Đã đến lúc bỏ đảng chưa? (phần 1)

- Quảng Cáo -

Trong những năm đói liên tục ngay sau 1975, người dân khắp nơi, đặc biệt trong Nam, ráng cười với nhau qua câu: sẽ có ngày “sao dzàng bảng đỏ” khắp nơi, (tức sẽ có ngày “sang giàu bỏ đảng” khắp nơi). Tuy có phần hả hê khoái chí nhưng bà con mình hồi đó phải ngó trước nhìn sau, nói nho nhỏ, và cười thì thầm.  Phải mất đến 47 năm sau, mới có một người dám nói lớn, nói công khai cho toàn dân nghe, nói bằng giấy trắng mực đen, nói từ giường bệnh của mình. Ông Lê Hiếu Đằng kêu gọi các đảng viên CSVN hãy mạnh dạn bỏ đảng.

Thật ra không phải bây giờ mới có đảng viên bỏ đảng hay bàn đến chuyện hãy cùng nhau vì nước bỏ đảng. Trường hợp có thể coi là điển hình đầu tiên sau 1975 là bác sĩ Dương Quỳnh Hoa (1930- 2006). Bà từng làm Bộ trưởng Y tế của chính phủ CMLTMNVN. Sau 1975, bà nhận ra: “Trong chiến tranh, chúng tôi sống gần nhân dân, sống trong lòng nhân dân. Ngày nay, khi quyền lực nằm an toàn trong tay rồi, đảng đã xem nhân dân như là một kẻ thù tiềm ẩn.” Không khí bao trùm những năm tháng thời đó vô cùng ngột ngạt nhưng bà vẫn nhất quyết đệ đơn chính thức ra khỏi đảng. Khi các thuyết phục và nỗ lực lấy gia đình bà ra hăm dọa không thành, ông Lê Đức Thọ chấp thuận cho bà ra khỏi đảng nhưng cấm tiết lộ với bất cứ ai trong vòng 10 năm.

Trường hợp điển hình thứ nhì của những người chọn lương tâm thay vì chọn đảng CSVN, một khi đã nhìn ra sự thật, là ông Nguyễn Hộ và các bạn hữu của ông trong Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ ở Sài Gòn, như ông Hồ Trung Hiếu, Bác sĩ Đỗ Thị Văn, ông Đỗ Trung Hiếu, v.v…. Họ chọn cách bỏ đảng bằng việc tham gia vào những hành động mà họ biết chắc sẽ bị khai trừ. Hành động mà họ chọn là nói lên sự thật về tình trạng đất nước, về khát vọng dân chủ và tự do của dân tộc.

Cách bỏ đảng ấy tiếp tục nơi ông Trần Xuân Bách, tướng Trần Độ, cựu đại tá Phạm Quế Dương, ông Hoàng Minh Chính, … của các thập niên trước, kéo dài đến những con người rất can đảm như cựu trung tá Trần Anh Kim, nhà văn Phạm Đình Trọng, cựu chủ nhiệm trường đảng Vi Đức Hồi, kỹ sư Nguyễn Chí Đức … của ngày hôm nay.

- Quảng Cáo -

Nhưng có lẽ ông Lê Hiếu Đằng và các bạn đồng chí hướng của ông là những người vẽ ra con đường trách nhiệm rõ nhất và cụ thể nhất cho những đảng viên Cộng sản còn lại:

Ông Đằng đặt câu hỏi: “Vậy tại sao chúng ta hàng trăm đảng viên không tuyên bố tập thể ra khỏi Đảng và thành lập một Đảng mới, chẳng hạn như Đảng Dân chủ Xã hội, những Đảng đã có trên thực tế trước đây cho đến khi bị Đảng CS bức tử phải tự giải tán.” Vì theo ông, ““Muốn có dân chủ thực sự thì phải thay đổi thể chế từ một nhà nước độc tài toàn trị chuyển thành một nhà nước cộng hòa với tam quyền phân lập: lập pháp, hiến pháp, tư pháp độc lập. Tư pháp độc lập thì mới có thể chống tham nhũng. Cần có Quốc hội lập hiến để soạn thảo và thông qua Hiến pháp mới.”

Tiếp liền theo đó, ông Hồ Ngọc Nhuận trong một bài viết mang tên Phá xiềng đã mạnh dạn kêu gọi: “Các bạn đảng viên cộng sản thật sự yêu nước, từng cả đời dấn thân đấu tranh vì lý tưởng độc lập Tổ Quốc, tự do dân chủ và nhân đạo, nhưng ngày càng nhận thấy đã bị đảng mình phản bội, mà số này là rất đông, hãy mạnh dạn dứt khoát đứng vào hàng ngũ Đảng Dân chủ Xã hội mới.”

Họ có cùng nhật xét về lý do bỏ đảng như ông Nguyễn Chí Đức: “Lý do bỏ đảng thì có nhiều như mưu sinh, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình v.v… và một lý do nữa là vấn đề về tư tưởng đã không còn tin vào chủ thuyết Cộng sản, chán ngán với hàng ngũ lãnh đạo cầm quyền….. Một nghịch lý, tuy Đảng rất đông thành viên nhưng nó đã mất lý tưởng, đại đa số đảng viên đã xa rời cương lĩnh của Đảng do chính họ viết ra.”

Họ cùng chia sẻ ước mơ của ông Nguyễn Trung trong bài viết Hoang tưởng và hiện thực: “Thông qua thay đổi hòa bình, đưa đất nước thoát khỏi trạng thái nhiễu nhương tê liệt hiện nay, mở ra cho đất nước một thời kỳ phát tiển mới.” Vì “Trên đời này chẳng có chủ nghĩa nào hay cuộc cách mạng nào, cũng chẳng có công nghiệp hóa – hiện đại hóa nào có thể lôi dắt đất nước ta ra khỏi quá khứ gian truân dằng dặc từ hai thế kỷ vừa qua và của bảy thập kỷ qua để đi tới Hạnh phúc – Văn minh mà chỉ có con đường của tự do dân chủ để phát triển.”

Nhưng có một điều cho tới giờ cả 4 vị trên và nhiều người can đảm đi đầu khác chưa đề cập đến, đó là câu hỏi: Còn cái sổ hưu thì sao?

Càng ngày lãnh đạo đảng không những càng không che đậy ý đồ dùng sổ hưu làm xích trói mà còn thường xuyên cho những cán bộ như  Đại tá – Phó Giáo sư  – Tiến sĩ – Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đăng Thanh đi dứ sổ hưu vào mặt đảng viên với lời cảnh cáo báng bổ: “Bảo vệ tổ quốc Việt Nam thời XHCN hiện nay có rất nhiều nội dung, trong đó có một nội dung rất cụ thể, rất thiết thực với chúng ta đó là bảo vệ sổ hưu cho những người đang hưởng chế độ hưu và bảo vệ sổ hưu cho những người tương lai sẽ hưởng sổ hưu, ví dụ các đồng chí ngồi tại đây.”

 

*****

Kính thưa quý thính giả, có cách nào để phá bung sợ xích “cuốn sổ hưu” mà đảng đang dùng để trói buộc các đảng viên vào với đảng hay không?Mời quý vị đón nghe phần hai bài viết của tác giả Phạm Nhật Bình, sẽ được gửi đến quý vị trong mục bình luận kỳ tới, sẽ bàn về những đề nghị cởi trói này.

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

  1. Thật ra thì nhân dân ta đã rõ thế nào là CS, nhưng mà khổ nổi là bọn chúng có trong tay một đội ngủ nô bọc quá hùng mạnh cho nên khó mà lật dỗ bọn chúng hơn thế nửa là bọn chúng có hơn 3600 đảng viên và thân nhân của đám ĐV đó vì tư lợi nên đành phải bán rẻ lương tâm để mà sống còn với sự nghiệp của bọn chúng, muốn chiến thắng CS điều trước nhứt là chúng ta làm sao cho người dân chiến thắng sư sợ hãi, như dân tộc Ấn chiến thắng QĐ Anh Quốc dành lại độc lập cho QG của họ.

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here