Lập tòa án hiến pháp cũng chẳng thay đổi được điều gì (!?)

Nguyễn Phúc – Thanh Hữu - VNTB

Linh mục Phan Văn Lợi bị công an chặn thô bạo tại nhà
- Quảng Cáo -

Sắc lệnh hành pháp về di trú và nhập cư của ông Trump, ngay khi ban hành đã bị kiện ra tòa, và bước đầu phía nguyên đơn đang thắng kiện. Ở Việt Nam, chuyện di trú – nhập cư kiểu ‘lệnh miệng’ cấm đoán đã diễn ra suốt thời gian dài, như vụ việc hôm Tết, linh mục Phan Văn Lợi bị đe dọa cản trở bằng vũ lực, không cho ông rời nhà đến dự một Thánh Lễ mừng xuân mới.

Trước đó, danh sách bị ‘cấm/ tạm dưng xuất cảnh’ luôn được kéo dài bởi một lệnh nào đó từ phía bộ công an, thay vì danh sách này phải được đưa ra từ cấp tòa án thẩm quyền, vì quyền tự do đi lại, quyền xuất cảnh, nhập cảnh là Hiến định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước” (Điều 23, Hiến pháp 2013).

Từ việc ứng xử của giới luật Hoa Kỳ trước sắc lệnh cấm nhập cảnh của Trump, cho thấy giới luật Việt Nam cần ‘nhập cuộc’ để chống lại những ‘luật miệng’ và các chính sách vi hiến của đảng cầm quyền.

Quyền tự do đi lại… chỉ có trong Hiến pháp

- Quảng Cáo -

Hiến pháp 2013, Điều 23 “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Điều 25 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Rất nhiều công dân Việt Nam đã bị chặn không cho phép xuất cảnh khi làm thủ tục tại sân bay. Nhiều công dân không chỉ bị ‘tạm dừng xuất cảnh’, mà còn bị thu luôn hộ chiếu với lý do “bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”.

Tất cả ‘lệnh cấm’ đều không có văn bản, mặc dù theo Nghị định số 07/VBHN-BCA ngày 31/12/2015, thì nếu cấm/ tạm dừng xuất cảnh thì phải có quyết định rõ ràng đối với từng công dân cụ thể, và thẩm quyền ký quyết định này phải là Bộ trưởng Bộ Công an, nếu như đó là “Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”.

Cho đến nay, liên quan chuyện ‘cấm/ tạm dừng’ xuất cảnh với lý do “bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”, vẫn chưa có một yêu cầu khởi kiện nào được Tòa án chấp nhận thụ lý. Người bị ‘cấm/ tạm dừng xuất cảnh’ cũng không nhận được bất kỳ quyết định nào có chữ ký của bộ trưởng bộ Công an về việc người ấy đã có những việc làm gì, dẫn đến bản án phán quyết của tòa thẩm quyền rằng người đó phải chịu sự giới hạn của quyền công dân là ‘cấm/ tạm dừng xuất cảnh’.

Như vậy, ‘lệnh cấm’ này của Bộ trưởng Công an có dấu hiệu đi ngược lại với quyền ra nước ngoài của công dân đã được Hiến định. Tuy nhiên chỉ có thể ‘khiếu nại’, chứ pháp luật tố tụng của Việt Nam hiện chưa có quy định nào về ‘khởi kiện’ trong trường hợp này.

Tương tự, với việc nêu ra những lý do như chưa thể ban hành luật biểu tình, chưa thể công nhận quyền im lặng vì “còn nhiều tranh cãi”, “phía công an không muốn”…, dễ thấy rằng Quốc Hội đã chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa bảo đảm và bảo vệ được những quyền công dân mà trong Hiến pháp đã quy định.

Không chỉ vậy, bảo hiến ở Việt Nam không được giao cho một cơ quan chuyên trách có chức năng bảo vệ Hiến pháp nên dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”, không rõ trách nhiệm. Trên thực tế đã có một số đạo luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp.

Đơn cử, trong thời gian lấy ý kiến, dự án Luật Kiểm toán nhà nước được cho là có nhiều nội dung vi hiến. Cụ thể như Quốc hội thành lập cơ quan kiểm toán nhà nước, bầu Tổng kiểm toán… là những quyền không được Hiến pháp giao cho Quốc hội. Tuy nhiên, do không có cơ chế bảo hiến như ở nhiều nước khác nên Luật Kiểm toán nhà nước vẫn được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI…

Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp: phải độc lập

Thoạt đầu, cứ ngỡ Quốc hội sẽ có thực quyền nhất; quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, cơ quan hành pháp và tư pháp do họ trao quyền nên khó có thể xảy ra chuyện vi hiến nên không cần bảo hiến….

Hiện tại, chúng ta trên tiến trình xây dựng nhà nước “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” thì quyền lực phải tập trung để tạo nên một hệ thống sức mạnh toàn dân; hệ thống đó sẽ bảo vệ nhân dân, xây dựng và phát triển đất nước theo hướng bền vững nhất. Vì vậy, trong bối cảnh nước nhà hiện nay thì vẫn nên tập trung quyền lực. Nhưng tập trung như thế nào, dưới phương thức nào thì cần phải xem xét cẩn trọng.

Khi trao quyền lực cho ai thì ta phải gắn dây phanh cho họ, họ được tự do sử dụng quyền lực trong khuôn khổ để phục vụ lợi ích chung cho nhân dân, đất nước; nếu một khi họ muốn vượt ra ngoài khuôn khổ đó thì dây phanh sẽ kéo họ lại đúng với kỹ cương. Có như thế mới tránh được trường hợp lạm quyền, lộng quyền.

Nhìn vào hệ thống quyền lực nước nhà và câu chuyện bảo hiến thì “tình hình rất ư là tình hình”. Quyền lực phải được chia sẻ và giám sát lẫn nhau giữa các chủ thể được trao quyền thì quyền lực ấy không bị lạm quyền nhưng ở nước ta vấn đề này còn là một lỗ hổng rất lớn.

Ba nhánh quyền lưc Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp đáng lẽ ra phải độc lập và đối trọng lẫn nhau. Nhưng ở Việt Nam thì Quốc hội (lập pháp), Chính phủ (hành pháp) dưới quyền Quốc hội; còn bộ Tư pháp (tư pháp) thì nằm trong Chính phủ. Thoạt đầu, cứ ngỡ Quốc hội sẽ có thực quyền nhất; quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, cơ quan hành pháp và tư pháp do họ trao quyền nên khó có thể xảy ra chuyện vi hiến nên không cần bảo hiến.

Nhưng tình hình thực tiễn thì hoàn toàn khác tuy trên danh nghĩa Quốc hội có quyền lập hiến, lập pháp nhưng thực ra Chính phủ đã làm thay điều này. Đa phần các dự án Luật do Chính phủ soạn thảo và đề trình (Chính phủ giao cho Bộ liên quan đến vấn đề đó soạn thảo) nên câu chuyện cục bộ, ý chí chủ quan của người soạn thảo nhầm bảo vệ lợi ích cho mình là rất lớn. Và thực tế Luật này chồng chéo lên luật kia, vạn sự rối nghìn bế tắc lại đổ lên đầu dân.

Ngoài ra, Chính phủ được ban hành văn bản pháp quy và thực thi nó, thì câu chuyện lạm quyền là chuyện dễ dàng xảy ra. Chẳng có cơ quan nào kiểm soát, may ra có nhiều quy định “trên trời rơi xuống đất”, dưới sức mạnh của báo chí, dư luận, nhân dân thì Chính phủ động lòng thương nên xem xét lại.

Mặt khác, nhánh quyền lực Tư pháp đáng lẽ ra phải ngang quyền và độc lập với Chính phủ (hành pháp) để kiểm soát, đối trọng lại Chính phủ. Nhưng Bộ Tư pháp ở trong Chính phủ thì làm sao Tư pháp được độc lập, chỉ cần Tư pháp phê bình một tiếng thì cho rằng “gà nhà bươi bép nhà”, vậy làm sao khách quan.

Quay lại câu chuyện có nên Lập tòa án hiến pháp hay không? Nhân vụ việc tân tổng thống đời thứ 45 của Hoa Kỳ liên tục hầu tòa, dư luận đang quan tâm và bàn bạc về vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng nên, vì có như thế mới đảm bảo được câu chuyện bảo hiến của nước nhà.

Tuy nhiên, ở góc nhìn chủ quan, tác giả bài viết này cho rằng điều kiện tiên quyết để xây dựng nên nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn hiến pháp và pháp luật thì phải xem xét lại cách phân chia và kiểm soát ba nhánh quyền lực Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp cho hợp lý. Một khi giải quyết được câu chuyện nói trên thì hãy bàn tới có nên Lập tòa án hiến pháp hay không.

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here