Phải “phi đảng phái” Quân Đội

Ảnh: AFP 2018/Hoang Dinh Nam
- Quảng Cáo -

Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân

Nỗi lo sợ thường xuyên của Đảng, chính là âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội được gán cho “các thế lực thù địch”, một thứ âm mưu tưởng tượng của Ban Tuyên Giáo Trung Ương, ám chỉ các cuộc vận động dân chủ trong và ngoài nước. Vì thế báo Quân Đội Nhân Dân có hẳn một chuyên mục Chống Diễn Biến Hòa Bình để các cây bút tuyên giáo trổ tài biện luận, bài bác hầu bảo vệ quan điểm của Đảng.

Mới đây bài phân tích “Nhận diện những phương thức mới trong thực hiện âm mưu ‘phi chính trị hóa’ quân đội” của tác giả Nguyễn Vĩnh Thắng là một trong những bài báo vô bổ như vậy. Vì khi đọc qua những gì tác giả trình bày, cái gọi là “phương thức mới” ấy cũng chỉ là những lời cáo buộc cũ rích đã từng được lặp đi lặp lại nhiều lần trên các trang báo Đảng đang thiếu người đọc. Một lần nữa bài báo cho thấy quyết tâm bám chặt vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản đối với quân đội, trong tình thế tổ chức này không còn là một tổ chức thuần nhất về tư tưởng như Đảng mong muốn.

Tuy nhiên trong cố gắng nắm lấy hai cột trụ công an và quân đội để tồn tại, sự kêu gào của tác giả bài báo chống “phi chính trị hóa quân đội” là một quan điểm sai lầm. Chẳng những vậy nó còn cho thấy đây là một thái độ lật lọng và không dám nhìn thẳng vào sự thật của chế độ CSVN.

- Quảng Cáo -

Sự thật ấy là trong xã hội ngày nay, hai chữ chính trị gắn liền với mọi công dân, mọi đoàn thể trong và ngoài chính quyền. Đó chính là cách ứng xử phổ biến trong sinh hoạt con người cấu thành một xã hội đa dạng từ những hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục. Ngay cả các hoạt động của quân đội một đất nước cũng không ra ngoài ý nghĩa đó.

Không ai dùng kiểu nói “phi chính trị hóa” quân đội như ông Tiến sĩ Nguyễn Vĩnh Thắng, vì nói như thế trong thực tế là phủ nhận tất cả những việc làm của tổ chức này. Tự thân những hoạt động của quân đội hay công an trong một chính quyền đã là hành xử chính trị rất rõ ràng, không thể nói khác đi được. Giữ gìn trật tự xã hội, duy trì an ninh quốc gia, bảo vệ tổ quốc nếu không mang một ý nghĩa chính trị truyền thống thì liệu nó còn có nghĩa gì?

Do đó dùng “phi chính trị hóa quân đội” là hoàn toàn không đúng trong thực tế. Sự sai lầm này có thể do không hiểu cặn kẽ mối quan hệ giữa các giai tầng trong xã hội hoặc cố tình bóp méo nhiệm vụ cao cả muôn đời của quân đội là bảo vệ đất nước chống ngoại xâm, qua đó chính là bảo vệ cuộc sống người dân. Nhiệm vụ ấy của quân đội Việt Nam ngày nay trở nên thứ yếu vì đảng chỉ cần sự trung thành tuyệt đối để sẵn sàng lao vào chỗ chết thay cho Đảng.

Trong chế độ cộng sản, các cơ quan tuyên truyền của Đảng thường dùng ý thức hệ “chuyên chính vô sản” để tròng lên mọi nhiệm vụ của quân đội, bắt quân nhân phải tự hào về nền chuyên chính mờ mịt này. Không có gì khác hơn Đảng muốn chống lại nguy cơ quân đội chuyển hóa sang chính trị tư sản mà những người cộng sản coi là loại chính trị phản động. Nhưng dù bóp méo sự thật và răn đe bằng luật Đảng, sự chuyển hóa này ngày nay trở thành con đường tất yếu. Vì quân đội đã dần dần nhận thức được chuyên chính vô sản chỉ là sự giải thích gượng ép của tuyên giáo nhằm che giấu mục tiêu tối hậu của đảng cộng sản là thiết lập một nền độc tài toàn trị lâu dài.

Hiện nay trên thế giới chỉ có ở dưới các chế độ cộng sản còn sót lại như Việt Nam, trong quân đội mới có hệ thống cấp ủy được lập ra trong mọi đơn vị từ trên xuống dưới. Đảng thường tự hào đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt giúp Đảng có mặt và nắm được quyền chỉ huy, điều động các hoạt động của quân đội. Chính sợi chỉ đỏ này kiểm soát, chỉ đạo tư tưởng người quân nhân và hạn chế một cách ngặt nghèo quyền chỉ huy của người đứng đầu đơn vị. Vì trong thực tế quyền quyết định mọi thứ trong đơn vị quân đội đều nằm trong tay viên chính ủy thay vì người tư lệnh. Đảng trong quân đội, Đảng chi phối và tiêu diệt luôn tinh thần yêu nước cố hữu của quân đội để chỉ biết “trung với Đảng” trước khi “hiếu với dân”.

Cũng do ý niệm chuyên chính vô sản, đảng CSVN tự biến mình thành người cha đẻ của quân đội trong lúc vẫn gọi nó là “quân đội nhân dân” mà không dám gọi thẳng “quân đội của Đảng” dù rất muốn. Trong mọi hoàn cảnh Đảng lúc nào cũng kêu gào lòng trung thành tuyệt đối của quân nhân các cấp. Nhưng ngày nay, trung thành với một đảng cầm quyền bóp nghẹt tự do dân chủ là đi ngược lại nhiệm vụ của quân đội. Đó là chiến đấu bảo vệ người dân và gìn giữ hòa bình cũng như bảo vệ đất nuớc trước nạn ngoại xâm. Quân đội là tập thể xuất phát từ nhân dân và chỉ phục vụ cho nhân dân và đất nuớc đã sinh ra và nuôi dưỡng nó. Những người hy sinh để bảo vệ đất nước là những anh hùng của quốc gia.

Cũng như truyền thống của quân đội các nước trên thế giới, quân đội Việt Nam thực sự không cần chiến đấu để bảo vệ cho cá nhân hay trung thành với bất cứ đảng phái nào, cho dù là đảng cầm quyền. Do đó, cần phải nói cho chính xác là phải “phi đảng phái” quân đội. Cụ thể hơn, phi đảng phái quân đội là phải tức khắc loại bỏ bộ máy đảng trị trong quân đội, tức dẹp bỏ các cấp ủy Đảng lâu nay kềm kẹp hoạt động của quân đội.

Có như vậy quân đội mới thực sự là quân đội nhân dân, chỉ chiến đấu bảo vệ đất nước và nhân dân chứ không phải bảo vệ nền độc tài đảng trị.

- Quảng Cáo -

4 CÁC GÓP Ý

  1. Dảng csvn ! rút kinh nghiệm
    cũa cs bạn dấy mà. Quân dội
    dã ” phi dạn” vào dầu cả vợ,
    chồng Tbt khi ra ra lệnh cho
    quân dội dàn áp nd biểu tình
    bằng vũ lực.

  2. Thằng kia nó vừa chửu khéo thằng heo rằng “không làm được thì dẹp đi”. Có nghĩa là anh Bắc Hàn đã ngộ ra chân lý theo cộng sản chỉ làm đất nước ngày càng kiệt quệ, bản thân thằng độc tài bị bao vây đầy rẫy hiểm nguy giết chóc từ trong nước tới quốc tế. Người dân ở nước cộng sản không thể khổ hơn được, chánh quyền cộng sản không thể mãn nhãn được, và chế độ cộng sản không thể trường tồn được. Nên heo nó bỏ cộng sản theo Hàn bổn cmnr các đồng chí ơi.

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here