“…Kết án ông, chính quyền Việt Nam nhổ toẹt vào mọi giá trị văn minh của nhân loại và chính hiến pháp của đảng. Bản án này cũng sẽ gây bất bình cho những đảng viên đảng cộng sản còn lương tâm…”
Phiên tòa mà dư luận chờ đợi từ hơn hai năm qua đã diễn ra sáng nay, ngày 23/3/2016 tại Tòa án Hà Nội. Bị cáo chính của phiên tòa là một nhân vật rất nổi tiếng: Ông Nguyễn Hữu Vinh, tức Anh Ba Sàm, người sáng lập trang “Thông tấn xã vỉa hè” Anhbasam.
Trang anhbasam đã phá vỡ kỷ lục về số lượng người truy cập, trước và cả sau khi ông Nguyễn Hữu Vinh bị bắt. Trang Anhbasam còn góp phần “tích cực” giúp các phe phái trong nội bộ đảng CSVN đấu đá và sát phạt nhau trong đại hội 12 vừa qua. Các tài liệu mật của chế độ đều được các phe nhóm gửi thẳng cho trang anhbasam. Việc ông Trọng hạ bệ được ông Nguyễn Tấn Dũng đã “có công” không ít của anhbasam.
Nhiều nhà bình luận trong và ngoài nước hy vọng là ông Nguyễn Hữu Vinh sẽ được trả tự do trong phiên tòa này vì lý do người được xem là “hung thần của phong trào dân chủ”, ông Nguyễn Tấn Dũng đã hết vị. Chính quyền mới đã dũng cảm hơn khi nói về người bạn vàng bốn tốt của mình là Trung Quốc. Việt Nam đã công khai cho tưởng niệm vụ xâm chiếm Gạc Ma và 64 chiến sỹ đã hy sinh.
Ông Trọng và ông Trần Đại Quang có thể “rửa mặt” của mình cho bớt nhom nhem bằng cách đổ hết tội cho ông Dũng và cách khôn ngoan nhất là trả tự do cho Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Văn Đài. ĐCSVN đang muốn “thay đổi” vì tình hình đã rất cấp bách, muốn vậy họ phải ít nhiều cởi mở hơn về chính trị vì dân trí của người dân Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Ngay cả những người dân oan cũng hiểu rằng những bất công mà họ gánh chịu là vì chế độ độc tài dung dưỡng cho bọn quan lại tham nhũng cấu kết với bọn “cướp cổ cồn-doanh nhân đỏ”.
Bản án ngày hôm nay dành cho ông Nguyễn Hữu Vinh đã khẳng định một điều là bản chất của ĐCSVN không bao giờ thay đổi dù người lãnh đạo là ai, Ba Dũng hay Trọng, Quang cũng vậy thôi.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhiều lần cảnh báo rằng, ĐCSVN có thể thay đổi điều này thứ kia nhưng có hai điều mà họ không bao giờ thay đổi đó là:
1) Chống dân chủ đến cùng và
2) Thần phục Trung Quốc để duy trì chế độ bằng mọi giá.
Mọi hy vọng hợp tác với chế độ để thay đổi từ bên trong hay niềm tin vào sự thay đổi từ từ của chế độ cộng sản sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực. Bản chất của các chế độ độc tài là… không bao giờ thay đổi. Các chế độ độc tài chỉ thay đổi khi “không thể không thay đổi”. Đó là khi trước mặt họ xuất hiện một lực lượng hay một tổ chức đối lập hùng mạnh và có tầm vóc, tổ chức đó đã qui tụ được đa số các trí thức đối lập và được phần lớn người dân ủng hộ. Từ Balan cho đến Myanmar đều là minh chứng rõ ràng cho nhận định của chúng tôi.
Kết tội ông Nguyễn Hữu Vinh bằng một bản án nặng nề, chính quyền Việt Nam đã đánh mất đi tính chính danh của kẻ cầm quyền. Tiểu sử của ông Vinh rất đặc biệt, sau khi tốt nghiệp Đại học An ninh nhân dân năm 1979 ông từng có 20 năm công tác tại Tổng cục An ninh và được biệt phái sang công tác tại Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ ngoại giao. Ra khỏi ngành vào tháng 11/1999 ông đã thành lập công ty TNHH “Điều tra và bảo vệ V”, là công ty tiên phong trong lĩnh vực thám tử tư ở Hà Nội. Bố ông (đã mất), ông Nguyễn Hữu Khiếu từng là “Ủy viên trung ương đảng” trong hai khóa, cựu Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa, cựu Bộ trưởng Bộ lao động, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô.
Như vậy ông Vinh là một “thái tử đỏ” của chế độ, con đường quan lộ của ông thênh thang mà nhiều người mơ ước. Tuy nhiên ông đã chọn đứng về phía nhân dân Việt Nam. Tư tưởng và con đường tranh đấu của ông rất rõ ràng, minh bạch và đó là một trong những quyền quan trọng nhất của con người: Quyền tự do ngôn luận. Quyền này được ghi trang trọng trong Tuyên Ngôn Phổ Cập về Quyền Con Người của Liên Hợp Quốc cũng như chính Hiến pháp Việt Nam. Ông không (hoặc chưa) tham gia vào một tổ chức chính trị đối lập nào. Kết án ông, chính quyền Việt Nam nhổ toẹt vào mọi giá trị văn minh của nhân loại và chính hiến pháp của đảng. Bản án này cũng sẽ gây bất bình cho những đảng viên đảng cộng sản còn lương tâm. Một người ôn hòa và học thức như ông Vinh mà còn bị chế độ đối xử như vậy thì bản thân họ sẽ ra sao? Người dân Việt Nam sẽ được động viên và cổ vũ vì ngay cả một người là “thái tử đỏ” mà còn không chấp nhận chế độ này thì người dân thấp cổ bé họng có thể mong chờ được điều gì tốt đẹp?
Phong trào dân chủ Việt Nam rút ra được bài học gì từ vụ án này? Bài học đầu tiên mà ai cũng thấy được đó là bản chất của chế độ cộng sản là không bao giờ thay đổi, đừng bao giờ trông chờ vào sự tử tế hay thành tâm của họ. Thứ hai, phong trào dân chủ phải hiểu rằng đảng CSVN chỉ thay đổi khi chúng ta có lực lượng và lực lượng đó phải qui tụ được các trí thức đối lập của Việt Nam và được đa số người dân ủng hộ.
Muốn có được một tổ chức như vậy thì trí thức Việt Nam phải thống nhất được với nhau về một đường lối, lộ trình và phương pháp tranh đấu. Chúng tôi gọi đó là “Dự Án Chính Trị”. Người dân Việt Nam không kiên nhẫn, không lãng mạn và rất thực dụng. Họ không thể ủng hộ phong trào dân chủ Việt Nam nếu phong trào dân chủ Việt Nam không có tổ chức, đường lối và một giải pháp thay thế cụ thể.
Tóm lại trí thức Việt Nam phải tiên phong trong việc kết hợp lại với nhau trong một tổ chức chính trị đứng đắn và có viễn kiến. Các trí thức hoạt động nhân sĩ (một mình, không tổ chức và đảng phái) sẽ không có tư cách để động viên quần chúng. Làm sao có thể thuyết phục được người dân đoàn kết trong khi bản thân họ đứng một mình? Cũng đã đến lúc phong trào dân chủ Việt Nam, trí thức và người dân Việt Nam cần xác quyết rõ ràng tư thế và chổ đứng của mình là thuộc về phe nào vì “họ là họ mà ta là ta”, đảng CSVN và người dân Việt Nam là hai thực thể mà quyền lợi và mong muốn hoàn toàn khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Chúng ta không thể tiếp tục đu dây và nước đôi như ĐCSVN được nữa. Từ chối dứt khoát chuyện góp ý hay hợp tác với đảng để đảng thay đổi hay tốt lên…
Sự kiên quyết và mạnh mẽ của ông Nguyễn Hữu Vinh khi dứt khoát khẳng định mình vô tội chứng tỏ ông đã chọn được con đường cho chính mình: Li dị với ĐCSVN để đứng về phe nhân dân Việt Nam. Ông làm một trí thức dũng cảm và lớn lao. Người dân Việt Nam sẽ ghi nhận và tôn vinh sự cống hiến của ông.
ĐCSVN đang sống trong những ngày tháng khó khăn cuối cùng của mình khi làn sóng dân chủ thứ tư đang trào dâng mạnh mẽ trên khắp thế giới, nó sẽ quét đi các chế độ độc tài cuối cùng trên thế giới. Sự kiện Cuba hân hoan chào đón tổng thống Mỹ viếng thăm và hành động đánh bom khủng bố trong tuyệt vọng của nhà nước Hồi giáo cực đoan vào thủ đô Brussels-Bỉ ngày hôm qua 22/3/2016 đã minh chứng cho nhận định của THDCĐN trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai:
“Nét đậm nhất của thế giới hiện nay là tương quan lực lượng đã thay đổi, các chế độ độc tài còn lại không còn là một đe dọa cho các nước dân chủ nữa. Chúng đều rất tụt hậu về mặt khoa học kỹ thuật, hoàn toàn trần trụi về tư tưởng chính trị, không có cả một ảo tưởng để lừa mị, kém hẳn các nước dân chủ về sức mạnh quân sự và chỉ có một trọng lượng kinh tế chưa bằng 15% của kinh tế thế giới.
Thế giới dân chủ không cần và cũng không sợ các chế độ độc tài nữa. Một thay đổi quan trọng trong bối cảnh thế giới là sự hóa thân của Liên Hiệp Quốc. Sứ mạng chính của Liên Hiệp Quốc từ ngày thành lập là làm dịu những căng thẳng để chiến tranh lạnh đừng trở thành chiến tranh thực sự.
Sứ mạng đó ngày nay đã đạt được, Liên Hiệp Quốc phải tìm một sứ mạng mới để tiếp tục có lý do tồn tại. Sau một thời gian dò dẫm sứ mạng mới đó ngày càng được khẳng định là để phát huy những giá trị phổ cập mà cốt lõi là nhân quyền và để thiết lập trật tự dân chủ.
Thời đại của chủ nghĩa đối ngoại thực tiễn -nghĩa là miễn cưỡng chấp nhận sống chung và hợp tác kinh tế với các chế độ bạo ngược vì hòa bình- đã chấm dứt. Đã thế, trừ một vài ngoại lệ không đáng kể, các chế độ độc tài còn lại đều lệ thuộc nặng nề vào ngoại thương và không thể thách thức thế giới dân chủ. Chúng đang sống những ngày khó khăn cuối cùng.
Làn sóng dân chủ thứ tư sẽ còn tiếp tục mạnh lên và chỉ hoàn tất sau khi đã dứt điểm các chế độ độc đảng cuối cùng và đưa tới sự phân biệt tôn giáo và chính trị tại các nước Hồi Giáo”.
Việt Hoàng