Nguyễn Ái Quốc và vua Gia Long

Vua Gia Long, người khai sáng triều Nguyễn, được đánh giá trái ngược nhau qua 2 tác phẩm cùng mang tên tác giả là Nguyễn Ái Quốc. Ảnh: motthegioi.vn
- Quảng Cáo -

Nguyễn Đình CốngBauxite Việt Nam |

Vừa qua Nguyễn Khắc Phê (NKP) có bài “Một đề tài khoa học thú vị về 2 tác phẩm (TP) của Nguyễn Ái Quốc (NAQ)”. TP1, “Lời than vãn của Bà Trưng Trắc”, năm 1922, tác giả là NAQ. TP2, “Lịch sử nước ta”, năm 1941, tác giả là Hồ Chí Minh (HCM). TP1 có đoạn ca ngợi Gia Long, ông Tổ triều Nguyễn: ”là người quả cảm vô song, đức hạnh trong sáng…, đã để lại một đất nước giàu có, một dân tộc độc lập, một quốc gia được kẻ mạnh vì nể và kẻ yếu kính mến, với một tương lai đầy sức sống và triển vọng”. TP2 có mấy câu: “Gia Long lại dấy can qua / Bị Tây Sơn đuổi, chạy ra nước ngoài / Tự mình đã chẳng có tài / Nhờ Tây qua cứu, tính bài giải vây / Nay ta mất nước thế này / Cũng vì vua Nguyễn rước Tây vào nhà / Khác gì cõng rắn cắn gà / Rước voi dầy mả thiệt là ngu si”.

NKP cho rằng 2 TP của cùng một tác giả, nêu ra 2 đánh giá ngược nhau về một con người. Đây là một đề tài khoa học thú vị. Tôi xin có vài ý kiến trao đổi.

NKP cho HCM năm 1941 chính là NAQ năm 1922, nhưng có thể không phải như vậy. Từ trước năm 1922, tại Pháp, NAQ là bút danh của một nhóm người Việt yêu nước, chứ không phải là tên riêng của ai cả. Ban đầu nhóm này gồm 4 người là Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, sau có thêm Nguyễn Tất Thành. Từ năm 1924, nhóm trên tan dần. Một số về nước, Nguyễn Tất Thành sang Liên Xô, khai tên là NAQ và sau 1940, lấy tên HCM. Như vậy HCM viết TP2 và NAQ viết TP1 có nhiều khả năng là 2 người khác nhau. Không thể cho rằng tất cả hoạt động và tác phẩm của NAQ tại Pháp đều là của Nguyễn Tất Thành-HCM.

- Quảng Cáo -

Cũng có thể TP1 và TP2 do chỉ một người viết vào 2 thời kỳ khác nhau. Điều này là thường tình chứ không có gì quá đặc biệt. Vào thời kỳ 1922, những người Việt, với lòng yêu nước trong sáng, có lòng tự hào dân tộc, chưa bị tiêm nhiễm về cách mạng vô sản, đã thấy Gia Long là một ông vua có công. Năm 1941, sau khi bị thuyết phục bởi lập luận đấu tranh giai cấp, một số người xem Gia Long là kẻ thù. Việc này có hình thức tương tự như một thời người ta tôn xưng vị này vị nọ là lãnh tụ, dựng tượng để chiêm bái, rồi sau đó phát hiện ra bị nhầm, lại tốn công phá bỏ. (Hoặc ngược lại, vào lúc nào đó xem người ấy, kẻ kia là tội đồ, nhưng sau mới biết họ là anh hùng, là bậc cứu thế).

Vậy từ 2 đánh giá ngược nhau cần nghiên cứu để biết đâu là bản chất. Đó mới là đề tài thú vị của khoa học về lịch sử. Ngoài ra cũng nên xác định xem trong các TP ký NAQ, cái nào thực sự do Nguyễn Tất Thành viết, cái nào là của nhóm 4 người ban đầu, không nên quy tất cả TP đó cho chỉ một người.

TP1 được viết bằng tiếng Pháp (Les lamentations de Trung Trac), đăng báo L’ Humanite’. Khi công bố bằng tiếng Việt, nhiều bản đã bỏ đoạn ca ngợi Gia Long. Tháng 8 / 2012, trên tạp chí Xưa và Nay, Đào Hùng và Thủy Trường đã công bố lời dịch đoạn bị bỏ sót đó, và gần đây Nguyễn Khắc Phê nhắc lại. Xin chân thành cám ơn các tác giả vừa nêu đã cung cấp sự kiện để mọi người có thêm thông tin khi suy nghĩ và đánh giá, tránh bị nhầm lẫn do vô minh, bị mắc vào bẫy ngụy biện. Phải chăng đây là ý muốn tốt đẹp của những người tôn trọng lịch sử.

- Quảng Cáo -

9 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here