Câu chuyện nóng nhất trong tuần này, có lẽ không riêng gì chuyện nhà nước tăng thuế đất phi nông nghiệp lên 200%, 300%, thậm chí 700%. Mà có lẽ chuyện về trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang là câu chuyện hot nhất trong tuần, thậm chí trong tháng và trong năm, mà sâu xa hơn nữa là hot nhất trong lịch sử cầm quyền của chế độ Cộng sản.
Chuyện nóng của tuần, của tháng, của năm thì nghe ra hợp lý, nhưng sao lại xem đây là chuyện nóng nhất trong lịch sử cầm quyền của người Cộng sản? Câu trả lời nằm trên hai lý do: Chuyện tưởng như chơi này lại là dấu ấn rất lớn trong nhận thức của người lao động mà ít ai ngờ tới, đó là giới tài xế lái xe; Nhà nước đã để cho các cơ quan cấp dưới làm nhục chế độ một cách công khai và quả nhục này không thể nào gỡ được.
Ở khía cạnh nhận thức của giới tài xế, có thể nói rằng câu chuyện giới tài xế ờ Quảng Bình, Hà Tĩnh dùng tiền lẻ để phản đối việc thu tiền trạm chặt chém là ngòi nổ, khai mở cho quả bom Cai Lậy lần này. Sự việc ở Cai Lậy đã phát triển theo chiều hướng nhà thầu và nhà nước bất lực, bó tay bởi họ càng nói càng lộ cái sai, chưa kịp vuốt mặt cho quả đắng này thì lại gặp tiếp quả đắng báo chí phanh phui vụ khai khống 2 chiếc cầu trong xây dựng.
Và ai cũng nghĩ rằng giới tài xế luôn cắn răng chịu đựng mọi thứ bởi họ có thể bị công an thổi phạt, ép lỗi bất kì giờ nào. Nhưng “con giun xéo lắm cũng oằn”, không phải tự dưng, vô cớ mà có hàng loạt cái chết thương tâm của các cảnh sát giao thông do tài xế cho xe cán chết. Bởi sức chịu đựng của con người có giới hạn, một khi anh dùng quyền lực và lý sự cuồng ép chế người ta đến mức họ không chịu nổi nữa, nhất định kẻ gánh hậu quả phải chính là anh. Những cảnh sát giao thông coi bánh mì to hơn tính mạng, sẵn sàng bâu lên đầu xe, nắm lấy cần gạt nước để che tầm lái của tài xế thì miễn bàn.
Bài liên quan:
- Đấu tranh bất bạo động: thất thủ BOT là tất yếu
-
Chống nạn thu phí ở BOT Cai Lậy – mẫu mực về phản kháng dân sự phi bạo lực
- Quảng Cáo -Giả sử bị rớt, anh ta chết hoặc tài xế không dừng lại, đâm phải tường hay lệch xuống hố thì cả một xe hành khách chết. Những kẻ mặc quân phục công an nhân dân, vì một ổ bánh mì mà sẵn sàng leo lên che mất tầm lái của tài xế để chặn xe thì nên có hai việc cần làm với họ: 1. Cho họ đi giám định tâm thần; 2. Truy tố trước pháp luật vì âm mưu giết người hàng loạt hoặc vô trách nhiệm, gây nguy cơ chết người hàng loạt. Muốn tỏ ra nghiêm minh, muốn được lòng dân, nhà nước cần phải làm như vậy.
Và nhà nước muốn được lòng dân, cần phải dẹp ngay tất cả các trạm BOT trên các trục đường Việt Nam, bởi thuế của dân anh đã thu nhiều hơn mọi quốc gia khác, hà cớ gì anh phải gọi nhà đầu tư xây dựng trạm BOT? Vậy tiền của dân thu về bấy lâu nay anh để đâu? Phải chăng xây trạm BOT là một cách khiêu chiến với dân rằng “tao đã lấy tiền của mày rồi, xài rồi, và còn lấy nữa, lấy mãi!”? Nếu không thích khiêu chiến với nhân dân thì tốt nhất nên có động thái thể hiện mình tử tế và sòng phẳng, phải dẹp gấp các trạm BOT tại Việt Nam. Vấn để hoàn vốn hay bù lỗ cho nhà đầu tư thì bắt các chủ tịch tỉnh, bộ trưởng, thứ trưởng có liên quan chịu trách nhiệm bởi chính họ đã làm sai, đã gian lận trong ngân sách xây dựng và thả cửa cho nhà đầu tư.
Sự bất bình cũng như cách ứng xử của giới tài xế khi đi qua trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang cho thấy họ đã nhận thức được rằng mồ hôi, nước mắt và cân não của họ bỏ ra đã bị lợi dụng, họ phải đấu tranh để lấy lại nó một cách chính đáng. Và đấu tranh để triệt tiêu cái xấu, để lấy lại sự sòng phẳng và nghiêm minh cho bản thân và đất nước là một cách thể hiện lòng yêu nước, bày tỏ nguyện vọng đóng góp cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh… tốt nhất trong tình huống này.
Rất tiếc, nhà nước không những không nhìn nhận những tín hiệu tốt đẹp này mà còn chống đối và cố tình làm cho vấn đề trở nên sai lệch, rối rắm, thậm chí thối nát. Thay vì chấn chỉnh để tìm thiện cảm của nhân dân, nhà nước lại tự làm nhục mình, thậm chí trét dơ lên cả bề dày lịch sử cầm quyền của mình vì những cái lệnh, những qui định ngu xuẩn, và cấp dưới đã ngu xuẩn làm nhục cấp trên, bôi nhọ vào lịch sử đảng. Bởi không nói, không làm thì không ai biết cái nhục này. Mà cái nhục này là cái nhục gì vậy?
Cái nhục mà tôi muốn nói ở đây là sự lừa đảo đã bị bạch hóa sau gần 50 năm. Câu chuyện tịch biên tài sản của nhân dân vô tội vạ, phi nhân tính tưởng như đã xếp lại bằng một chính sách tử tế nào đó. Nhưng không, sự bịp bợm này vẫn tiếp diễn, và nó thể hiện một cách lộ liễu khi nhà nước tuyên bố những ai dùng tiền lẻ qua trạm BOT Cai Lậy sẽ bị phạt tù 5 năm hoặc tuyên bố đã có 16 bản số xe chuyên dùng tiền lẻ qua trạm, đã chuyển qua cho ngành giao thông để xử lý. Đến mức này, người ta buộc phải đặt câu hỏi vậy tiền lẻ là gì? Tiền lẻ của ai? Giá trị của tiền lẻ?
Nên nhớ, để có hai trăm đồng lẻ mà hiện tại các tài xế thanh toán với trạm BOT Cai Lậy, trước đây 20 năm, người ta đã bán cả chỉ vàng mới cầm được nó, và trước đây 30 năm, 40 năm, người ta phải bán cả lượng vàng mới có được nó. Và đã có không ít người bán vàng để mua công trái, để gởi tiết kiệm, kết quả là sau 30 năm, 40 năm, cả một gia tài của người ta không đổi nổi một ổ bánh mì. Điều này cho thấy đồng tiền Việt Nam đã rớt giá trầm trọng, uy tín và quyền lực nhà nước không đủ để bảo chứng cho tài sản của nhân dân khi nhân dân ký gởi tài sản của họ cho nhà nước.
Nên nhớ, để có hai trăm đồng cầm trên tay, người ta từng bán cả chỉ vàng, thậm chí cả lượng vàng hoặc bán sức lao động, bán sự cống hiến, sáng tạo cho nhà nước. Và người dân cầm tờ tiền trên tay cũng có nghĩa là đang cầm cái giấy chứng nhận nợ của nhà nước đối với họ trên mọi nghĩa. Mà cái giấy chứng nhận này có giá trị bao nhiêu lại tùy thuộc vào tài năng và uy tín của nhà nước bấy nhiêu. Ở Việt Nam, cầm tờ giấy bạc chứng nhận nợ của nhà nước trên tay chẳng khác nào cầm một bằng chứng về tính chơi quỵt của nhà nước. Và tính chơi quỵt này phát triển đến đỉnh điểm khi chính nhà nước mở miệng thoái thác, khước từ món nợ của họ một cách trơ tráo nhất.
Trường hợp đòi phạt tù hay hăm dọa tài xế ở BOT Cai Lậy, Tiền Giang là một kiểu chơi quỵt và hợp thức hóa sự chơi quỵt này. Bởi 200 đồng là tờ tiền vẫn còn giá trị lưu hành tại Việt Nam, 500 đồng là tờ tiền còn giá trị lưu hành tại Việt Nam. Nếu trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang không muốn cho nhân viên của mình phải đếm tiền tốn thời gian thì nên có một trạm đổi tiền lưu động, có đội ngũ linh hoạt, xông xáo, nằm cách trạm BOT chừng 1km. Các xe đến đây, phải cho nhân viên ra đón xe (việc này có thể hợp tác với ngành giao thông để họ hưởng tăng ca), xin phép hỏi tài xề thử có nhu cầu đổi tiền lẻ ra tiền chẵn hay không. Và nếu tài xế chịu đổi thì đổi sang tiền chẵn, chấp nhận bù giá cho tiền lẻ một chút, ví dụ như một triệu tiền lẻ đổi được một triệu không trăm hai mươi ngàn tiền chẵn, xem như khích lệ đổi và bù thời gian làm phiền nhà xe.
Sau đó thì tài xế sẽ qua trạm bằng tiền chẵn, mọi việc êm xuôi. Chứ đừng dại dột qui định cấm tiền lẻ, vì tiền lẻ cũng là tiền, là mồ hôi, xương máu của nhân dân và là nợ bằng danh dự, uy tín của nhà nước. Cấm hay xem thường tiền lẻ có nghĩa là đang bôi bẩn vào nhà nước, đang hạ nhục quốc gia, thậm chí là đang phản quốc! Nên nhớ là vậy, các ông các bà nào còn định cấm tiền lẻ thì nên học và đọc thật kĩ về bản chất của tiền và nhà nước để tránh làm những trò dại dột bôi bẩn thêm vào gương mặt của đảng, nhà nước nữa!