwell: “Mọi con vật đều bình đẳng nhưng có những con bình đẳng hơn những con khác.”