Nguồn: Anatole Kaletsky, “Fake Brexit or No Brexit”, Project Syndicate, 20/12/2017. Biên dịch: Phan Nguyên
Kể từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm ngoái, nước Anh đã được so sánh như một kẻ tự tử nhảy từ tòa nhà 100 tầng và trong khi rơi qua tầng 50 vẫn hét lên “Cho tới lúc này mọi thứ vẫn ổn”. Sự so sánh này dường như không công bằng với những người tự tử. Thông điệp chính trị và kinh tế thực sự ngày nay là “Cho tới lúc này mọi thứ rất tệ”.
Thỏa thuận bắt đầu các cuộc đàm phán về một mối quan hệ hậu Brexit được tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 15/12/2017 diễn ra sau khi Thủ tướng Theresa May chấp nhận tất cả các đòi hỏi mà các lãnh đạo châu Âu đưa ra, bao gồm Anh phải đóng góp ngân sách 50 tỷ Euro cho EU, Tòa án châu Âu có thẩm quyền xét xử đối với quyền của công dân EU ở Anh, và việc mở cửa biên giới vĩnh viễn với Ireland.
Nhượng bộ cuối cùng là một bước ngoặt lớn. Việc mở cửa biên giới với Ireland đã buộc bà May từ bỏ lời hứa “giành lại quyền kiểm soát” từ Liên minh châu Âu và khuôn khổ điều tiết của tổ chức này. Điều này được khẳng định trong Thông cáo chung của Hội nghị thượng đỉnh: “Khi chưa có các thỏa thuận được thống nhất, Vương quốc Liên hiệp Anh sẽ duy trì việc tuân thủ đầy đủ các quy định của Thị trường Nội khối và Liên minh Thuế quan vốn hiện tại cũng như tương lai hỗ trợ cho hợp tác Bắc – Nam.”
Kết quả của nhượng bộ tối quan trọng này về vấn đề Ireland là việc hai kịch bản thường được đề xuất cho mối quan hệ của Anh với EU giờ đây có thể bị bác bỏ. Với việc không có đa số trong Quốc hội để rút lại thỏa thuận này, một “Brexit cứng” trong đó nước Anh hủy bỏ tất cả các quy định của Liên minh châu Âu và tiến hành các hoạt động thương mại dựa trên các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới đã trở thành điều không thể. Và một “Brexit mềm” mà qua đó Anh nỗ lực duy trì các lợi ích thương mại của tư cách thành viên EU nhưng không phải chịu các ràng buộc về mặt chính trị cũng trở thành hoàn toàn không thể chấp nhận được bởi vì các lãnh đạo châu Âu từ chối cho phép Anh “kén cá chọn canh” như vậy. Và giờ đây EU đã chuyền bóng sang sân của Anh.
Nếu cả Brexit cứng và mềm đều bị loại trừ thì đâu là những lựa chọn khác còn lại? Lựa chọn rõ ràng nhất sau khi canh bạc bầu cử sớm của bà May thất bại là một dạng tư cách thành viên EU liên kết tương tự như của Na Uy. Anh sẽ duy trì nhiều đặc quyền thương mại hiện tại để đổi lấy việc tuân thủ các quy tắc và quy định của EU, bao gồm việc dịch chuyển lao động tự do, đóng góp cho ngân sách EU, và chấp thuận thẩm quyền của luật pháp EU. Dù bà May đã dại dột bác bỏ tất cả ba điều kiện này vào hồi đầu năm nay, kết quả khả dĩ của các cuộc đàm phán về Brexit sẽ làm lu mờ tất cả các “giới hạn đỏ” mà bà đưa ra.
Trong khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các nhà kinh tế sẽ hoan nghênh một kiểu “Brexit giả” tương tự như trường hợp của Na Uy thì điều này vẫn sẽ mang lại những tổn thất chính trị lớn. Nước Anh sẽ phải tuân thủ các luật lệ, quy định và phán quyết pháp lý của EU mà không hề có tiếng nói nào. Thay vì là một “người đưa ra luật chơi”, nước Anh sẽ trở thành một “người chấp nhận luật chơi” hoặc, nói theo ngôn ngữ biểu cảm của những người ủng hộ Brexit gần đây, nước Anh sẽ từ một nước đế quốc trở thành một “quốc gia chư hầu” hay một “thuộc địa” của EU.
Địa vị “người chấp nhận luật chơi” này là điều nước Anh đã yêu cầu cho giai đoạn hai năm chuyển tiếp bắt đầu từ tháng 4/2019. Bà May tuyên bố rằng đây chỉ là một dàn xếp “hoàn toàn có giới hạn về mặt thời gian” trong khi bà thương lượng một Hiệp định Thương mại Tự do với EU. Nhưng EU đã liên tục làm rõ rằng khoảng thời gian 2 năm là quá ngắn để thương lượng ngay cả một Hiệp định Thương mại Tự do đơn giản, chưa nói tới một thỏa thuận “đáp ứng trí tưởng tượng và theo nhu cầu” mà bà May tìm kiếm.
Thực tế, Anh dường như không có cơ hội để đàm phán một mối quan hệ đối tác đặc biệt và sâu sắc mà bà May đã hứa hẹn. Đơn giản là các lãnh đạo Châu Âu sẽ không thể cho phép các ngành công nghiệp dịch vụ của Anh có quyền tiếp cận thị trường đơn nhất của EU mà không áp đặt các điều kiện pháp lý và ngân sách giống như những gì Na Uy và Thụy Sĩ đã chấp nhận.
Vậy thì điều gì sẽ diễn ra khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào tháng 4/2021? Câu trả lời khả dĩ duy nhất là một giai đoạn quá độ kéo dài nhằm tránh một sự gián đoạn tai hại về kinh tế và thương mại ngay trước khi các cuộc bầu cử của Anh được tổ chức vào năm 2022. Và giả sử giai đoạn quá độ được gia hạn từ năm 2021 tới năm 2023 thì các giai đoạn gia hạn tiếp theo chẳng phải nhiều khả năng sẽ tiến hóa thành một dàn xếp bán vĩnh viễn hay sao? Quan hệ của Na Uy với EU thông qua Khu vực Kinh tế châu Âu vốn được thiết kế như một giai đoạn chuyển tiếp tạm thời giờ đây đã kéo dài được 24 năm.
Kịch bản “Hotel California”, mà trong đó “bạn có thể check out bất cứ lúc nào bạn thích nhưng bạn không bao giờ có thể rời đi” rốt cuộc sẽ làm cả những người ủng hộ lẫn phản đối Brexit nổi giận. Vậy thì các lựa chọn khác là gì?
Nếu một Brexit cứng là không thể chấp nhận được về mặt kinh tế đối với các doanh nghiệp và Quốc hội Anh, thì một Brexit mềm cũng không thể chấp nhận được về mặt chính trị đối với các lãnh đạo EU, và một “Brexit giả” cũng là không thể chấp nhận được đối với hầu hết tất cả mọi người. Điều này dẫn tới một lựa chọn duy nhất: không có Brexit nào cả.
Hoàn toàn có thể từ bỏ Brexit bằng cách hủy thông báo rút khỏi của Anh theo Điều 50 của Hiệp ước về Liên minh châu Âu. Quyết định này sẽ phải được đưa ra bởi Quốc hội Anh trước thời hạn theo quy định của hiệp ước là ngày 29/03/2019 và có thể cần phải được phê chuẩn bởi một cuộc trưng cầu dân ý khác.
Một điều kiện cần cho các sự kiện này sẽ là sự sụp đổ của chính phủ bà May, điều có thể xuất phát từ một cuộc nổi loạn của những người ủng hộ Brexit chống lại các điều kiện “quốc gia chư hầu” mà EU áp đặt trong giai đoạn chuyển tiếp. Trong hoàn cảnh đó, một cuộc tổng tuyển cử dường như chắc chắn sẽ dẫn tới sự ra đời của một liên minh do Công Đảng dẫn dắt dựa trên lời hứa sẽ suy nghĩ lại về Brexit. Đây chính là kịch bản được gợi ý bởi một trong những người ít ỏi còn lại trung thành với bà May, Bộ trưởng Y tế Jeremy Hunt, người đã trở thành lãnh đạo cao cấp đầu tiên của Đảng Bảo thủ thừa nhận công khai rằng Brexit có thể không bao giờ diễn ra nếu những người hoài nghi EU nổi loạn chống lại bà May.
Hiện tại, mối đe dọa về một chính phủ của Công Đảng đã đủ lớn để làm những người ủng hộ mạnh mẽ Brexit phải chùn tay. Nhưng việc những người nghi ngờ EU bị buộc phải xuống nước sẽ làm gia tăng khả năng bà May thương lượng một quá trình chuyển tiếp kiểu “quốc gia chư hầu”, một điều sẽ biến thành cơn ác mộng “Hotel California” không thể thoát ra được dựa trên mô hình Na Uy.
Khi những người ủng hộ Brexit hiểu được thế lưỡng nan này, họ có thể quyết định hạ bệ bà May và chấp nhận rủi ro phải tiến hành một cuộc tổng tuyển cử thay vì hợp tác đưa nước Anh trở thành một “quốc gia chư hầu”. Kẻ nhảy lầu tự tử vẫn đang rơi xuống và cho tới khi anh ta rơi qua cửa sổ tầng trệt, chúng ta vẫn chưa biết được liệu anh ta có được gắn vào một sợi dây bungee nào hay không./.
***
Anatole Kaletsky là Nhà Kinh tế Trưởng và Đồng Chủ tịch của Gavekal Dragonomics. Từng bình luận cho tờ Times of London, International New York Times và Financial Times, ông là tác giả cuốn Capitalism 4.0: The Birth of a New Economy.
Copyright: Project Syndicate 2017 – Fake Brexit or No Brexit
Đất nước Tự do rơi… còn có sợi dây bảo hộ.
Nước cs nhất là cs Việt cộng. Thì tuyệt đối là chư hầu, Để dể tham nhũng. Dây bảo hộ cũng bán mẹ nó luôn, nếu có nhé.!
( Nhưng kg có )
.