VIỆT NAM- Ngày 22 Tháng Giêng, 2016, tại Đại Hội Đảng CSVN lần thứ 12, Chủ Tịch Hội Nông Dân VN ông Nguyễn Quốc Cường đã phát biểu như sau: “Vì sao bây giờ không ai muốn làm nghề nông, kể cả con nhà nông?”
Theo ông Cường cùng với khó khăn của tiêu thụ nông sản, đã làm cho kinh tế nông nghiệp chững lại, giảm sút và kéo theo là việc nông dân không được quyền “định giá nông sản”…
Điều này đồng nghĩa với địa vị, vai trò kinh tế của nông dân giảm sút theo và dẫn tới thu nhập của nông dân cũng giảm, tạo ra tâm lý nông dân muốn bỏ nghề.
Theo các chuyên gia ngành nông VN thì người trẻ bỏ nông thôn, bỏ ruộng vườn đi vì làm nông vất vả quá mà thu nhập lại bấp bênh. Nhiều người bỏ lên thành phố làm công nhân vì nhìn thấy sự chênh lệch giữa cuộc sống nông thôn và thành thị.
Trong những lần khủng hoảng kinh tế thì nông nghiệp vẫn là bệ đỡ vững chắc cho cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, nhưng người nông dân luôn phải chịu nhiều thua thiệt như bị ép giá, thị trường không ổn định nên được mùa thì lại mất giá, ít được tiếp xúc với thông tin thị trường, hạ tầng cơ sở thiếu thốn và cuối cùng là sự tấn công của hàng dỏm, hàng giả.
Bên lề Đại hội XII, trả lời báo chí về nhận định “nông nghiệp là ‘sân sau’ của công nghiệp, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Cường nói thẳng: “Người ta còn lợi dụng nông nghiệp để làm ăn. Những biện pháp trợ giúp cho nông dân, tôi nói một việc cụ thể là trợ giá hoặc mua tạm trữ, nông dân không được gì cả, doanh nghiệp được hết, ở giữa họ ‘ăn chặn hết’. Trong khi Nhà nước thì có chính sách mục đích là giúp nông dân, mục đích là để cho nông dân lãi 30%. Được mùa rớt giá thì mua tạm trữ nhưng tất cả cái lợi đó vào túi doanh nghiệp hết.”