Sĩ quan cao cấp lãnh đạo quân đội CSVN sang Trung Quốc tập huấn
Ngày 6/6, một đoàn gồm 22 tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp của Quân đội CS Việt Nam lên đường sang Trung Quốc tham gia khóa học ngắn hạn (15 ngày) để nghiên cứu học tập về các vấn đề lý luận và thực tiễn trong công tác Đảng, công tác chính trị của Quân đội CS Trung Quốc. Khóa học sẽ diễn ra tại Học viện Chính trị Tây An, của Quân đội Cộng sảnTrung Quốc.
Theo tin báo Quân đội nhân dân, kể từ 2009 đến nay, đây là đoàn quân đội thứ 6 sang tập huấn, học tập tại Trung Quốc.
Giới quan sát chính trị tỏ ra ngạc nhiên về việc, Trung Quốc với chính sách nước lớn cưỡng chiếm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, mà mới đây tại Hội Nghị Diễn đàn an ninh Shangri-La ở Singapore vào cuối tuần trước, Trung Tướng Thích Kiến Quốc, Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội CS Trung Quốc một lần nữa nhắc lại Trung Quốc có chủ quyền ở 2 vùng biển Biển Đông và biển Hoa Đông, nhấn mạnh đó là lập trường rất rõ ràng, và những hoạt động của hải quân Trung Quốc ở các vùng biển này là hợp pháp, không phải tranh cãi.
Người dân Việt Nam rất phẫn nộ, nhưng Quân đội CS Việt Nam lại cử các cán bộ chính trị ở cấp chiến lược, chiến dịch toàn quân của mình sang Trung Quốc để được đào tạo.
Nông dân không thể có lời 30% trong vụ hè thu
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hôm 4/6 dự báo nông dân sẽ không thể có lời 30% giá thành trong vụ hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong cuộc họp báo tổ chức ở TP.Sài Gòn, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết xuất khẩu gạo Việt Nam đang bị bế tắc đầu ra trong xu hướng thị trường thế giới thừa cung và áp lực giảm giá mạnh.
Theo lời ông Trương Thanh Phong, chính phủ có thể cho mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo để giúp giảm bớt tồn đọng thị trường khi nông dân thu hoạch rộ trong hai tháng sắp tới. Tuy vậy ông Phong nói rằng kinh doanh xuất khẩu gạo vụ đông xuân doanh nghiệp bị lỗ từ 25USD tới 30 USD một tấn, nên sẽ khó có doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ vụ hè thu dù có được cấp bù 100% lãi vay ngân hàng.
VFA có thể chỉ định và giao chỉ tiêu mua tạm trữ bắt buộc vì không thể bỏ mặc nông dân. Người chủ trì hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam nói với báo chí là thời điểm hiện nay chưa nên đặt vấn đề nông dân có lời 30% giá thành mà là làm sao để tiêu thụ được lúa gạo.
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới với 7,7 triệu tấn bán ra nước ngoài trong năm 2012. Tuy nhiên giá gạo Việt Nam rẻ nhất thế giới và nông dân cũng hưởng lợi ít nhất.
Đại sứ Liên Âu tại Việt Nam lên tiếng về tình trạng đàn áp nhân quyền
Đại sứ Liên Âu tại Việt Nam là ông Franz Jessen, đã bày tỏ mối quan ngại của ông về các vụ bắt giữ và kết án gần đây đối với một số nhà hoạt động, blogger và sinh viên, với mức án tù từ 2 đến 13 năm kèm theo nhiều năm quản chế tại gia, vì những hành vi liên quan đến việc thực thi quyền tự do ngôn luận. Ông đề cập cụ thể đến vụ bắt giữ gần đây đối với blogger Trương Duy Nhất, phiên tòa sơ thẩm xét xử Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên ở tỉnh Long An vào ngày 16 tháng 5, và phiên tòa phúc thẩm xét xử 8 giáo dân Hồ Đức Hòa, Paulus Lê Sơn, Nguyễn Văn Duyệt, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Đình Cương, Nguyễn Xuân Anh, Thái Văn Dung và Trần Minh Nhật diễn ra vào ngày 23 tháng 5 tại tỉnh Nghệ An.
Trong cuộc gặp với các nhà chức trách Việt Nam vào cuối tuần qua, Đại sứ Jessen kêu gọi xem xét lại ngay lập tức đối với các phán quyết này và phản đối việc các cơ quan chức năng Việt Nam từ chối đề nghị của Liên Âu về việc tham dự các phiên tòa này. Đại sứ Jessen cũng nhắc nhở rằng mọi người đều có quyền cơ bản được nói và tự do biểu đạt quan điểm của họ bằng các phương thức ôn hòa, phù hợp với Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế và Điều 19 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên. Ông nói thêm rằng phán quyết này dường như trái ngược với các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, và tiếp tục xu hướng tiêu cực với việc kết tội các blogger và nhà đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam.
Cần Thơ: hết vụ bê tông ‘cốt tre’ đến bờ kè bị sụp đổ
Trong khi giới chức chính quyền thành phố Cần Thơ còn đang choáng váng vì vụ vỡ bê-tông lót cống hôm 14.5 trong khi công trình xây dựng hệ thống cống thoát nước chưa kịp hoàn thành tại thành phố Cần Thơ lòi ra các tấm bê-tông “cốt tre,” chứ không phải cốt thép như thiết kế đã được phê duyệt, thì xảy ra vụ sạt lở bờ kè sông Cần Thơ vào ngày 30 Tháng Năm.
Ðoạn bờ kè bị lở dài 55 thước nằm sâu vào đất liền khoảng 20 thước đang trong giai đoạn hoàn thành thình lình bị sụp đổ, trôi tuột xuống sông cuốn theo hàng chục thước bờ rào của khu dân cư lân cận, làm đổ một trụ điện và nhấn chìm một chiếc tàu 5.5 tấn của người dân.
Đoạn bờ kè nói trên đã được xây dựng đến 80%, bao gồm chân và thân kè. Người ta đang dự tính thực hiện giai đoạn đổ cát, đá để làm hành lang và đường đi thì bờ kè sụp bất ngờ. Tai nạn này làm tắt luôn đường giao thông chính của phường Hưng Thạnh thuộc quận Cái Răng.
Công trình xây dựng bờ kè sông Cần Thơ đã được khởi công giữa năm 2010, với tổng chi phí trên 711 tỉ đồng, tương đương 35 triệu rưỡi đô.
Công trình này đáng lẽ đã hoàn thành hồi cuối năm 2011, nhưng cho đến nay vẫn còn ì ạch, chưa xong. Chủ thầu cho biết, vì thời gian thi công kéo dài nên chi phí xây dựng công trình đã “trượt” lên đến 2,000 tỉ đồng, nhiều gấp ba lần dự tính ban đầu.