Biểu lộ không thèm che giấu của thủ tướng Campuchia – ông Hun Sen – về “nghi ngờ giới lãnh đạo Hà Nội đã ‘đi đêm’ với đối lập Campuchia về vấn đề biên giới giữa hai nước”, đã khiến toát lộ bằng chứng rõ rệt về một sự thật: khác hẳn với một thập kỷ trước, những năm gần đây và đặc biệt từ năm 2017 đến nay, Việt Nam không còn “nắm” được Hun Sen nữa.
Đàm phán bí mật
Đài VOA cho biết vào ngày 14/3/2018, khi tham dự lễ khánh thành cầu Kompong Cham-Koh Pen, Thủ tướng Hun Sen đã bất thần phát ra những phát biểu có phần giận dữ, đặt câu hỏi về lòng trung thành của đồng minh lâu năm Việt Nam sau khi có thông tin cựu lãnh đạo đảng đối lập Sam Rainsy từng bí mật đàm phán với một cựu Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN với Australia. Ông Hun Sen còn nói các cuộc họp đều có ghi lại biên bản và ông sẽ tìm cách có được biên bản trên để tìm hiểu thêm về cuộc đàm phán bí mật giữa cựu lãnh đạo đối lập Rainsy và Ngoại trưởng Việt Nam.
Trước đó, hôm 12/3, một tài khoản Facebook đã đăng 3 tấm ảnh chụp cựu lãnh đạo Sam Rainsy của đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP, bị ông Hun Sen giải thể gần đây) bí mật đàm phán về vấn đề biên giới với Bộ trưởng Ngoại giao và các nhà ngoại giao cấp cao của Việt Nam tại Hà Nội và Tây Ninh vào năm 2003-2004.
Theo thông tin từ tài khoản trên, ông Sam Rainsy đã đồng ý với đề xuất của Việt Nam về một số vấn đề dọc theo biên giới Campuchia – Việt Nam mà trước đó đã bị Thủ tướng Hun Sen phản đối.
“Tại sao anh lại đàm phán bí mật? Anh xúc phạm tôi giống như một con rối của Việt Nam à?”, Phnom Penh Post dẫn lời chất vấn của ông Hun Sen.
“Anh muốn cắt bỏ 4 tỉnh ư, đây không phải là chuyện nhỏ”, Thủ tướng Campuchia nói trong bài phát biểu ngày 14/3. “Anh buộc tội Hun Sen cắt đất dâng Việt Nam, nhưng bây giờ chúng tôi đã thấy bộ mặt thật của anh”…
“Lòng trung thành đồng minh” đổ vỡ
Trái hẳn với “truyền thống” giữ quan hệ và phát ngôn tế nhị với Việt Nam trước đây, Hun Sen đang chủ động làm cho mọi việc tung tóe. Những phát biểu đầy phẫn nộ của ông được truyền trực tiếp cho báo chí Campuchia đăng tải – một cách gián tiếp xỉ vả giới chóp bu Hà Nội.
Vậy chẳng lẽ chuyến công du Campuchia vào tháng Bảy năm 2017 của tổng bí thư đảng cầm quyền ở Việt Nam – Nguyễn Phú Trọng, cùng 25 triệu USD mà ông Trọng rút từ ngân sách và tiền đóng thuế của dân Việt để tài trợ cho Campuchia – lại công cốc?
Khi đó, báo đảng Việt Nam đã lập tức tuyên giáo: “hai bên đã ký một số văn kiện quan trọng, như tuyên bố chung về tăng cường hợp tác và hữu nghị, một hiệp định khung về kết nối kinh tế, một nghị định thư về hoạt động cứu hộ thiên tai dọc theo biên giới, biên bản ghi nhớ về việc phát triển nhà máy thủy điện và về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực viễn thông”.
Truyền thông Việt Nam còn miêu tả chuyến thăm Campuchia của ông Trọng là “một dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng trong quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia”.
Thông tấn xã Việt Nam cũng mô tả cảnh người dân Campuchia tưng bừng đón tiếp người đứng đầu đảng cầm quyền tại Việt Nam: “Dọc hai bên đường từ sân bay quốc tế Pochentong về Hoàng cung, hàng nghìn người dân và thanh thiếu niên Campuchia cầm cờ, hoa, vẫy chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng… Từng đàn chim bồ câu bay lượn trên bầu trời, trước cửa Hoàng cung – hình ảnh sinh động của hòa bình và hữu nghị”…
Nhưng chỉ hơn hai tháng sau chuyến đi “tưng bừng đón tiếp” trên, “hình ảnh sinh động của hòa bình và hữu nghị” đã bị một cú giáng ngã ngửa: Bộ Nội vụ Campuchia tuyên bố bắt đầu xúc tiến kế hoạch thu hồi giấy tờ tùy thân, mà thực chất là thu hồi quyền công dân, của gần 70.000 người, đa phần là gốc Việt, đang sinh sống tại Campuchia.
Cuộc khủng hoảng Việt Nam – Campuchia có thể sẽ là thật, sau khi đã khởi đi bằng một vấn đề xã hội chứ không phải ngoại giao hay kinh tế, quân sự, nhưng là mâu thuẫn xã hội với một tầm mức đủ gây xáo động mạnh trong dư luận, còn giới chóp bu Việt Nam ăn không ngon miệng.
Kể từ thời điểm năm 1979 khi quân đội Việt Nam “tiếp quản” Campuchia từ Khơmer Đỏ và thay thế chế độ diệt chủng này bằng chế độ của Thủ tướng Hunsen, chưa bao giờ Hun Sen lại xa rời tầm tay của Bộ Chính trị Hà Nội như lúc này.
Từ vị thế một quốc gia được xe là “anh cả” trong khối ba nước Đông Dương, giờ đây Việt Nam có thể còn phải thật sự lo sợ sự thay đổi nhanh chóng của Hun Sen – nhân vật đang có nhiều dấu hiệu đi theo khuynh hướng độc tài và độc trị của Tập Cận Bình.
Nguy cơ xung đột quân sự “Mặt trận Campuchia” đang có chiều hướng nóng rẫy. Không có bất kỳ cam kết nào có thể chứng minh được của Campuchia về việc sẽ không khơi lại những xung đột biên giới giữa hai nước, dẫn đến những dấu hiệu về quân đội Việt Nam đã âm thầm gia tăng lực lượng ở biên giới Tây Nam.
Bóng ma cuộc chiến biên giới Tây Nam những năm 1978 – 1979 đang âm thầm trở lại./.
Csvn còn hèn cả với hunsen?