Vào ngày 30 tháng Sáu vừa qua, tập đoàn Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung, và tập đoàn này đền bù 500 triệu Mỹ kim cho các ngư dân 4 tỉnh bị thiệt hại trong vụ này.
Mời quý thính giả theo dõi, từ huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, Linh mục Phêro Trần Đình Lai, Quản xứ Đông Yên bày tỏ sự khó khăn của ngư dân và lo ngại trước những hứa hẹn của nhà nước CSVN.
Lm. Trần Đình Lai: Trước hết xin cám ơn Đài phỏng vấn về tình hình của người dân miền Trung. Tôi xin thay cho những người dân thiệt hại trong vụ thảm họa môi trường vừa qua, cảm ơn tất cả các tổ chức, phi chính phụ, cá nhân trong và ngoài nước đã lên tiếng và tìm cách tiếp cứu một cách rất khoa học để trả lời chính xác là do Formosa gây ra.
Đứng trước sự thật phơi bày rõ ràng và quá nhiều người biết như vậy thì chính phủ CSVN đã phải chấp nhận nói lên sự thật. Công ty Formosa đã lên truyền hình Việt Nam để công khai, nhận lỗi, xin lỗi nhân dân, chính phủ và cam kết sẽ đền bù.
Trước mặt họ cho chúng tôi biết là họ đền bù 500 triệu Mỹ kim cho sự gây ra thiệt hại đối với ngư dân biển miền Trung này.
CTM Media: Ngư dân ở Giáo xứ Đông Yên nơi Linh mục đang phục vụ nghĩ sao về số tiền đền bù này, và mức độ phản ứng của họ như thế nào thưa Linh mục?
Lm. Trần Đình Lai: Trong thảm họa biển miền Trung thì Giáo xứ Đông Yên chúng tôi là địa bàn tại Vũng Áng, là những người bị ảnh hưởng trực tiếp và thiệt thòi nặng nề nhất. Khi nghe tin như vậy thì họ vừa mừng và vừa lo. Mừng vì biết rằng người ta nhận trách nhiệm và hứa sẽ đền bù thỏa đáng cho những ai bị thiệt hại. Và lo vì không biết chính phủ Cộng sản này có làm thật, làm đúng không? Tiền đền bù có đến được tay người dân bị thiệt hại hay không, hay rồi sẽ nói dối người dân, kiếm cách ém nhẹm, tham nhũng, vơ vét của những ngưỡi đau khổ, những người bị thiệt hại. Ngư dân đang chờ đợi những quyết định và những chính sách đúng đắn.
CTM Media: Riêng cá nhân Linh mục nghĩ sao về số tiền đền bù này?
Lm. Trần Đình Lai: Đối với tôi thì 500 triệu đền bù đó chỉ là một phần rất nhỏ so với đại thảm họa do Formosa gây ra ở biển miền Trung cho cả bốn tỉnh. Các nhà bác học trên thế giới, các tổ chức, cá nhân cho biêt [thảm họa] nó khủng khiếp và kéo dài; do đó 500 triệu là một phần rất nhỏ.
CTM Media: Linh mục có ý kiến như thế nào đến với người dân trong và ngoài nước, và các cơ quan quốc tế nên hỗ trợ ra sao trước thảm họa này ạ?
Lm. Trần Đình Lai: Chúng tôi rất biết ơn các tổ chức, các cá nhân trong và ngoài nước đã đứng bên cạnh những người đau khổ và mất mát trong đợt này để đấu tranh. Bây giờ người ta công khai nhận lỗi và hứa đền bù thì đây mới là nửa việc. Chúng tôi tha thiết kêu mời và mong có nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, những người yêu mến sự thật, yêu thương những người bị hoạn nạn, lên tiếng để sự đền bù đó – dù đang rất ít – nhưng phải trực tiếp đến những người dân bị thiệt hại, bị mất mát trong đại thảm họa này, chứ không theo cách làm của Cộng sản. Chúng tôi đang rất lo vì số tiền đó không đến được người dân.
CTM Media: Nếu không nhận được sự đền bù đầy đủ thì bản thân của Linh mục và giáo dân Giáo xứ Đông Yên có nghĩ cách nào để đòi sự công bằng không thưa Linh mục?
Lm. Trần Đình Lai: Cha ông chúng ta nói, “Con giun mà xéo lắm cũng quằn”. Đến lúc, không chỉ người dân Đông Yên hay người Công giáo – mà tất cả người dân Việt Nam sẽ đứng lên xuống đường biểu tình để đòi lại sự công bằng, đòi sự đền bù thỏa đáng và đòi những giải pháp đúng đắn từ phía chính phủ.
Formosa chỉ là một doanh nghiệp gây ra thiệt hại như thế thì là lỗi nặng nhất, nhưng “đầu mối tội đầu” vẫn là chính phủ. Từ lúc đó đến giờ chưa được một lời thăm hỏi, chưa được một câu xin lỗi mà ngược lại còn lừa dân, ém nhẹm, tiếp tục tìm cách để trục lợi trong những lúc này thì đó là một chính phủ hèn nhát.
Chúng tôi không thể chịu đựng mãi như thế được. Không phải chỉ riêng tôi, không phải chỉ người dân Đông Yên mà tất cả 90 triệu người dân Việt Nam sẽ xuống đường để đòi lại sự công bằng và đòi lại cho người nghèo quyền lợi của họ nếu lần này không làm đúng, không làm cho đầy đủ đúng với trách nhiệm của chính phủ.
CTM Media: Quay trở lại với Giáo xứ Đông Yên, xin Linh mục cho biết thêm về tình trạng ngư dân hiện nay ra sao ạ?
Lm. Trần Đình Lai: Từ hai tháng rưỡi nay người dân không đi biển được. Họ kéo thuyền lên, bỏ lưới trong thuyền và trùm bạt lại rồi ở nhà chờ đợi các tổ chức, các tôn giáo bạn, các giáo xứ, Tòa Giám Mục và nhiều nơi đến giúp họ gạo, giúp họ tiền để sống, chứ họ không biết làm nghề gì. Ngư dân ở đây chỉ có đánh bắt cá mà khi biển không có cá nữa, hoặc cá bị nhiễm độc có đánh được thì cũng không bán được cho ai nên họ chẳng làm được gì để kiếm sống cả. Họ đang thất nghiệp, họ đang ngồi chờ không.
CTM Media: Ngư dân có nhận được sự trợ giúp trực tiếp từ nhà nước không, thưa Linh mục?
Lm. Trần Đình Lai: Từ khi thảm họa xảy ra thì nhà nước cứu trợ mỗi người dân 15 kg gạo một tháng mà họ cứu trợ một tháng rưỡi, tức mỗi người được 22 kg gạo. Sau đó được hỗ trợ cho một chiếc tàu 5 triệu đồng. Mà ngư dân thì có những lúc cả chục hộ gia đình hoặc hai, ba chục hộ gia đình thì mới có một chiếc tàu, một chiếc thuyền. Cho nên số tiền đền bú đó chẳng thấm gì cả so với cả mùa đánh bắt rất quan trọng đối với ngư dân để nuôi sống cả gia đình quanh năm. Chỉ có 3, 4 tháng hè này mới đánh bắt được chứ mùa rét, mùa mưa bão họ đâu đi biển được.
CTM Media: Thưa Linh mục, với tình trạng của môi trường biển hiện nay thì người dân có hy vọng trở lại làm biển một ngày gần đây không, và sự trả lời của nhà nước như thế nào?
Lm. Trần Đình Lai: Sau khi nhà nước thông báo chính thức về thảm trạng xảy ra là do Formosa cũng như lời xin lỗi của họ cùng như sự hứa hẹn đền bù, thì chính phủ, đặc biệt ở tỉnh Hà Tĩnh – tôi thấy họ có hai quyết định:
Một là thành lập một ủy ban giải quyết các vấn đề liên quan đến thảm trạng. Thứ hai là họ cho ra một quy định tạm thời về chính sách hỗ trợ đời sống và khôi phục sản xuất liên quan đến ảnh hưởng sự cố môi trường. Rất cụ thể, nhưng trong đó họ lừa rất là độc ác.
Mục đầu tiên của quyết định này, tôi đọc thấy họ nói bảo trợ về bảo hiểm y tế 100% cho người nghèo và người cận nghèo; họ cho vay để đóng tàu đánh bắt là 200 triệu đến 600 triệu đồng mà 5 năm đầu không lãi; nửa năm sau thì lãi thấp. Nhưng cuối cùng, đọc đến mục “nguồn kinh phí” thì tôi mới ngạc nhiên, mới sửng sờ khi biết họ lừa dân một cách rất khốn nạn.
Về nguồn kinh phí họ đề như thế này: Tạm thời trích trước từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh 2016 để thực hiện. Và sau đó thì hoàn trả lại nguồn dự phòng đó bằng nguồn đền bù của công ty trách nhiệm gang thép hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Có nghĩa là ngay từ khi nhận được sự hứa đền bù thì họ đã có quyết định như vậy rồi. Tức là nếu có đền bù thì họ lấy làm ngân sách của tỉnh. Trong khi đó, thực sự ra đền bù thì đền bù cho ai? Cho ngư dân, cho những người bị thiệt thòi. Cá chết, biển chết, không có gì để đánh bắt, không có gì ăn, không có gì để sống. Sự gian trá của Cộng sản nó khốn khiệp như vậy đó.
CTM Media: Xin cám ơn Linh mục Trần Đình Lai đã cho thính giả biết rõ thêm về tình hình ngư dân Việt Nam nói chung và ngư dân Giáo xứ Đông Yên nói riêng trước thảm họa gây ô nhiễm của tập đoàn Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Lm. Trần Đình Lai: Cám ơn chị đã phỏng vấn tôi. Qua Đài tôi muốn kêu gọi cộng đồng quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các tôn giáo – đặc biệt là người Công giáo – tôn giáo bạn, đứng lên để đòi cho những người bị thiệt hại, những người nghèo, những người ngư dân lâu nay không có nghề gì để làm. Họ không đánh bắt được, không làm được nước mắm, không làm được muối…, thì bây giờ tiền đền bù đó trước hết phải đến được tất cả người dân một cách công bằng và đầy đủ.